Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vọng mãi tiếng cồng chiêng giữa đại ngàn

Thứ hai, 03/01/2011 - 15:53

(Thanh tra) - Hàng ngàn năm qua, tiếng cồng chiên vẫn vọng mãi tại các lễ hội cảm ơn đất trời như lễ cúng cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mạ… của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc … Văn hoá cồng chiên Việt Nam xứng đáng là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ chỉ nhằm để giải trí tiêu khiển, mà còn gắn liền với một lễ hội hay một sự kiện quan trọng. Vì vậy cồng chiêng được xem như một vật thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và các đấng linh thiêng. Hầu như mỗi sinh hoạt trong bộ tộc đều dính liền với nét nhạc. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng thì già làng đến bên giường dùng chiếc cồng xưa cổ nhất đánh lên để cho những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé như là tiếng gọi của bộ lạc, khẳng định nó là một phần của cộng đồng bộ tộc. Khi đứa trẻ lớn lên thì mỗi giai đoạn của đời sống đều gắn liền theo tiếng cồng chiêng, từ việc đồng áng như gieo mạ, gặt lúa; cho đến những buổi gặp gỡ nam nữ, cuộc chia ly hay tang lễ … đều có những giai điệu riêng.

Trong khi cồng chiêng các nước khác gần như theo một hệ thống cố định (chẳng hạn như Indonesia gồm 5 loại nhạc khí) thì “biên chế” của cồng chiêng Tây nguyên lại đa dạng hơn nhiều. Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản gồm 2 chiếc cồng, cho đến dàn 9,12,15 chiếc cồng và chiêng. Mỗi nhạc công sử dụng một cồng. Trong những lễ hội quan trọng còn có thêm cả trống.

Nếu dàn cồng chiêng ở các nước khác, chẳng hạn như Gamelan ở Java, Gong Kebyar ở Bali (Indonesia) hay Kulingtan, dân tộc Mindanao của Philippines, nhạc công luôn ngồi yên tại chỗ thì người đánh cồng chiêng Tây nguyên luôn di động, còn động tác thì đa dạng như nghiêng mình, cúi ười, khom lưng ...  Khi đánh cồng, bàn tay mặt của nhạc công vỗ vào núm cồng như xoa dịu. Trước đây một số nhà nghiên cứu tưởng rằng chỉ có một cách đánh bên ngoài mà thôi, nhưng về sau mới biết bàn tay trái nắm ở bên trong cũng tham gia biểu diễn với nhiều cách, hoặc nắm vào vành hoặc bóp vành rồi buông ra, giống như cách nhấn nhá trong các loại đàn dây, hay cách ém hơi trong kỹ thuật hát. Thậm chí có khi nhạc công đeo thêm chiếc vòng để khi lắc tay thì chiếc vòng đụng vào mặt trong phối hợp với tiếng gõ bên ngoài. Đó là những kỹ thuật tinh vi mà một người bình thường khó nhận ra được

Ngoài ra còn có cách đánh chiêng với dùi làm bằng gỗ cứng hay mềm khác nhau tùy theo dân tộc. Có thể gõ vào giữa mặt chiêng hay đánh ngoài rìa tùy theo bài bản. Người Ê Đê đa số sử dụng loại dùi cứng tạo nên tiếng vang rất to nhưng lại có nhiều tạp âm. Người Bahnar thường sử dụng dùi làm bằng cây sắn là loại gỗ mềm hơn, tuy nét nhạc không vang bằng nhưng âm cơ bản nghe rất rõ. Loại dùi thứ ba làm bằng gỗ thường có bọc thêm một lớp bên ngoài (xưa kia người ta sử dụng da tinh hoàn của trâu, bò hoặc dê). Dùi loại này phù hợp nhấtt vì tạo nên âm thanh rất hay. 

Tên gọi của những chiếc cồng chiêng cũng phong phú, có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc khi phát ra, có khi là tên gọi theo vị trí trong dàn nhạc. Đặc biệt hầu hết những chiếc cồng phát ra âm thanh thấp, vốn là âm cơ bản, mang tên "mẹ". Trong những dàn có từ 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng "cha" bên cạnh cồng "mẹ", tiếp theo là các cồng con, cồng cháu … tức hình thành hệ thống gia đình với cồng mẹ luôn luôn đứng trước cồng cha, theo nền tảng văn hoá mẫu hệ của người Tây nguyên.  

Khi biểu diễn, cồng mẹ và cồng cha đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau để làm nền cho cả dàn nhạc. Kế tiếp là 3 cồng con cùng đánh một lượt với nhau thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột chống đỡ trong ngôi nhà (chứng tỏ cách sắp xếp chẳng những theo hệ thống gia đình mà còn mang cả cấu trúc như nhà cửa, vị trí của những nhạc khí trong một dàn nhạc có hệ thống). Những chiếc còn lại thì đánh so le theo thứ tự trước - sau, mau - chậm theo đúng qui định, phối hợp với nhau thành ra nét nhạc.

Mỗi dân tộc ở Tây nguyên lại có một cách điều chỉnh âm thanh rất riêng, không những khác nhau về cao độ, mà còn khác về màu âm. Chẳng hạn âm nào quá thanh phải chỉnh cho đục một chút để tạo ra nét đẹp tế nhị, giống như họa sĩ không sử dụng màu đỏ hay màu xanh tiêu chuẩn mà thường pha đậm hơn hay lợt đi một chút để tạo phong cách riêng.

Đặc biệt trong các buổi lễ lớn hay những dịp tôn vinh một nhân vật nào thì đối tượng được tôn vinh phải tọa lạc ở vị trí trung tâm, và dàn cồng chiêng đi quanh thành hình tròn. Việc này có ý nghĩa để cho nhân vật ở tâm điểm có thể thưởng thức âm thanh các cồng chiêng với khoảng cách bằng nhau, đúng với vị trí của nó chớ không bị nghe tiếng gần tiếng xa như khi xếp hàng ngang. Thêm nữa, trong buổi lễ, các nhạc công lại di chuyển ngược với chiều kim đồng hồ, đồng nghĩa với việc ngược dòng thời gian như để tìm về dĩ vãng, nhớ lại cội nguồn. 

Chưa một nước nào hay vùng lãnh thổ nào lại có một cộng đồng với trên 20 dân tộc anh em sống chung trong cùng một không gian văn hoá cồng chiêng như Tây nguyên của Việt nam với trên dưới 6.000 dàn cồng chiêng cùng hội ngộ giữa đại ngàn. Sự kiện UNESCO chính thức công nhận cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, một lần nữa cho thấy tính đa dạng mà thống nhất của bản sắc văn hoá Việt.

Lộc Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm