Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chất lượng khám chữa bệnh: Câu chuyện từ nước Nhật

Thứ bảy, 03/12/2011 - 10:39

(Thanh tra) - Chất lượng và thái độ phục vụ trong các bệnh viện của Việt Nam dường như mãi là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng, khổ cũng phải nói, với mong muốn điều này sẽ ngày càng được cải thiện.

Với hơn 600.000 bệnh nhân hàng năm, nhưng Bệnh viện Đa khoa vùng Shizuoka luôn vắng vào cuối tuần!

Đã có rất nhiều giải thích được đưa ra và rất nhiều giải pháp được áp dụng trong ngành y tế. Có điều, dường như câu chuyện quá tải và chất lượng, thái độ phục vụ kém vẫn là một căn bệnh trầm kha, cần nhiều liều thuốc đặc trị cũng như sự phẫu thuật cắt bỏ những khối u không cần thiết trong chính cơ thể đó.

Không có ý định “bới lông tìm vết”, nhưng người viết cũng cố gắng tìm những số liệu lý giải cho sự quá tải và… cảm thấy quá tải của các bệnh viện tại Việt Nam bằng cách so sánh số liệu thống kê giữa Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn nhất của Việt Nam và một bệnh viện thuộc vùng Shizuoka tại Nhật Bản để thấy rằng, câu chuyện trước hết cần phải thay đổi trong ngành y tế bắt đầu từ những chuyện đơn giản.

Theo số liệu từ trang thông tin điện tử của Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, bệnh viện có quy mô 1.400 giường bệnh với tổng số cán bộ, công chức là 2.000 (bao gồm 1.800 thuộc biên chế và hợp đồng của bệnh viện và 200 cán bộ, công chức là cộng tác viên thuộc Trường Đại học Y Hà Nội thường xuyên công tác tại bệnh viện).

Hàng năm, số lượng bệnh nhân đến khám từ 350.000 - 450.000 người. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 50.000 - 60.000 người. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh lúc nào cũng quá tải (trên 100%). Ngày điều trị trung bình đạt từ 10 - 12 ngày. Đây là 1 con số ấn tượng và đáng mơ ước đối với nhiều bệnh viện ở Việt Nam và trên thế giới, nếu tính theo số lượng bệnh nhân. (Theo website Bệnh viện Bạch Mai tại địa chỉ http://bachmaihospital.org)

Còn Bệnh viện Đa khoa vùng Shizuoka, Nhật Bản chỉ có tổng số 720 giường bệnh (bao gồm 100 giường bệnh dành cho điều trị công nghệ cao), bằng khoảng nửa số giường bệnh của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện vùng Shizuoka có tổng số bác sỹ là 185 người, 626 y tá, 155 kỹ thuật viên y tế và chỉ có 34 nhân viên hành chính. Như vậy, tổng số cán bộ, nhân viên của bệnh viện tròm trèm 1.000 người cùng khoảng 500 tình nguyện viên giúp việc bán thời gian. Thời gian điều trị của 1 bệnh nhân trung bình là 12,9 ngày. Trong khi đó, thống kê của bệnh viện cho biết, năm 2010 số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 221.754 bệnh nhân, số bệnh nhân không nằm viện lên tới 393.226 bệnh nhân. Còn, tỷ lệ giường bệnh đạt khoảng 93%.

Rõ ràng, với số nhân viên và giường bệnh bằng phân nửa so với của Bệnh viện Bạch Mai, nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa vùng Shizuoka gấp khoảng 4 lần. Số bệnh nhân điều trị ngoại trú và khám bệnh cũng ngang ngửa so với Bệnh viện Bạch Mai. Và, đó cũng là một con số ấn tượng đối với bất kỳ nhà quản lý y tế nào!

Khi đặt câu hỏi với y tá trưởng 1 tầng của bệnh viện về câu chuyện quá tải chúng tôi nhận thấy, dường như họ không hiểu lắm về việc quá nhiều bệnh nhân cùng nằm ở 1 giường bệnh. Thậm chí, nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa vùng Shizuoka còn bày tỏ mong muốn có 1 sân bay mới ở vùng này để có thêm nhiều bệnh nhân nước ngoài được đến sử dụng các dịch vụ y tế hiện đại tại đây.

Vậy, bệnh viện của chúng ta liệu có đang quá tải thực sự? Đây là một câu hỏi “ngớ ngẩn”, nhưng đáng đưa ra để mổ xẻ.

Người viết cũng đã cố gắng lý giải hiện tượng quá tải ở nhiều bệnh viện Việt Nam nói chung, trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai là cụ thể. Có điều, câu trả lời không thể nằm trong khuôn khổ một vài trang giấy và cũng khó thể lý giải tại sao bệnh viện luôn quá tải, luôn quá tốn kém tiền của và công sức khi tham gia dịch vụ y tế tại Việt Nam.

Chỉ xin kể lại câu chuyện nhỏ mà y tá trưởng Mistumo Noriko chia sẻ với chúng tôi về việc cải tiến chất lượng phục vụ của bộ phận y tá khi tiếp đón bệnh nhân tại tầng 6 khu C của Bệnh viện Đa khoa vùng Shizuoka.

Khu C tầng 6 của bệnh viện gồm 51 giường bệnh thuộc các bệnh ung thư phổi hoặc các tổn thương đến phổi. Xác định bệnh nhân đến khu này thường là những người già có độ tuổi trung bình khoảng 70,5, đến bệnh viện một mình và rất cần sử dụng các dịch vụ chăm sóc của y tá. Bằng việc xác định tình trạng hiện thời của các thiết bị y tế đặt tại tầng 6 như xe đẩy, bình ô xi, nạng chống và các ổ điện dọc hành lang, đồng thời xem xét các trường hợp tiếp đón bệnh nhân, bà Noriko cùng đồng sự nhận thấy, thời gian để phục vụ 1 bệnh nhân ở trong giai đoạn đầu tiên từ lúc nhận được yêu cầu đến lúc đáp ứng hoàn thành trung bình là…120 giây!

Với mong muốn giảm xuống còn 60 giây sau 1 tháng áp dụng phương pháp quản chất lượng, tổ y tá của tầng 6 khu C đã thực hiện cắt giảm, sắp xếp lại thiết bị tại kho cũng như khu đón tiếp bệnh nhân. Câu chuyện đã có kết quả và thời gian trung bình đáp ứng bệnh nhân đã giảm xuống còn 69,6 giây!

Mặc dù phương pháp quản chất lượng không phải là câu chuyện mới và quá nổi bật. Nhưng, những gì đã thực hiện tại bệnh viện này cho thấy, từ một việc rất nhỏ cũng đã làm thay đổi cách phục vụ và chất lượng khám chữa bệnh tại đây!

Nhận xét về bệnh viện nơi chúng tôi tham quan, nhiều bạn quốc tế nói đùa không nghĩ mình đang ở bệnh viện mà giống như khuôn viên của một khách sạn. Ai biết rằng “khách sạn” này hàng năm đón hơn 220.000 bệnh nhân nội trú! Đây cũng là 1 trong những bệnh viện lớn thuộc 47 vùng ở Nhật Bản.

Chúng ta thường đổ cho quá tải tại bệnh viện để giải thích cho lý do chất lượng kém. Chúng ta thường đổ lỗi cho chi phí khám bệnh thấp nên chất lượng chữa bệnh thấp! Tại sao chúng ta chưa nghĩ rằng, cách quản lý tại bệnh viện hiện nay đang có vấn đề?

Dương Hồng Thành
(Đại học Meiji, Nhật Bản)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm