Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân phản đối trạm thu phí BOT: Lỗi thuộc về ai?

Thứ sáu, 18/08/2017 - 06:20

(Thanh tra)- Theo các chuyên gia kinh tế, vị trí đặt các trạm BOT được thực hiện trong các điều khoản hợp đồng được ký kết giữa bên quản lý Nhà nước và chủ đầu tư. Việc các trạm thu phí bị dân phản đối và phải hạ giá vé, đồng nghĩa với việc một số điều khoản đã bị phá trong hợp đồng. Lỗi này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, người đã ký trực tiếp với chủ đầu tư khi tham gia dự án BOT.

Từ tối 14/8, Trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang đã phải xả trạm cho các phương tiện qua lại

Hiện, cả nước có 7 trạm thu phí BOT buộc phải điều chỉnh phương án thu phí sau khi vấp phải sự phản đối của một số lái xe.

Còn nhớ, năm 2015, ngay sau khi đưa vào khai thác, trạm BOT Quốc lộ 6, Hoà Bình lập tức bị phản đối. Đầu năm 2016, một lần nữa tình trạng chặn trạm lại diễn ra ở dự án BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ. Suốt 4 tháng đầu năm 2017, các dự án BOT cầu Bến Thuỷ, cầu Rác, Quán Hàu liên tục bị người dân căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé để yêu cầu giảm phí. Gần đây nhất, nhân viên trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang lại nhận hàng cọc tiền lẻ từ những người đi đường. Và phương án chung buộc các nhà đầu tư phải miễn, giảm phí.

Tính cả Cai Lậy, hiện đã có tổng cộng 7 trạm thu phí BOT buộc phải điều chỉnh phương án thu phí sau khi vấp phải sự phản đối của lái xe. Nếu nói về cái lợi trước mắt, những người đi qua các trạm BOT nói trên sẽ tạm hài lòng khi mức phí đều đã bị điều chỉnh giảm. 

Hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang vẫn đang phải xả trạm để các phương tiện đi qua miễn phí. Dự kiến việc xả trạm này sẽ kéo dài đến ngày 21/8. Theo ước tính của chủ đầu tư, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe đi qua đây mỗi ngày. Trạm này đã thu về gần 1 tỷ đồng mỗi ngày, mức theo chủ đầu tư là vừa đủ trả lãi ngân hàng và các chi phí liên quan.

Nhiều chủ đầu tư dự án BOT chia sẻ, họ gặp rất nhiều khó khăn vì không thể lường trước được những vấn đề này xảy ra trước khi tham gia dự án.

Cụ thể, với trạm thu phí Cai Lậy, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỉ đồng, trong đó có tới 83% vốn vay với thời hạn 5 năm, mỗi ngày đơn vị này phải trả tiền gốc và tiền lãi khoảng 870 triệu đồng, một áp lực trả nợ rất lớn. Khi giảm phí thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài hơn và chủ đầu tư sẽ phải gia hạn với ngân hàng cho vay, nếu ngân hàng mà không đồng ý, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, thực tế, có nhiều dự án làm đường BOT mọc lên bị người dân phản ứng dữ dội. Bởi, trạm thu phí cứ mọc tràn lan, kể cả những con đường huyết mạch cũng bất chấp khoảng cách, giá thu. Thậm chí nhiều con đường hiện hữu chỉ dặm vá, mở rộng thêm đôi chút cũng đặt trạm thu phí. Rất nhiều bất hợp lý từ những dự án BOT từ trên trời rơi xuống, bất chấp người dân kêu ca, dư luận phản ứng.

Bài học cho các trạm thu phí trong thời gian tới, nếu không có giải pháp hữu hiệu, thì Trạm thu phí Cai Lậy không phải là trạm thu phí cuối cùng bị chủ xe phản đối. Vì vây, tất cả các điều khoản hợp đồng BOT giữa cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư dự án phải xem xét lộ trình thu phí, thời gian thu phí, phải có căn cứ hợp lý, hợp lệ, công khai, minh bạch, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ. 

Trà Vân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm