Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công khai quy hoạch “rất hình thức” dẫn đến “sốt ảo”, đầu cơ, khiếu kiện về đất đai

Hương Giang

Thứ hai, 30/05/2022 - 18:30

(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, việc không công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “rất hình thức” dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, “sốt ảo”, đầu cơ, khiếu kiện về đất đai…

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về công tác quy hoạch. Ảnh: Đ.X

Quốc hội dành cả ngày 30/5 để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2022 được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ nhất (7/2021).

Quy hoạch “treo”, dự án “treo”: Bao lâu hết “treo”

Nêu ý kiến, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) chỉ ra những hạn chế trong việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như quy hoạch xây dựng. Theo quy định, các quy hoạch này phải được công khai trên cổng thông tin của các tỉnh, thành, huyện... Thực tế làm “rất hình thức, chưa đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân”.

“Nhiều quy hoạch công bố chỉ có quyết định mà không có bản đồ cụ thể hoặc nếu có thì bản vẽ dung lượng ảnh rất thấp không thể xem rõ được nội dung. Rõ ràng, việc thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận của người dân chưa thực sự được coi trọng. Theo phản ánh của cử tri, những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó tiếp cận”, ông Hoàn phát biểu.

Ông Hoàn nhấn mạnh, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai”, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện công bố công khai thông tin lại chưa thực hiện nghiêm túc, chưa thấy có báo cáo số liệu về xử lý kỷ luật hay xử lý trách nhiệm trường hợp này.

“Đề nghị Quốc hội trong dự thảo nghị quyết giám sát Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm, hoặc không công khai thông tin quy hoạch”, đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa nêu.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Háa)

Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) thì đề cập đến quy hoạch “treo”. Theo ông, quy hoạch “treo” là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền công bố sẽ thu hồi nhưng không thực hiện đúng tiến độ.

“Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy. Đây là 1 nội dung gây bức xúc trong nhân dân, nhất là người dân nằm trong vùng dự án “treo”, quy hoạch “treo”. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân với chính quyền”, ông Thông nhận xét.

Do đó, đại biểu đoàn Bình Thuận kiến nghị cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch “treo”, dự án “treo” sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Có chính sách về nhà, đất trong khu quy hoạch chưa thực hiện

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh), hệ thống quy hoạch sử dụng đất bị chia cắt. Có quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì không còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được coi là quy hoạch có yếu tố kỹ thuật nhưng chưa có quy định cụ thể. Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh được coi là quy hoạch ngành.

Cạnh đó, sự thiếu liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch sử dụng đất. “Ví dụ, tại TP HCM, quy hoạch sử dụng đất được duyệt dựa trên số liệu quy hoạch đô thị cũ”, bà Lệ cho rằng, cần lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của TP, còn quy hoạch sử dụng đất thì lập dựa trên cơ sở đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp về nhà, đất với người dân trong khu quy hoạch chưa được thực hiện. Việc này nhằm hạn chế tối đa gây ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong khu vực quy hoạch.

Theo quy định, các nội dung quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Nhưng hiện nay các quy hoạch này đang thực hiện song song.

Do đó, đại biểu Lê Văn Dũng (đoàn Quảng Nam) nhận xét, “quá trình lập quy hoạch tỉnh, việc đánh giá liên kết vùng, xác định tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng còn gặp nhiều khó khăn”.

Ông Dũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Song, trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, đại biểu đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng làm Trưởng ban.

“Đây là giải pháp tối ưu nhằm hạn chế mâu thuẫn khi thực hiện đồng thời các loại quy hoạch và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi quy định có liên quan”, đại biểu đoàn Quảng Nam nói.

Chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, địa phương đang “dò đá qua sông” Theo kết quả giám sát, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho hay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trước khi bỏ tiền ra đầu tư ở một địa phương, lĩnh vực nào đó, vấn đề đầu tiên họ tìm hiểu là cam kết chính trị của Nhà nước, trong đó có công tác quy hoạch. “Chưa có quy hoạch thì biết đầu tư ở đâu. Có phải chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?”, ông Thông nêu vấn đề.  Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) thì thấy việc lập quy hoạch tỉnh chậm dường như là một tất yếu bởi các địa phương như đang “dò đá qua sông” do chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia. “Dù muốn hay không thì tất cả các quy hoạch đều đã trễ so với yêu cầu”, ông Nhân nói. Để tránh phải điều chỉnh quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện để các địa phương không rơi vào thế “chạy đua” với thời gian để trình quy hoạch vào cuối năm nay, đồng thời tập trung nguồn lực để lập quy hoạch cấp quốc gia, đại biểu đề nghị dự thảo nghị quyết của Quốc hội bổ sung và “nới” khung thời gian quy trình lập quy hoạch tỉnh sang năm 2023, thời điểm cụ thể do cơ quan tham mưu xem xét, cân nhắc.

Đề xuất xây dựng quy hoạch và xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Nói luật đã có rồi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ mong Quốc hội cho ý kiến lồng ghép để bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm ở các TP lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Theo ông, đây là vấn đề rất quan trọng sau 30-50 năm nữa, vì lúc đó nhu cầu mở rộng TP chắc chắn sẽ có. Nhưng mở rộng TP theo hướng lấy thêm diện tích đất rất tốn kém, đôi khi bất khả thi, nên mở rộng TP theo hướng ngầm dưới lòng TP thì sẽ hữu hiệu hơn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X “Nếu chúng ta có quy hoạch để xác định được đâu là bến tàu điện ngầm, đâu là siêu thị… ngay bây giờ thì khi đó sẽ thuận lợi hơn và hữu hiệu hơn rất nhiều”, đại biểu Trí nói và cho rằng cần tập trung đội ngũ những chuyên gia giỏi, có nguồn kinh phí đủ lớn để làm cho được việc quy hoạch phát triển không gian ngầm ở các TP. “Cần có quy hoạch và quyết tâm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở các TP, nhất là Hà Nội và TP HCM. Chỉ với một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đồng bộ, hợp lý thì mới có thể giải quyết căn cơ tình hình giao thông quá tải, lộn xộn hiện nay về sau”, đại biểu Trí nói thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

Điện Biên thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo các chính sách đối với người có công

(Thanh tra) - Thời gian qua, các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng tại Điện Biên được chi trả kịp thời, đúng đối tượng; đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ.

Trần Trung

17:51 22/11/2024
Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm