Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Bệnh” sính con trai cũng cần phải chữa

Chủ nhật, 02/01/2011 - 22:35

Tỉ số giới tính khi sinh hiện nay ở nước ta, tức là số bé trai/bé gái đã lên tới 112/100, thậm chí có nơi 120, trong khi đó chỉ số bình thường chỉ khoảng 105. Áp lực có con trai khiến không ít gia đình lục đục, bất hòa.

TS Khuất Thu Hồng

Bên ngoài xã hội, dư thừa con trai tiềm ẩn sự bùng nổ nạn buôn bán phụ nữ, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác trong một tương lai gần. Sau khi nghiên cứu tại một số tỉnh/TP cùng nhóm chuyên gia ISDS, TS Khuất Thu Hồng (ảnh) đã đưa ra những khuyến nghị nhằm can thiệp, điều chỉnh tình trạng này.

Chế độ phụ hệ làm nảy sinh và củng cố tâm lý ưa thích con trai

- Tâm lý ưa thích con trai bắt nguồn từ cách tổ chức gia đình mang tính trọng nam khinh nữ, điều này thấy rất rõ ở phía bắc. Điều đó đã tạo ra áp lực khiến các gia đình phải sinh bằng được con trai. Ra xã hội, các quy tắc cũng luôn đề cao vai trò người đàn ông. Các già làng, trưởng bản cũng luôn là các cụ nam. Cứ nhìn vào các lễ hội văn hoá truyền thống khắp các địa phương thì thấy, các cụ nữ thường chỉ được mặc quần áo đẹp múa hát phục vụ chứ không phải là người điều hành tổ chức.

Như vậy có quá lời không, khi mà trong các cơ quan, đoàn thể hiện nay đã có rất nhiều lãnh đạo là phái nữ và trong lịch sử đã có những thời kỳ vị thế người phụ nữ được đề cao?

- Truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” đã phản ánh ý thức hệ của một thời kỳ xa xưa, nếu như thời kỳ đó có trong lịch sử, rằng yếu tố của người mẹ, họ của mẹ rất bình đẳng với cha. Lạc Long Quân - ông tổ của người Việt - là con của Kinh Dương Vương với thần rồng cái ở hồ Động Đình. Vì muốn nhấn mạnh nguồn gốc rồng của mẹ, nên ông có tên là Lạc Long Quân. Sau khi chia tay Âu Cơ, ông cũng lại trở về biển để sống. Việc chia con 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng của Lạc Long Quân – Âu Cơ cũng phản ánh quyền chia con, chia tài sản của phụ nữ rất rõ ràng, công bằng. Còn ngày nay, thân phận của phụ nữ lại có vẻ quá yếu ớt. Nhiều phụ nữ không nhận thức được vai trò của mình nên cam chịu thân phận, không muốn đấu tranh. Rồi họ lại dạy cho con gái của mình tuân theo những chuẩn mực đó. Cứ như vậy, vai trò phụ nữ bị hạ thấp, từ đời này sang đời khác.

Con mang họ mẹ, không ảnh hưởng hòa bình!


Vậy câu hỏi đặt ra là nếu muốn thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ trên thì phải làm thế nào?


- Về sinh học, con trai hay con gái đều có 1/2 của mẹ và 1/2 của cha. Vì vậy, nhiều ý kiến đã đề xuất là vì sao con cái cứ phải mang họ của cha? Nếu con cái mang họ mẹ, thì liệu hòa bình thế giới có thay đổi! Nếu bố người Kinh, mẹ người Mường thì ở Hòa Bình, con mang họ mẹ là bình thường. Chúng tôi được biết là có 1 xã ở tỉnh khác, theo truyền thống là con lấy họ mẹ. Khi một số hồ sơ con liệt sĩ ở xã này đưa lên Bộ Giáo dục - Đào tạo xin hưởng chế độ ưu tiên, thì đã không được duyệt. Lý do là bố là liệt sĩ họ Đinh, nhưng con lại mang họ Nguyễn – là họ của mẹ. Sự khập khiễng giữa quy định và thực hiện như vậy làm cho luật không đi được vào cuộc sống. Luật Hôn nhân - Gia đình không nói các con chỉ mang họ cha, nhưng cũng không nói con có thể mang họ mẹ. Trong thực tế, nếu không có bố, thì con được mang họ mẹ, nhưng nếu có bố thì khả năng con mang họ mẹ là thấp. Vì thế, cán bộ ở bộ không hiểu được việc con có thể mang họ mẹ là bình thường.

Cần soát lại các văn bản liên quan, nếu cần thì làm rõ, bổ sung và cụ thể hoá để khuyến khích con gái có thể nối dõi tông đường, con cái lấy họ mẹ và con gái cũng được quyền thừa kế như con trai.

Ở đây phải có sự linh hoạt, cũng không nên cứng nhắc?

- Bản thân luật là những quy định chặt chẽ, nhưng thực hiện được như tinh thần của luật thì cũng đã rất linh hoạt rồi. Có những phong tục tập quán tiến bộ, vấn đề phải xem là phong tục nào hay thì phải làm theo. Trở lại một khía cạnh rất quan trọng liên quan tới chế độ phụ hệ nữa, đó là việc thực hiện Luật Thừa kế. Luật quy định con gái, con trai bình đẳng trong thừa kế. Nhưng trong thực tế, luật dừng lại trước cổng làng. Ở hầu hết các địa phương, con trai là người thừa kế tài sản, con gái được rất ít. Theo tôi cần có văn bản chính sách pháp luật hỗ trợ thay đổi gia đình VN, trong đó để con gái có được vai trò như con trai.

Vậy, theo bà cần rà soát lại những luật nào?


- Luật Hôn nhân - Gia đình; Luật Thừa kế. Theo tôi, bất bình đẳng giới chính là gốc của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, vấn đề này bắt buộc cần được đưa ra vị trí quan trọng nhất trong chiến lược bình đẳng giới đang được dự thảo, chứ không thể chỉ ở một vị trí khiêm tốn. Khi đã rà soát, bổ sung, cần tuyên truyền mạnh mẽ thường xuyên các văn bản chính sách liên quan cho người dân.

Phim truyền hình cũng là kênh tuyên truyền

Bà có thấy là những thông điệp truyền thông về vấn đề này hiện nay dường như bất lực trước thực trạng về bất bình đẳng giới và chênh lệch giới tính khi sinh?

- Trên thế giới có một phương pháp rất thích hợp, có hiệu quả khi tuyên truyền các chủ đề dân số, tình dục an toàn, bình đẳng giới, vệ sinh nước sạch... Đó là phương pháp Xabilo. Cũng phương pháp này, ở Mexico xây dựng các bộ phim truyền hình nhiều tập về kế hoạch hóa gia đình. Sau khi những bộ phim này được trình chiếu, thì thì tỉ lệ tăng dân số ở Mexico giảm được tới 30%. Rất nhiều người nói đi đến cơ sở y tế nói là “tôi sử dụng biện pháp tránh thai này, kia là do vì tôi đi xem bộ phim đấy”. Chúng ta có thể xây dựng những sản phẩm truyền hình có chất lượng tương tự, để những gia đình có con gái thành đạt kể về chuyện của họ, câu chuyện trong cuộc của những người cố gắng sinh con trai thì gia đình trục trặc ra sao. Những câu chuyện đó đưa ra cho mọi người suy nghĩ và dần thay đổi nhận thức hành vi của họ.

- Xin cảm ơn bà!


(LĐO)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm