Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Về cội nguồn

Thứ năm, 14/04/2011 - 22:25

(Thanh tra) - "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba" câu ca đã được lưu truyền bao đời nay chính là lời nhắc nhở để con dân nước Việt luôn luôn nhớ rằng, chúng ta cùng một Tổ tiên, cùng chung một cội nguồn.






Tháng Ba ta đợi mùng Mười
Là ngày Quốc giỗ lòng người thật vui
Đền Hùng Phú Thọ cái nôi
Cùng chung giòng giống cùng người Việt Nam.


Năm mươi tư dân tộc anh em cùng chung sống trên mọi miền tổ quốc. Tuy mỗi vùng một vẻ, mỗi nơi một phong tục, một lối sống. Nhưng dường như những điểm khác biệt đó được xóa tan, và hòa quyện lại với nhau khi cùng hướng về cội nguồn, tổ tiên của cha ông.

Đã là người Việt Nam thì không ai là không biết đến ngày Giỗ Tổ, biết về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ lên rừng, sự tích bánh chưng bánh giầy.

Ngày này cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển.

Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội Giỗ Tổ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gởi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng. 

Thông qua ngày Giỗ Tổ, tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu".

“Không gian văn hóa Hùng Vương” đang được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.”

Về Đền Hùng, điểm hội tụ và thăng hoa những giá trị văn hóa bất diệt của dân tộc. Hàng triệu đồng bào mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hành hương về cội nguồn trong những ngày Giỗ Tổ, thành kính tri ân công đức Tổ tiên, cùng gắn kết, tạo sức mạnh văn hóa Việt Nam, hun đúc nên sức mạnh cội nguồn, sức mạnh cộng đồng Việt; trở thành động lực to lớn và niềm tự hào cho dân tộc ta vượt qua biết bao gian nan, thử thách, làm nên những kỳ tích trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

Theo 539 bậc đá thăm viếng Đền Hạ, nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nghĩa “đồng bào” bắt nguồn từ đây; Đền Trung nơi Vua Hùng họp bàn việc nước, tại đây Vua Hùng thứ sáu truyền ngôi cho Lang Liêu, người sáng tạo bánh chưng, bánh dày; Đền Thượng nơi Vua Hùng tế trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn dân ấm no hạnh phúc; Lăng Hùng Vương, nơi các thế hệ con cháu Lạc Hồng kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng nhớ ơn vị Vua đã từng căn dặn “Hãy chôn ta trên núi Cả để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu”; Đền Giếng là nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, nơi hai công chúa thường soi gương, chải tóc bên giếng Ngọc, tại đây Bác Hồ đã khẳng định: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Về đất Tổ để chứng kiến những di vật quý giá từ thuở bình minh của đất nước được lưu giữ trong Bảo tàng Hùng Vương; thăm lại vùng đất cổ như: Minh Nông - nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Thượng Lâu - nơi Vua Hùng dạy dân trồng dâu nuôi tằm, Tiên Cát - nơi Vua Hùng dựng lầu kén rể, Cẩm Đội - nơi Vua Hùng luyện quân, Thậm Thình - nơi Vua Hùng dạy dân giã gạo, Hùng Lô, Kim Đức - nơi Vua Hùng thường nghe câu Xoan, Ghẹo. Đồng thời, để chứng kiến những công trình mới: Đền Lạc Long Quân, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ.

Tới Đền Hùng để tận hưởng không khí trong lành, ấm áp của môi trường sinh thái lý tưởng trong không gian 538 ha rừng quốc gia Đền Hùng với những vườn cây xanh ngút ngàn, sinh động. Ở đây, con người được hòa quyện thiên nhiên với đủ các yếu tố của thuật phong thuỷ, là nơi “Sơn chầu thủy tụ, dồi dào khí thiêng sông núi”. Từ Đền Hùng nhìn ra phía trước là ngã 3 Bạch Hạc, xa xa là sông Thao, sông Đà, sông Lô, xung quanh là núi Ba Vì, Tam Đảo tạo nên thế vững trãi như kiềng ba chân. Từ đỉnh Nghĩa Lĩnh sừng sững công cha, dạt dào nghĩa mẹ phóng tầm mắt ra bốn phương trời để thấy vị thế của Đền Hùng để: “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng - nơi cội nguồn dân tộc”.

 Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: "Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi".

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà tìm vào những dòng lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu từng đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự xúc động khi được biết Đền Hùng và các di tích trên Nghĩa Lĩnh đã làm cho cả thế giới phải vị nể ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của Tổ tiên dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”.

Đồng bào cả nước đang nô nức về Đền Hùng trẩy hội, thắp nén hương thơm lên bàn thờ Tổ, tỏ lòng nhớ ơn các Vua Hùng đã dựng nên nước Văn Lang xưa kia, nền móng của Việt Nam ngày nay; nơi cội nguồn linh thiêng, con cháu Lạc Hồng kính cẩn dâng lễ, báo công Tổ tiên thành tựu của hơn 25 năm đổi mới và nguyện đoàn kết một lòng, kế thừa, phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của Tổ tiên.

Quỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm