Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trải lòng của phóng viên tác nghiệp trong đại dịch COVID-19

Phương Anh

Chủ nhật, 21/06/2020 - 14:00

(Thanh tra)- Mỗi mùa dịch bệnh đi qua, không thể không kể đến vai trò của những chiến sĩ thông tin trên mặt trận tuyên truyền. Họ là những phóng viên, nhà báo… luôn sát cánh cùng ngành Y tế trong mọi mặt trận, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, bởi chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể là nguyên nhân lây lan bệnh dịch mà chẳng ai có thể lường trước được.

Phóng viên tác nghiệp tại điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Đinh

Phía sau những tác phẩm trên mặt báo

Sau những ngày tác nghiệp trong đợt dịch COVID-19, phóng viên Đình Phương - Báo Điện tử Gia đình Việt Nam chia sẻ, "đi làm dịch COVID-19 trực tiếp bắt đầu từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Kể từ đó đến nay, ngoài việc trực tiếp đến hiện trường các khu vực bị cách ly do có người nhiễm bệnh, nơi đang cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nơi điều trị bệnh nhân nhiễm bệnh thì để có thông tin chính xác nhất, tôi luôn phải xác nhận từ các chuyên gia uy tín, từ Bộ Y tế. Đặc biệt là các tin giả lan truyền trên bệnh về ca mắc mới COVID-19".

Theo Đình Phương, khi đi tác nghiệp, bản thân luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Bởi giữ an toàn cho bản thân, cũng là giữ an toàn cho chính gia đình, đồng nghiệp và cả cộng động. Quá trình tác nghiệp tuân thủ đồ bảo hộ như khẩu trang, kính, đôi khi là cả găng tay. Khi tiếp xúc bề mặt vật dụng, vào bệnh viện tác nghiệp xong bản thân luôn phải rửa tay bằng cồn sát khuẩn trang bị mang theo bên người.

Suốt từ khi tham gia dịch đến nay, lần tác nghiệp mà Đình Phương vui nhất đó là những bệnh nhân dương tính được xuất viện tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Vui vì sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ đã được đền đáp, cộng đồng tin tưởng hơn vào nền y học và các bệnh nhân được đoàn tụ với gia đình.

Còn lần tác nghiệp đáng nhớ và cũng lo lắng nhất của phóng viên Đình Phương đó là lần đầu tiên tại Việt Nam có một sản phụ sinh con ở khu cách ly, khi vừa ở Hàn Quốc về. Khi đó, Hàn Quốc là quốc gia đang bùng phát dịch, sản phụ vừa về chưa có kết quả xét nghiệm và Phương cũng là phóng viên đầu tiên gặp sản phụ.

“Dù được bác sĩ trang bị khẩu trang N95 khi tiếp xúc nhưng khi phỏng vấn xong, trên đường quay trở lại nội thành tôi vô cùng lo lắng. Kể từ đó, tôi ý thức phải tự cách ly và ngày nào cũng gọi lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất để hỏi thăm sức khỏe sản phụ. Đến khi sản phụ âm tính, hết cách ly ra viện tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, Đình Phương tâm sự.

Còn phóng viên Văn Hải (Đài Tiếng nói Việt Nam) lại có suy nghĩ rất đơn giản: Phóng viên y tế thì phải viết về những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân cũng như những vấn đề khác được phân công.

Theo anh Hải, đó không chỉ trách nhiệm mà còn là một mệnh lệnh của nghề nghiệp và đó có lẽ cũng là sự chờ đợi của cơ quan, của xã hội về những gì mình sẽ cống hiến bằng vốn kiến thức, lao động quá khứ trong lĩnh vực mà mình được phân công theo dõi nhiều năm.

Anh Hải cho biết, "những ngày cuối năm Kỷ Hợi vừa qua khi tiếp cận thông tin dịch bệnh nCoV mà sau này được đổi tên là COVID - 19 bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc và nguy cơ xâm nhập nước ta, cũng như mọi người, tôi thực sự rất lo lắng. Tôi gần như không đắn đo gì khi làm việc xuyên Tết Canh Tý, lao vào “cơn bão dịch bệnh” để có được thông tin nhanh, hữu ích và hấp dẫn".

“Với tôi, sự góp mặt của mình tại những tâm điểm dịch như một lẽ thường tình, giống như y bác sĩ thì phải chống dịch, chữa bệnh cho người dân, những nghiên cứu viên thì phải làm công tác xét nghiệm và tìm hiểu về virus gây bệnh để tìm ra cách khống chế”, anh Hải chia sẻ.

Chia sẻ về những khó khăn của phóng viên khi tác nghiệp trong mùa dịch, anh Hải cho biết, khó khăn lớn nhất, theo anh, đó là thời gian bận rộn với công việc, phải làm xuyên Tết và trong một thời gian dài không có ngày nghỉ. Có ngày anh Hải chỉ được ngủ 3-4 tiếng đồng hồ.

Phóng viên Văn Hải (ngoài cùng bên trái) tác nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: VH

Đam mê và trách nhiệm

Khó khăn thứ 2, theo anh Hải là việc tiếp cận thông tin. Anh Hải cho biết, trong thời điểm có dịch bệnh, nơi có thể cung cấp được nguồn thông tin hay thì rất bận rộn, nên việc có được thông tin độc đáo phải kiên trì và mất khá nhiều thời gian. Nhất là trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận thông tin càng trở nên khó khăn hơn. Và trong điều kiện cơ sở y tế bị phong tỏa hoặc phải tác nghiệp tại những vùng đang thực hiện cách ly y tế thì không phải là điều dễ dàng… Cùng với đó là phải thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Kỷ niệm mà anh Hải nhớ nhất là gần 1 ngày tác nghiệp tại xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc trước khi xã này hết thời hạn cách ly toàn xã. Đi đến đâu cũng thấy người dân hiền hậu, nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tiếp xúc với những người trong vùng cách ly mới thấy rõ một điều là sự hợp tác của người dân trong phòng, chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng.

"Người dân ở đây rất tốt. Thấy chúng tôi mải mê tác nghiệp mà địa phương không có quán ăn nào hoạt động, người dân đã mang bánh và trái cây, những sản phẩm cây nhà lá vườn ra mời chúng tôi… Tác nghiệp liên tục và vất vả nhưng tôi và những đồng nghiệp khác không cảm thấy mệt vì được người dân quý mến"…

“Tôi rất may mắn là chưa bị ai bày tỏ rõ sự kỳ thị trước mặt mình, hoặc là tôi bận rộn với công việc quá, không kịp nhận ra sự kỳ thị đó? Nhưng tôi cảm nhận được rằng, sự cẩn thận của tôi làm cho người khác tin tưởng. Bình thường tôi cũng là người quan tâm giữ gìn sức khỏe bản thân nên có lẽ những người xung quanh yên tâm về việc tôi tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Nếu có ai đó kỳ thị thì tôi cũng không buồn vì biết đâu đó lại là lời nhắc nhở mình cẩn thận hơn thì sao?”, anh Hải chia sẻ.

Cũng như phóng viên Đình Phương và Văn Hải, nhiều đồng nghiệp từng chia sẻ, thực lòng thời gian đầu khi tác nghiệp tại các điểm nóng, họ đã rất lo lắng bởi diễn biến rất phức tạp và có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai.

Tuy nhiên, với bản năng nghề nghiệp và tính chất công việc nên tất cả phóng viên đều cùng nhau nỗ lực, cùng cố gắng bảo vệ an toàn cho chính mình, cho đồng nghiệp để có những thông tin chính xác nhất, nhanh nhất, hữu ích nhất tới bạn đọc, qua đó góp phần lan tỏa những thông điệp quan trọng của Nhà nước, định hướng dư luận, chia sẻ kiến thức chống dịch phù hợp cho cộng đồng. Trên thực tế, một số tòa soạn báo đã phải dừng việc phát hành báo in do liên quan đến những trường hợp phóng viên, biên tập viên được xác định là ca nghi ngờ hoặc dương tính với Sars-CoV-2.

Mặc dù vậy, nhiều phóng viên vẫn không quản ngại khó khăn, vẫn lao ra đường bất kể đêm hôm, mưa dông, đến những điểm cách ly, những khu vực điều trị, vùng có dịch và tiếp xúc với rất nhiều người. Bởi với họ, đó không chỉ là niềm đam mê với nghề mà còn thể hiện cái tâm, trách nhiệm của một nhà báo - một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận thông tin.

Trong những năm qua, nhiều phóng viên luôn đồng hành cùng với ngành Y trong việc tuyên truyền các hoạt động của ngành. Đầu năm nay, khi mà dịch bệnh COVID-19 xâm nhập vào nước ta, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng nhiều phóng viên đã không nề hà, luôn sát cánh cùng ngành Y trong từng sự kiện.

Có thể nói chính niềm đam mê, trách nhiệm đã thôi thúc phóng viên không quản ngày giờ, luôn có mặt tại các “điểm nóng” của dịch để cập nhật đưa tin đến độc giả một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, họ còn mang đến cho độc giả những kiến thức phòng, tránh dịch, diễn biến tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước cũng như chia sẻ và đồng cảm với những chiến sỹ áo trắng ở tuyến đầu chống dịch.

Chính những phóng viên là cầu nối giúp chuyển tải thông tin để người dân biết, hợp tác với ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Qua cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, các phóng viên đã có mặt trên mọi nẻo đường để cập nhật những tin tức mới nhất, nóng hổi nhất, giúp cho người dân chung sức đồng lòng và tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin chúc cho những người làm báo nói chung, những phóng viên mảng y tế nói riêng luôn tràn đầy nhiệt huyết để có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp báo chí và luôn đồng hành cùng ngành Y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.

(Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm