Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Biên cương mùa xuân sang

Thứ năm, 26/01/2012 - 14:15

(Thanh tra)- Vượt chặng đường dài gần 250km từ TP Thanh Hóa lên Mường Lát, có đến gần nửa quãng đường chiếc xe phải gồng mình, bò lồm cồm qua toàn dốc núi quanh co. Những câu thơ “Tây Tiến” hào hùng mà lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng lại vẳng bên: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời”…

Múa khèn, một trong những nét sinh hoạt văn hóa của trai gái người Mông mỗi dịp tết đến xuân về.

Sau gần một ngày, chiếc xe khách chở hơn 30 người chúng tôi đặt chân đến cổng trời. Đứng trên đỉnh dốc, có cảm giác chỉ giơ tay là chạm tới tầng xanh. Phía sâu bên dưới, con sông Mã uốn lượn như sợi mây xanh ôm ấp, xâu chuỗi các bản làng, núi non thành một khối thành đồng vững chắc. Mùa xuân, nước cạn nên dòng chảy hiền hòa, mải miết trôi xuôi. Núi rừng biên cương vào xuân, dưới sắc nắng nhuộm màu vàng xanh óng ánh. Trong những thung lũng xa mờ, hoa ban nở rộ trắng ngần. Trước thềm nhà, bà con người Mông hong nắng lúa, ngô mới đem từ trên nương rẫy về.   

Khoảng hơn 9 giờ tối, xe lên đến thị trấn Mường Lát. Phần lớn, các gia đình và cửa hàng cửa hiệu đã cài then đóng cửa, chỉ còn lại bưu điện cùng dăm ba cửa hiệu còn sáng đèn. Tối đó, chúng tôi nghỉ tại nhà khách của bưu điện huyện, được nghe những câu chuyện về việc chuyển thư từ, bưu phẩm đến các bản nằm treo leo trên đỉnh núi, về Mường Lý chưa có đường giao thông, về đỉnh Pha Đén cao như trán người Mông hay Pù Mùa là dốc bò, nghe mà thấy ngại…

Mường Lát là một trong những huyện có đường biên giới chạy qua, dài 102km, gồm 31 bản của Việt Nam và 32 bản của nước bạn Lào. Phần lớn các bản giáp biên là người Mông, Dao, Thái và Mường. Đến nơi nào, chúng tôi cũng được bà con nhiệt tình đón tiếp. Ở mỗi bản làng, trên mỗi chặng đường, chúng tôi thỏa thích chụp ảnh, ghi lại những hình ảnh đẹp về những con người đang đầy ắp vui tươi và cuộc sống bình dị của họ. Đó là hình ảnh về Vàng Thị Pa, người Mông bản Hạ Môn, Trung Lý trên dốc cổng trời; Chẻo Thị Mây, người dao bản Hạ Sơn, Pù Nhi đang khâu váy mới; Lâu Văn Nếnh, Thau Cá Dính ở Pù Đứa, Quang Chiểu đang tập thổi khèn ở bên bờ suối... Đó còn là những thửa ruộng bậc thang rực vàng lúa chín, hay đám mây tím hồng bay trên đỉnh núi, lúc chiều tà…

 Đến bản Pù Toong, một bản của người Mông, chúng tôi được ông Lầu Thanh Mai, Bí thư Chi bộ Pù Toong đón tiếp. Ông Mai cho biết, hiện Pù Toong có 57 hộ với 273 nhân khẩu. Bà con Pù Toong ngoài nuôi lợn, gà, trâu bò còn chủ yếu trồng ngô và đang chuyển sang trồng sắn. Năm 2009, Chi bộ Pù Toong mới chỉ có 8 đảng viên, năm 2010 - 2011 kết nạp thêm được 10 đảng viên. “Người Mông mình chơi xuân, đón tết vui lắm, nhiều trò chơi lắm. Nào thổi khèn, ném còn, đánh cù, đua ngựa rồi múa hát văn nghệ, thi đấu thể thao. Người Mông Pù Toong có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Hiện trong đội ngũ cán bộ, công an, bội đội biên phòng con em Pù Toong nhiều lắm. Năm 1963, mình là người Mông đầu tiên đi bộ đội biên phòng, sau về huyện làm Chủ tịch HĐND, khi Nhà nước cho nghỉ chế độ về bản lại làm Bí thư”, ông Mai vui vẻ trò chuyện.

Các thiếu nữ vùng cao Mường Lát tươi thắm trong những bộ váy mới.

Rời nhà Bí thư Chi bộ Pù Toong, chúng tôi về thăm Đồn Biên phòng 493, đúng dịp anh em chiến sỹ đang tổ chức đại hội thi đua năm 2011. Chủ tịch UBND huyện Lương Văn Bường và Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Hiếu cùng chúng tôi vừa vui liên hoan, vừa giao lưu văn nghệ. Đó là những câu hát mùa xuân, đó cũng là cuộc sống bình yên nơi biên cương được các chiến sỹ biên phòng ngày đêm gìn giữ.

Những chiến sỹ bộ đội biên phòng còn giúp dân nhiều lắm trong việc dạy cho dân bản cái chữ, trồng lúa nước, làm nương, cầm súng, vận động bà con nhân dân các dân tộc triệt phá và không tái trồng cây thuốc phiện; không vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy... 

Ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: “Năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, các phòng ban chức năng của huyện lại làm công việc rà soát những hộ nghèo đói để kịp hỗ trợ cho bà con vui tết. Ở Mường Lát mỗi độ Xuân về, bà con các dân tộc có dịp để phô diễn những nét văn hóa độc đáo của mình. Đồng bào Mông còn lưu giữ được nhiều trò chơi, trò diễn như thổi khèn, ném còn, chơi cù, đua ngựa. Đồng bào Mông đón tết, vui xuân dài lắm. Thường mỗi năm dành trọn hai tháng để chơi xuân. Nhưng hai năm trở lại đây nghe theo lời cán bộ huyện, mỗi năm chỉ đón Tết, vui Xuân một tháng thôi, năm trước thì chỉ 15 ngày. Dịp này, bà con các bản và lãnh đạo hai huyện Xốp Bâu, Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào cũng sang vui xuân, đón Tết. Ngày 13, 14 tháng 4 Âm lịch hàng năm, vào Tết Té nước của nhân dân các bộ tộc Lào, lãnh đạo và bà con các dân tộc Mường Lát lại sang chung vui với bạn. Mối tình Việt - Lào ngày càng gắn bó, keo sơn là vậy”…

Sau mấy ngày sống giữa núi rừng, làng bản biên cương, chúng tôi về thành phố, mang theo hương rừng, hương núi, lưu giữ trong tâm trí mình những điệu khèn trầm bổng thiết tha…

Huy Tưởng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm