Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thanh tra

Thứ ba, 15/09/2015 - 14:53

(Thanh tra) - Năm 2015, kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành Thanh tra, cũng là năm Nhà nước ta long trọng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư tưởng và lời dạy quý báu của Người đã trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, công tác thanh tra trong suốt 70 năm qua cũng như việc xây dựng Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra trong những thập niên tới đây.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc 1961. Ảnh: Tư liệu

Lịch sử còn lưu lại rằng, từ năm 1945 đến năm 1969, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký 38 Sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra. 3 lần Bác đến dự và phát biểu với hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc vào các năm 1957, 1960, 1961. Bác cũng có nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.

Người đã lựa chọn, ký Sắc lệnh bổ nhiệm nhiều vị lãnh đạo có uy tín, và danh vọng giữ chức vụ đứng đầu tổ chức thanh tra như cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Chánh nhất Tòa Thượng thẩm Hà Nội và ông Cù Huy Cận - Bộ trưởng Bộ Canh nông vào Ban Thanh tra đặc biệt (năm 1945); cụ Tôn Đức Thắng (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947); cụ Hồ Tùng Mậu (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1949); đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1956); đồng chí Nguyễn Thanh Bình (Ủy ban Thanh tra Chính phủ năm 1969).

Khi Hồ Chủ tịch gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho cụ Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận, Người căn dặn: “Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này 2 người là đủ. Một vị cao tuổi và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ, là cụ Bùi; một người thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết là chú. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần làm ngay”.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4 năm 1957, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có Nghị quyết, Chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, Chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với Nghị quyết, Chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”. Từ đó, lời dạy của Bác “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của mình.

Về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, xuất phát từ tư tưởng “dân là gốc”, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta đã rất quan tâm việc thể chế và hiện thực hóa quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Ngay trong Sắc lệnh về thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945) đã xác định một trong những nhiệm vụ của Ban Thanh tra đặc biệt là “nhận các đơn khiếu nại của nhân dân”.

Người đã nhiều lần chỉ ra ý nghĩa chính trị sâu sắc của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Nói chuyện với hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Bác nói: “Nhiệm vụ của các Ban Thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn”.

Những quan điểm, tư tưởng trên đây của Bác đã được quán triệt, thể hiện sâu sắc trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta từ trước tới nay. Đặc biệt là trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân mới đây, giúp cho công việc này ngày càng có nền nếp, thực hiện thống nhất và có hiệu quả hơn.

Về phẩm chất của cán bộ thanh tra, trong bài nói chuyện tại hội nghị thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác còn căn dặn “cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”… Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ thanh tra “phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.

Bác cũng nói: “Đối với cán bộ được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng. Đảng và Chính phủ có tin tưởng mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là ta, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.

Có lần, Bác đã phê bình “một số cán bộ chưa yên tâm cong tác, cho làm công tác thanh tra không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác. Như thế là không rõ nhiệm vụ của mình, không hiểu vinh dự của mình, là mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa”…

Kỷ niệm 70 năm truyền thống vẻ vang của ngành Thanh tra, chúng ta nguyện phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học Bác từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống và công tác, để những tư tưởng, lời dạy của Bác về công tác thanh tra mãi mãi trường tồn, góp phần xây dựng ngành Thanh tra không ngừng trong sạch, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Trần Quốc Trượng
Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm