Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 15/09/2015 - 10:35
Gia nhập làng giải trí từ những năm 1990, cùng thời với ngôi sao như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… song Ngọc Hiệp là cái tên duy nhất vẫn còn duy trì cái duyên với nghề cho đến giờ cho dù chị đã rút về với vai trò sản xuất từ nhiều năm qua.
Không sắc nước hương trời như các bạn đồng môn nhưng nhờ tài năng mà Ngọc Hiệp gặt hái được nhiều thành công. Chị lặng lẽ xuất hiện và cũng lặng lẽ chinh phục người xem ở một chừng mực nhất định. Lúc bấy giờ, ngoài một Diễm Hương nổi lên nhanh chóng và sau đó mất hút, chỉ còn một mình Ngọc Hiệp đang bước trên con đường dài. Đoạn đường vừa qua với những vai diễn dù có những vai chị tự thấy hay và không hay song là một đoạn đường rất đẹp, một kỷ niệm không thể nào quên.
Từng 'đánh bại' hàng trăm người đẹp, diễn viên
Với một ngoại hình thuần Việt là một trong những yếu tố góp phần làm nên nét đặc biệt trong phong cách diễn xuất của Ngọc Hiệp, dấu ấn trong diễn xuất của Ngọc Hiệp là sự đào sâu thế giới nội tâm nhân vật, đi theo sự diễn tả chừng mực và dung dị nhưng lại hết sức tinh tế. Chính sự giản dị, mộc mạc ấy đã tạo nên sự thuyết phục trong mỗi vai diễn của chị. Có thể nói, chưa một vai diễn nào của Ngọc Hiệp bị giới chuyên môn đánh giá là hời hợt hoặc làm khán giả phải thất vọng, nên hơn 20 năm theo nghề Ngọc Hiệp cũng chỉ vỏn vẹn hơn 20 vai diễn.
Ngọc Hiệp tên thật là Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh năm 1964, chị cùng gia đình rời Cà Mau lên Sài Gòn sinh sống khi lúc mới 5 tuổi. Thuở mới lớn, khi đang học lớp thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật nghe tin Trường Điện ảnh Thành phố mở khóa diễn viên đầu tiên, chị định thi vào học cho vui, nhưng không được học một lúc hai trường. Ngọc Hiệp bỏ thanh nhạc sang học diễn viên. Học được vài buổi, thấy đây là một bộ môn mới mẻ, hay hay, vậy là yêu thích.
Ngọc Hiệp học khóa diễn viên điện ảnh đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh (1987-1991) cùng lớp với Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương, Võ Thế Vỹ… Vào thời điểm ấy, Ngọc Hiệp không nổi bật bằng những bạn diễn cùng lớp vì chị không phải là sinh viên xuất sắc và ngoại hình cũng không hấp dẫn. Trong thời kỳ phim thị trường, chị cũng chưa từng được xếp vào hàng ngôi sao ăn khách.
Năm 1988 - 1989 trở đi, phim thị trường ở phía Nam bắt đầu phát triển và rầm rộ ở các rạp chiếu, Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh… nhanh chóng nổi tiếng được khán giả ở khắp mọi nơi yêu mến và đắt show hết phim này đến phim khác thì Ngọc Hiệp cũng tham gia vào dòng phim này bằng những vai diễn rất nhỏ như tì nữ Kim Liên trong Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga (Lý Hùng, Diễm Hương đóng), tì nữ trong Kỳ tích Bà Đen (Lê Tuấn Anh đóng)...
Khi đạo diễn Hà Sơn đến mời chị đóng vai một cô gái nông thôn trong phimBảy sắc cầu vồng, mặc dù chưa lần nào ra khỏi Thành phố, chưa thấy hình thù chiếc máy cày ra sao, vậy mà chỉ cần xem thao tác một lần chị đã ngồi lên cầm lái và cày một đường cày rất thẳng, khiến ai nấy trong đoàn phim đều ngạc nhiên thán phục. Khi thực hiện bộ phim Kỳ tích Bà Đen, đạo diễn Lê Mộng Hoàng mời Ngọc Hiệp đóng vai cô người hầu cho nhân vật chính Bà Đen. Theo truyền thuyết, Bà Đen phải biết múa võ và đạo diễn đã mời hẳn võ sư Nguyễn Văn Bảy ra tận hiện trường để hướng dẫn cho diễn viên.
“Bà Đen” Kim Hồng, một diễn viên vốn xuất thân từ dân cải lương, có vóc dáng và gương mặt khá xinh đẹp, nhưng sau cả giờ được võ sư tận tình nắm tay nắm chân vẫn không thể ra bộ được. Võ sư Nguyễn Văn Bảy mồ hôi nhễ nhại bèn gọi Ngọc Hiệp ra làm mẫu. chỉ một lần là hoàn hảo và thế là chị được lệnh thị phạm cho “Bà Đen”, nhưng rồi “Bà Đen” ở trên phim cũng không làm được điều đạo diễn muốn.
Năm 1991, khi đoàn làm phim Nhật Bản sang Việt Nam tuyển chọn diễn viên cho bộ phim Đi tìm vùng trời mơ ước, Ngọc Hiệp đã vượt qua hàng trăm người đẹp hoa hậu, diễn viên ngôi sao đang ăn khách để lọt vào mắt xanh của đạo diễn Kenki Saegusa.
Phía sau cảnh nude hoàn toàn của Ngọc Hiệp
Có lẽ do ngoại hình của Ngọc Hiệp không dễ hóa thân và những công chúa đời xưa hay tiểu thư thời nay nên chị không tạo được dấu ấn nổi bật cho mình và vươn lên thành sao như các bạn đồng môn. Nhưng rồi may mắn cũng mỉm cười. Năm 1993, chị nhận lời mời của đạo diễn Việt Linh đóng vai cô gái quỷ trong phim Dấu ấn của quỷ. Ngọc Hiệp vào vai một cô gái bị người làng cho là con của quỷ, bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng vì có cái bớt xấu xí. Lớn lên giữa chốn hoang dã với những tiếng hú cô đơn và vô vọng, cho đến một ngày cô gái tìm được sự chia sẻ của hai con người bất hạnh khác cũng bị xua đuổi là lão cùi và tên tù...
Ngọc Hiệp gật đầu chấp nhận hết những điều kiện khắt khe mà kịch bản quy định cho vai diễn: mặt mày xấu xí, đầu tóc bù xù, đi chân đất suốt phim và nhất là có đoạn không... quần áo. Tất cả những “trường đoạn” cực khổ đều qua trót lọt, duy nhất đến cảnh cô gái quỷ cùng anh người yêu trần như nhộng ôm nhau lăn xuống từ trên đồi cát là chị ngập ngừng. Lần đầu tiên được đóng vai chính trong một bộ phim truyện nhựa nghệ thuật giữa muôn trùng bạn bè chỉ có mặt ở phim video thương mại, Ngọc Hiệp hiểu rất rõ cái giá của lời hứa với đạo diễn, song đây cũng là lần đầu tiên chị xuất hiện trong chiếc áo mỏng trước ống kính nên việc nude hoàn toàn là điều hết sức hãi hùng.
Trước ánh mắt nửa như quở trách, nửa như cảm thông của đạo diễn Việt Linh, Ngọc Hiệp bèn chạy đôn chạy đáo tìm cho được “hình nhân thế mạng” và may thay có một cô gái yêu điện ảnh, xem đó là chuyện nhỏ nên sẵn sàng đóng thế. Đối với một sinh viên mới ra trường, đây là cuộc thử sức đầu tiên của Ngọc Hiệp trong một nhân vật phức tạp như vậy. Vai diễn gây tiếng vang và góp phần đưa tên Ngọc Hiệp vào một vị trí đáng trân trọng trong làng diễn viên trẻ lúc bấy giờ, đem lại cho chị giải nữ diễn viên chính xuất sắc LHP VN 1993, giải B Hội Ðiện ảnh VN (1993), giải đặc biệt Liên hoan phim môi trường châu Á - Thái Bình Dương Fukuoka (Nhật Bản, 1993) và nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim VN năm 1993.
Từ đó, Ngọc Hiệp cần mẫn làm việc và tạo được dấu ấn qua hàng loạt bộ phim đậm chất nghệ thuật như: Tây Sơn hiệp khách, Chuyện tình của biển, Lạc cầm, Tiếng đờn kìm ( Chuyện ngã bảy), Những nẻo đường phù sa… Nhưng bộ phim gây ấn tượng mạnh với khaá giả là bộ phim videoGiữa dòng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (đạo diễn Trần Mỹ Hà.) Một phụ nữ nông thôn miền Nam có nét đẹp vừa dung dị vừa sắc sảo, sống và hoạt động cách mạng bí mật trên chiếc bè cá, chống chọi với nguy hiểm đến từ nhiều phía để bảo toàn sự thủy chung... thì khó ai có thể phù hợp hơn Ngọc Hiệp. “Chị Quyên” đã đem lại cho Ngọc Hiệp giải Diễn viên nữ xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11 tại Hà Nội năm 1996.
Đến năm 1999 chị lại gây ấn tượng mạnh khi tham gia vào bộ phim Ba mùa, phim của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Tony Bùi đóng cùng với Đơn Dương. Phim được nhận một số giải thưởng và đề cử, đặc biệt là cả hai giải khán giả và giám khảo trong LHP Sundance. Chị cũng là một trong số ít diễn viên Việt Nam ở thế hệ đầu tiên được làm phim với các đạo diễn nước ngoài. Chính lối diễn xuất tự nhiên, mộc mạc mà sáng tạo đó đã tạo nên sức thuyết phục thật sự qua từng vai diễn. Một vai diễn ấn tượng khác của chị là đóng vai Lan cho phim Vũ khúc con cò của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Và sau bộ phim Tình biển chị bắt đầu nhưng đóng phim và chuyển sang một công việc hoàn toàn mới.
Rẽ hướng sang sản xuất phim
Mãi đến năm 2008, sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh, vai diễn gây nhiều bất ngờ cho khán giả của Ngọc Hiệp lại là một “cô gái xấu xí” – Huyền Diệu trong bộ phim truyền hình nhiều tập cùng tên. Ngọc Hiệp đã chiếm được nhiều cảm tình của người hâm mộ, là một trong những diễn viên gạo cội của điện ảnh nước nhà.
"Cô gái xấu xí” Ngọc Hiệp không chỉ được ngưỡng mộ bởi tài năng thực thụ mà còn bởi cuộc hôn nhân đẹp hơn 20 năm của chị bên người chồng hiền lành. Với quan niệm: “Chỉ nhận vai vì kịch bản hay, chỉ quan tâm đến vai diễn như thế nào; chỉ mong muốn được đóng vai mình thích, diễn thiệt đã và không nhận cùng lúc hai vai”.
Không rực rỡ kiêu sa như những ngôi sao điện ảnh “lóe sáng” một thời nhưng chính cái nét sắc sảo mặn mà và cách diễn xuất chân thực đã giúp Ngọc Hiệp hóa thân một cách nhuần nhuyễn và độc đáo vào nhiều lớp nhân vật, đặc biệt là những vai người nữ chiến sĩ hoạt động cách mạng, người vợ chờ chồng, những người phụ nữ bất hạnh.
Mãi đến năm 2014, chị mới trở lại với vai trò diễn viên trong bộ phim nhựa thể loại kinh dị Đoạt hồn. Trong số các nữ diễn viên Việt Nam, hiếm có trường hợp nào như Ngọc Hiệp, vào nghề lúc giai đoạn dòng phim “mì ăn liền” cực thịnh, từng đóng nhiều phim hợp tác với nước ngoài nhưng chị không hề vội vã tận dụng cơ hội để đi tìm danh tiếng mà chọn con đường riêng biệt là dòng phim nghệ thuật kén với số đông khán giả. Những hóa thân của chị trên màn ảnh đều độc đáo, ấn tượng để mỗi lần có thông tin “Ngọc Hiệp đóng phim mới” là không ít người yêu điện ảnh lại quan tâm, mong chờ.
Theo Hoàng Khôi (VietNamNet)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC