Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ có ở giáo dục Việt Nam

Thứ ba, 24/07/2012 - 06:29

(Thanh tra)- Luật Giáo dục quy định: Các trường đại học (ĐH), học viện chỉ được tuyển sinh và đào tạo liên thông từ bậc cao đẳng trở lên, ngoài tuyển sinh ĐH, đào tạo nghiên cứu sinh. Hoàn toàn không có việc đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp.

Vậy nhưng, lâu nay, các trường ĐH thường nghĩ ra lắm "kế hoạch 3"... Đầu tiên là việc mở rộng, phát triển quy mô trường ĐH, học viện. Làm rất rầm rộ... Thiên hạ nghĩ: Chắc con em mình sẽ được tiếp cận khoa học hiện đại, tiên tiến của loài người. Nhưng không, đó là ý đồ mở thêm khoa, thêm phòng... chứ dạy thì y chang bài bản cũ, giáo án cũ, thực hành cũ, nghiên cứu cũ, vì tiền đâu mà làm mới?

Có nơi làm mới thật, thì mãi 10 năm sau mới phát hiện ra: "Viện ĐH mở" lẽ ra chỉ theo mô hình các nước tiến tiến là đào tạo từ xa, lấy chứng chỉ. Về kiến thức được cập nhật mới, nhưng nó cũng giống như hệ tại chức của mình, đầu vào chỉ kiểm tra... và chất lượng xêm xêm vậy thôi, không đòi hỏi. Đằng này, khi nhận được văn bản quyết định của Bộ, Viện ĐH mở lập tức chiêu sinh, tuyển học chính quy cấp tập, không chỉ tại Hà Nội, phải thuê chỗ dạy, chỗ học hai ba nơi, mà còn mở rộng, hầu khắp các địa phương, số lượng gấp 5, gấp 7 nhiều trường ĐH có uy tín. Cái hay là trường mới thành lập nên thợ cũng thiếu, mà thầy thì càng thiếu. Vậy là, các giáo sư, tiến sĩ những trường ít sinh viên, "đang rong chơi" được nhận các "hợp đồng béo bở" từ đây. Những ngày nghỉ không ít thầy bên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng "bớt chút thời gian" góp công dạy thêm và được trả công xứng đáng! Trường ở sát bên cạnh Bộ, thật là "công tư vẹn toàn", mà cũng chẳng “ông thanh tra” nào… dám nhắc nhở!

Vậy là, nhân rộng mô hình: Mở rộng mà không phải mở rộng, chính quy mà chất lượng thấp như không phải chính quy... Nhờ đó, các loại hình bán công, bán chính quy, dân lập, tư thục mọc lên như nấm sau mưa...

Chất lượng na ná như nhau, vì một giáo sư, tiến sĩ có khi dạy hai, ba trường, có tên trên bảng lương, trong hồ sơ thành lập của nhiều trường... Quả là “đắt sô” hơn ca sĩ bây giờ!

Rồi các trường kiện cáo nhau về chất lượng tuyển sinh, về nền nếp đào tạo, về phòng ốc, lớp học... Rồi việc phân vai sáng lập, lương thưởng, chức vụ... Và, các chuyện tiêu cực, lâu nay được giữ kín... nay bung bét và mọi người thấy rõ ràng những cảnh ngổn ngang, khó coi sau sân khấu của cái gọi là: Đào tạo con người! Đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước!

Thật đau lòng, nhưng đó là sự thật. Một trường học, ĐH dân lập, nhưng chỉ có biển cổng, còn các dãy lớp học, cả phòng hiệu trưởng cũng đang thuê. Thầy thuê, lớp học thuê, phòng thí nghiệm, thực hành thuê... các cơ sở ở các địa phương cũng là thuê... Tất cả, tính đếm, chia ra từ học phí, đóng góp của học sinh. Vậy thì, quốc sách ở chỗ nào? Kinh phí chi cho giáo dục, đào tạo ở đâu? Ai cho phép mở trường kiểu lừa đảo tràn lan đến như vậy? Rồi đây, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ... những "máy cái" của tương lai sẽ được ra lò từ những "nhà máy" như thế này? Họ sẽ "sản xuất" ra loại máy cao cấp, hiện đại tinh vi như thế nào từ “loại hình” bát nháo trong đào tạo kéo dài này?

Những tưởng, thời gian qua đi, tân quan tân chế độ, giáo dục nước nhà sẽ có vận hội mới, các cuộc cải cách, cách cải cách sẽ đổi mới, đi lên, hệ đào tạo đã có những bài học nhãn tiền trong liên kết đào tạo quốc tế và thận trọng hơn với đối tác nước ngoài để đưa đến cho con em cơ hội phát triển vượt bậc... Nhưng không, qua thanh tra tại một trường ĐH lớn nhất nước, phát hiện ra những người đứng đầu, khả kính, lại một lần nữa lừa dân dối Đảng, bắt tay với kẻ xấu, vụ lợi, tham nhũng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lại một lần nữa không công nhận hàng ngàn tấm bằng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ dởm tại cơ sở này... Để vụ việc xảy ra trầm trọng, kéo dài... các cơ quan tham mưu của Bộ có tiếp tay cho sai phạm này không? Dù đau đớn đến mấy, nhưng vì quyền lợi dân tộc, dám nhìn thẳng vào sự thật, mà Nghị quyết Trung ương IV (Khóa XI) đã chỉ rõ, chúng ta dám cắt bỏ những ung nhọt về bằng cấp để không nhìn thấy đau đớn của con trẻ về học vấn sau này...

Gần đây, dư luận xôn xao về Thông tư 57 sửa đổi được lãnh đạo Bộ ký ngày 12/6/2012 với nội dung sửa đổi Điều 6: ĐH đang đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, phải xây dựng lộ trình giảm 25% tuyển sinh hàng năm và chấm dứt vào năm 2017. Vậy là, một văn bản trái Luật Giáo dục tiếp tục được dung dưỡng, nuôi sống các trường ĐH "lỡ tuyển sinh" trung cấp cho đến nhiều năm nữa: 2017!

Đó mới là điều lạ lùng và kết cấu bền chặt, cố hữu của giáo dục. Dân gian thì gọi tắt là tính truyền thống. Tại sao sai không họp lại kiểm điểm và sửa ngay? Ai chịu trách nhiệm đề xuất tham mưu? Sao lại có văn bản trái luật, một lần, sửa lại càng sai? Hãy tự kiểm tra lại mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thấy rõ: Không có nơi nào trên thế giới, trường ĐH lại đẻ ra hệ trung cấp và tập trung dạy trung cấp! Vậy, các trường trung cấp sẽ được nâng cấp dạy cao đẳng và ĐH chăng?

  Hoàng Trí

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm