Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra lễ hội: Đảm bảo văn minh, giữ gìn bản sắc

Tuấn Kiệt

Thứ tư, 12/02/2025 - 08:51

(Thanh tra) - Những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước đang rộn ràng mùa lễ hội với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc. Bên cạnh những lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản thì vẫn còn lễ hội có dấu hiệu bị biến tướng, có tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, không đúng với tính chất của lễ hội.

Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội tại Chùa Hương. Ảnh: TPO

Thanh tra đẩy lùi tiêu cực tại các lễ hội

Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội truyền thống, thuộc nhóm quốc gia có số lễ hội nhiều nhất khu vực cũng như châu lục. Khi đời sống vật chất được nâng cao, lễ hội không chỉ còn là không gian tâm linh hay sinh hoạt cộng đồng mà dần trở thành một sản phẩm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thậm chí kiếm lời.

Tại các lễ hội không khó để thấy có rất nhiều người chi hàng triệu đồng cho việc mua sắm vàng mã, đồ cúng lễ, tiền công đức… một số lễ hội, hiện tượng ném tiền lẻ vào tượng Phật, giếng nước hay đền thờ không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm suy giảm giá trị tín ngưỡng.

Một số nơi còn tổ chức lễ hội theo hướng thương mại hóa, khiến tinh thần tín ngưỡng bị biến tướng…

Trước mùa cao điểm lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 (từ ngày 14 – 22/1/2025), Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã kiểm tra trực tiếp tại 12 điểm di tích tại một số địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội: Chùa Hương, Phủ Tây Hồ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội); Yên Tử, Cửa Ông (Quảng Ninh); Đền Trần, Đền Tiên La, Đền Đồng Bằng (Thái Bình); Đền Trần Thương, Đền Lảnh Giang (Hà Nam); Đền Bắc Lệ, Đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn). Đây là các điểm di tích, lễ hội trọng điểm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương mỗi dịp đầu Xuân.

Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, qua kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức cũng như quản lí lễ hội đã dần đi vào nền nếp, các địa phương ý thức rất cao, tổ chức lễ hội đảm bảo ý nghĩa truyền thống nhưng đồng thời thực hiện đúng nếp sống văn minh, đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn điểm đến cho người dân, du khách.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công tác tổ chức cũng như quản lí lễ hội đã dần đi vào nền nếp. Ảnh: Đình Tuệ

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Liêm, ở một số địa phương hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như việc lén lút đổi tiền lẻ; công tác phòng chống cháy nổ chưa thực sự tốt, hệ thống dây điện chưa theo đúng quy định; còn có hiện tượng xóc thẻ quẻ đầu năm; một số di tích đặt hòm công đức quá nhiều nơi; vẫn còn hiện tượng bày bán sách tử vi tướng số không rõ nguồn gốc; đặc biệt là vấn đề liên quan đến đốt vàng mã, đồ mã hiện vẫn còn khá nhiều;…

“Trên cơ sở công tác nắm tình hình, công tác thanh tra chúng tôi đã nghiêm khắc nhắc nhở cũng như lập biên bản đối với trường hợp vi phạm đến mức phải xử lí theo quy định của pháp luật”, ông Liêm nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng chuyển đổi số để hoạt động lễ hội hiệu quả

Để thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi công văn yêu cầu đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn này nhằm triển khai hiệu quả Công điện số 09/CĐ-TTg ngày 3/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 theo hướng vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Ngoài ra, việc tổ chức lễ hội cũng phải tuân theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội cùng các quy định liên quan.

Các quy định đã được ban hành, nhiều chế tài được áp dụng, nhưng nếu người dân không thay đổi nhận thức, thì những vấn đề như mê tín dị đoan, thương mại hóa thái quá hay tình trạng lộn xộn tại các lễ hội vẫn sẽ tiếp diễn.

Lễ hội vốn dĩ thuộc về cộng đồng, vì vậy giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn là yếu tố then chốt để quản lý hoạt động lễ hội hiệu quả.

Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lễ hội và văn minh khi đi lễ hội trong trường học, trên các phương tiện truyền thông để mọi người hiểu rõ ý nghĩa thực sự của lễ hội và có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị; tuyên truyền về ý nghĩa thực sự của lễ hội để người dân hiểu rằng lòng thành không nằm ở số lượng lễ vật.

Chính quyền địa phương cũng nên có quy định cụ thể về quy mô, chi phí tổ chức, tránh lãng phí không cần thiết; khuyến khích hình thức cúng lễ văn minh, hay vì đốt vàng mã tràn lan, có thể quyên góp vào các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo…

Mùa lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025, nhiều địa phương phía Bắc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp tối ưu hóa công tác tổ chức, đồng thời nâng cao trải nghiệm của du khách, mang đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh và thuận tiện hơn.

Như việc phát trực tiếp (livestream) lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) để giảm thiểu tình trạng chen lấn, xô đẩy trong các nghi lễ quan trọng.

Hay việc bán vé điện tử, vé có mã QR tại chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự minh bạch trong khâu bán vé và quản lý tài chính.

Mỗi thuyền sẽ có một mã QR để du khách phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò. Ảnh: LĐTĐ

Không chỉ áp dụng công nghệ đối với các lễ hội, mã QR còn được áp dụng trong quản lý tiền công đức. Dù không phải là mới, nhưng việc sử dụng mã QR đang trở nên phổ biến hơn đối với du khách. Việc làm này vừa giúp du khách bày tỏ lòng thành tâm một cách thuận tiện và minh bạch, vừa giúp cơ quan quan quản lý vì dòng tiền ra vào hết sức công khai, rõ ràng.

“Trong quá trình chúng tôi đi kiểm tra thì rất nhiều địa phương, ban quản lí di tích, ban quản lí lễ hội đã áp dụng chuyển đổi số như vé điện tử, quét mã QR để ủng hộ tiền công đức, giọt dầu…, đây cũng là một trong những biện pháp làm giảm thiểu vấn đề tiêu cực, thiếu khách quan minh bạch trong việc sử dụng tiền công đức hoặc thông qua bán vé online để cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn, tránh việc trốn thuế”, ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng cũng như ý thức của cộng đồng, lễ hội sẽ thực sự trở thành không gian văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Các nhà nghiên cứu mong chờ công tác tu bổ giúp Đền Đuổm trở về đúng giá trị lịch sử

Các nhà nghiên cứu mong chờ công tác tu bổ giúp Đền Đuổm trở về đúng giá trị lịch sử

(Thanh tra) - Đền Đuổm, nơi thờ Đức Thánh Đuổm – danh tướng Dương Tự Minh, đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn chưa thể phản ánh trọn vẹn giá trị lịch sử, văn hóa của công trình. Là một di tích quốc gia có ý nghĩa quan trọng, việc tu bổ, phục dựng lần thứ 10 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà nghiên cứu, giới chuyên môn và người dân địa phương. Làm thế nào để việc trùng tu vừa đảm bảo tính bền vững, vừa giữ được nét truyền thống, tôn vinh được công lao của danh tướng Dương Tự Minh? Những góc nhìn từ các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng sẽ góp phần làm rõ hướng đi cho quá trình tôn tạo di tích này.

Hoàng Long

19:02 25/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm