Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 22/01/2012 - 07:57
(Thanh tra)- Nhiều người từng biết đến Nguyễn Trọng Tạo là một họa sỹ vẽ tranh minh họa, vẽ măng-sét cho báo, tạp chí và thiết kế khoảng 500 bìa sách. Ông cũng là tác giả của lá Cờ Thơ trong các lễ hội Thơ… Ở cả mấy thể loại đó, ông đều có những giải thưởng “Quốc ấn” hẳn hoi. Nhưng, với ông, tất cả những thứ ấy chỉ là nghề, là “ngẫu hứng”, trừ thơ. “Thơ là nghiệp”.
Nguyễn Trọng Tạo. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Sống chết với thơ
Nguyễn Trọng Tạo được mọi người biết đến là một nhà thơ, nhạc sỹ. Người ta thuộc những câu thơ đầy cảm xúc của một trái tim thơ nhạy cảm: “Lá rừng rụng mấy mùa khô/ trang thư qua mấy mùa mưa phập phồng/ chiến trường Tây, chiến trường Đông/ gặp dòng sông, nhớ dòng sông, nhớ mình…” (Thơ tình người đứng tuổi). Người ta cũng ngâm nga những giai điệu ngọt ngào, da diết tình quê của ông: “Ơi con sông quê, con sông quê/ sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ/ vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng…” (Bài hát Khúc hát sông quê). Nhiều người cũng từng biết đến Nguyễn Trọng Tạo là một họa sỹ vẽ tranh minh họa, vẽ măng-séc cho báo, tạp chí, và thiết kế khoảng 500 bìa sách. Ông cũng là tác giả của lá Cờ Thơ trong các lễ hội Thơ… Ở cả mấy thể loại đó, ông đều có những giải thưởng, “Quốc ấn” hẳn hoi. Nhưng, với ông, tất cả những thứ ấy chỉ là nghề, là “ngẫu hứng”, trừ thơ. “Thơ là nghiệp”.
Trong lời đề tựa cho cuốn “Nguyễn Trọng Tạo: Thơ và trường ca”, Nguyễn Đăng Điệp viết: “Thuộc típ người tài hoa đa mang lắm mối, nhưng trước sau, hồn vía Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống chết với thơ”. Đúng vậy, Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ “đi từ truyền thống đến hiện đại”, thơ ông là tiếng lòng của nhiều thế hệ. Những bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo chứa đựng sự rung cảm, câu chữ đầy nhạc điệu: “Chia cho em một đời tôi /một cay đắng, một niềm vui, một buồn/ tôi còn cái xác không hồn/ cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ chia cho em một đời say/ một cây si với một cây bồ đề/ tôi còn đâu nữa đam mê/ trời chang chang nắng tôi về héo khô/ chia cho em một đời Thơ/ một lênh đênh, một dại khờ, một tôi…” (Chia).
Nguyễn Trọng Tạo cũng là nhà thơ tạo được dấu ấn mạnh trong việc đổi mới thơ, với những bài thơ thể hiện sự thay đổi về tư duy nghệ thuật của ngôn từ: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/có con người sống mà như qua đời/ có câu trả lời biến thành câu hỏi/ có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới/ có cha có mẹ có trẻ mồ côi/ có ông trăng tròn nào phải mâm xôi/ có cả đất trời mà không nhà ở… /có thương có nhớ có khóc có cười/ có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn).
Tôi hỏi nhà thơ về thị hiếu thơ hiện đại, Nguyễn Trọng Tạo nói: “Thơ hiện đại có những phát hiện, những khám phá mới mẻ”. Nhưng ông cũng đồng cảm với tôi, khi đưa ra nhận xét: “Có những nhà thơ trẻ hiện nay tìm tòi, sáng tạo thì ít mà bắt chước phương Tây thì nhiều. Sự bắt chước ấy đôi khi giống như người ăn nhiều thức ăn lạ mà không tiêu hóa được. Đã không “tiêu hóa” được thì không tạo được rung cảm, thậm chí có khi lại trở nên phản cảm, khó hiểu, làm rối tình hình thưởng thức thơ, hay nói cách khác là gây sốc không cần thiết!”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhận định về thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Khác hẳn một số nhà thơ không hiểu chính mình đang viết gì, Tạo không viết những câu thơ bí hiểm, không viết những câu thơ tự đánh đố mình và đánh đố bạn đọc để làm ra vẻ mình là một nhà thơ có tư duy cao! Thơ Tạo thể hiện tư duy của chính Tạo, không phải tư duy vay mượn của người khác”.
Viết nhạc theo ngẫu hứng
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng 10 năm làm Thư ký Toà soạn Tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Chia sẻ về thị hiếu âm nhạc hiện nay, ông thẳng thắn: “Giới trẻ thường thích những gì mới lạ, đặc biệt là những cái mới lạ có tính ngẫu hứng. Nhiều bạn trẻ hiện nay thích loại nhạc trẻ, những bài hát “lai ngoại”, với những ca sỹ, đến cái tên cũng phải “ngoại ngoại” một chút. Lời ca quá dễ dãi, tính văn học thấp, đôi khi làm cho người ta thấy thô, thậm chí thấy ngượng! Những cái đó sẽ qua nhanh, như mì ăn liền, như cốc đĩa giấy, dùng một lần rồi bỏ. Rồi sau đó họ lại đòi cái khác. Loại âm nhạc đó khó mà tồn tại được lâu dài”.
Nguyễn Trọng Tạo nói với tôi, ông chỉ viết nhạc theo ngẫu hứng. Nghĩa là khi thực sự có cảm xúc và cảm xúc được dồn nén, thì ông mới viết. Và, khi viết nhạc, ông chú trọng về nghệ thuật, chú trọng ngôn ngữ, hình tượng của âm nhạc. Ông nói: “Ca khúc như thế thì khi bỏ lời ca đi để tấu nhạc lên, người nghe vẫn có thể hiểu được, cảm nhận được về tiếng lòng hay hình dung được một hình tượng nào đó”. Điều đó cũng lý giải vì sao, Nguyễn Trọng Tạo không có nhiều ca khúc, nhưng những tác phẩm âm nhạc của ông lại có sức lay động tâm hồn người nghe và sống với thời gian như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”…
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã “nghỉ việc nước” với các vai trò Ủy viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam; Trưởng Ban biên tập báo Thơ; Thư ký toà soạn Tạp chí Âm Nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng, “nghỉ việc lại bận hơn khi đi làm”, ông hài hước. Hàng ngày, Nguyễn Trọng Tạo vẫn miệt mài trước máy tính, làm thơ, vẽ tranh, viết nhạc…. Bài hát mới nhất của ông là Khúc du ca của Dế - một ca khúc với giai điệu hoàn toàn trẻ trung, lãng mạn, thể hiện sự mới mẻ trong âm nhạc Nguyễn Trọng Tạo. Ông nói, ca sỹ Tùng Dương sẽ là người giới thiệu bài hát này.
Nguyễn Trọng Tạo để chuông điện thoại là tiếng hót của một loài chim. Mỗi lần tiếng chim ấy cất tiếng lảnh lót thì cuộc trò chuyện của chúng tôi lại tạm dừng. Có lẽ, đó là âm thanh khiến ông cảm thấy gần với thiên nhiên hơn trong căn phòng cũ kỹ, chật chội, ngổn ngang và trống trải do thiếu bàn tay của phái đẹp.
Nguyễn Hồng Thu
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình