Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xã hội hóa đúng cách

Thứ sáu, 21/09/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Năm học mới vừa bắt đầu nhưng câu chuyện lạm thu lại đang trở thành vấn đề rất “nóng” ở nhiều địa phương: Hải Phòng, Thanh Hóa hay mới đây nhất là tại Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Dư luận lo lắng, tại sao lạm thu lại tái diễn từ năm này qua năm khác, thậm chí năm sau tinh vi hơn năm trước?Trả lời câu hỏi này, chuyên gia trong ngành Giáo dục hiến kế, để xóa sổ lạm thu cần xã hội hóa đúng cách.

Nhiều phụ huynh kéo đến Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) phản đối nhà trường lạm thu. Ảnh: HH

20% ngân sách dành cho giáo dục có ít ỏi?

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới: Đây là tỷ lệ cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, ngân sách chi cho giáo dục là 9,3%, Thái Lan 19,3% hay Malaysia cao hơn chút ít 21,5% và kể cả các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều như EU mức chi cũng chỉ dừng lại ở 11,3%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong 20% ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục thì đến 80% chi cho lương, 20% còn lại chi cho hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo trình; chi cho đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp so với nhu cầu nâng cao cơ sở trường học, mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm...

Ông Khánh cho rằng, trong khi ngân sách còn hạn chế, mức học phí trường công lập hiện nay lại thấp hơn rất nhiều so với các trường tư thục cũng gây khó khăn cho các trường muốn đầu tư cơ sở vật chất.

Ông Khánh nêu dẫn chứng, mức học phí đã điều chỉnh tăng mới đây của TP Hà Nội cụ thể: Đối với bậc học nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT, học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn các phường, thị trấn có mức học phí 155.000 đồng/tháng/học sinh; trên địa bàn các xã (trừ các xã miền núi)học phí là 75.000 đồng/tháng/học sinh; còn tại các xã miền núi học phí chỉ 19.000 đồng/tháng/học sinh.

Từ thực tế đó, ông Khánh khẳng định: Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn thu học phí thì sẽ không đảm bảo đủ chi đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu đòi hỏi về chất lượng dịch vụ giáo dục, điều kiện học tập ngày càng cao của xã hội.

Để giải bài toán này, ông Khánh cho rằng, cần chung tay góp sức của cả xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, cựu học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh, cộng đồng dân cư...nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Đây cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia. Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là xã hội hóa như thế nào cho đúng, để không còn hiện tượng núp bóng tự nguyện, hay xã hội hóa để lạm thu?

Xã hội hóa với 3 yêu cầu

Công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, ông Hoàng Văn Cường cho rằng: Xã hội hóa đóng góp rất lớn cho cải thiện chất lượng giáo dục, tuy nhiên ta cũng biết giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, vì vậy cần đưa ra tiêu chí.

Theo ông Cường, xã hội hóa cần đảm bảo 3 yêu cầu: Đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu làm tốt 3 điều này thì sẽ không còn câu chuyện lạm thu.

Ông Cường cũng cho rằng, để làm được 3 yêu cầu đó phải có quy định rõ ràng, chặt chẽ về việc thu - chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục.

Mới đây, Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư số 16, quy định rõ nội dung của xã hội hóa là cái gì, khi xã hội hóa như thế nào, quy định rõ những gì không được lợi dụng xã hội hóa để ràng buộc dịch vụ…

Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm.

Trong dự thảo Luật Giáo dục cũng nói về hội cha mẹ học sinh phải giám sát chứ không phải tiếp tay cho nhà trường làm sai. Việc sử dụng tiền xã hội hóa, Luật Ngân sách Nhà nước cũng đã quy định rồi, mặc dù đây là tiền của các nhà hảo tâm đóng góp, nhưng vẫn phải tuân thủ mọi thứ minh bạch.

“Nếu ta thực hiện tốt và phát huy vai trò giám sát của chính quyền địa phương, của cha mẹ học sinh thì sẽ khắc phục được lạm thu” - ông Cường khẳng định.

Thực tế trong chi tiêu ngân sách của mỗi gia đình, phần chi tiêu cho giáo dục vẫn chiếm phần lớn nhất. Phụ huynh Việt Nam - nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế không tiếc tiền để con mình được học trong môi trường tốt nhất, thậm chí không thua kém các nước phát triển. Điều này thể hiện ở việc số lượng các trường tư, trường quốc tế tăng lên đáng kể trong thời gian qua ở các thành phố lớn.

Rõ ràng, nguồn lực trong dân là có thật và người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ làm thế nào để những đóng góp, tài trợ này thực sự xuất phát từ sự tự nguyện của những người có điều kiện, từ mục đích tốt đẹp là vì giáo dục và khoản đầu tư này được chi cho hoạt động giáo dục một cách công khai, minh bạch, hiệu quả.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm