Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sen - “Đại biểu văn hoá”

Thứ ba, 24/01/2012 - 14:13

(Thanh tra)- Sen có “họ” với súng, hoa súng phô màu trong hồ trước cổng vào Khuê Văn Các - Văn Miếu. Tên khoa học của họ nhà sen là Nelumbonaceae, và sen được đặt là Nelumbo nucifera. Ở châu Âu, sen thường viết là “lotus”; gốc từ Hy Lạp là lotos có màu xanh, xuất xứ Ai Cập. Còn thấy dấu vết trên các tường mộ thời vua Pharaon trên sa mạc.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sen có thân rễ hình trụ mọc từ bùn đứng lên - như hình tượng chùa Một Cột. Ra khỏi mặt nước, cuống dài, gai nhỏ, lá xanh hình phễu - để có thể vục nước uống, làm nón che đầu khi trời nắng. Lá to chừng 60 - 70 cm. Hoa có màu trắng, hay hồng, có loại trắng viền phớt hồng, nhị vàng, hương thơm - ướp chè - một loại chè cao sang, kiêu sa: chè sen.

Đài sen trưởng thành có hạt bên trong, mang một danh hiệu quý tộc “gương sen”. Trong gương sen có hạt sen, giữa hạt có “tim sen”, tâm sen. Cả hạt và tim sen được ăn, uống chống bệnh mất ngủ, tâm thần trong Đông y.

Ở Pháp có cây hoa sen hoang mọc trong rừng, hoa màu trắng, đường kính rộng 15cm - được tôn vinh là hoa lớn nhất nước.

Theo người dân châu Âu, sen tượng trưng cho sự trong trắng. Nhưng sen không được đứng trong các đại diện loài hoa ở các bảng loài hoa trong tháng của năm.

Sen có mặt ở phương Đông chắc là xa xưa lắm. Bạch Cư Dị (772 - 846) người tỉnh Thiểm Tây, một vùng núi hiểm trở của Trung Quốc, tác giả “Trường hận ca” và “Tỳ bà hành”, cũng đã có hai bài thơ “Trì thượng” (Trên ao) và “Thái liên khúc” (Khúc hát hái hoa sen):

Tiểu oa sanh tiểu đỉnh

Thâu thái bạch liên hồi

Bất giải tàng tung tích

Phù bình nhất đạo khai


Nhà thơ Tản Đà Việt Nam đã dịch:

Người xinh bơi chiếc thuyền xinh

Bông sen trắng nõn mới tinh hái về

Hớ hênh dấu vết không che

Trên ao để một luồng chia mặt bèo


Bài thơ “Khúc hát hái sen” được dịch như sau:

Âu sen sóng gió một miền

Con thuyền len lỏi lối sen mịt mùng

Gặp chàng, muốn nói thẹn thùng

Cúi đầu, trâm rớt vào trong nước hồ
”.

Trong hội họa về Phật giáo, nhiều nước ở phương Đông - thường thể hiện Phật ngồi, đứng trên tòa sen... Sen còn thể hiện lòng vị tha, toàn tâm, toàn ý vì người khác; toàn bộ thân, lá, hoa, quả, rễ... đều “phụng sự con người”. Kể cả hương thơm của mình đem lại hạnh phúc cho người khác, “chết” rồi vẫn “ẩn náu” trong bùn, lại tái sinh... vì mọi người, đời này sang đời khác.

Sen xuất hiện rất sớm trong dân tộc Việt, đã được cộng đồng người Việt coi như một biểu tượng về đạo đức, về người quân tử “liêm, chính” lưu truyền qua ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn


Không rõ sen từ đâu về, từ đồng bằng lên núi hay ngược lại. Sen có mặt trong các làng sen, các thôn, xã, tổng sen...

Ở vùng đồng bằng Bắc bộ, lưu vực sông Hồng có rất nhiều địa phương có tên Hán là “Liên” - nghĩa là hoa sen.

Ở Bắc Ninh có thôn Đầm, Đầm Sen. Hà Đông (Hà Nội) có Liên Ngạc, Liên Mạc, Liên Bạt. Vĩnh Yên có Liên Hoa, Liên Các. Hà Nam có Liên Đích. Nam Định có Liên Thủy, Liên Tỉnh (giống sen).

Sen còn “ngược” lên Thái Nguyên ở Liên Ngõa, lên Lạng Sơn ở Thôn Liên (Khôn Nao), sang Hòa Bình với Liên Khuê và Liên Khê khi xuống Thái Bình. (Xin chú ý, có nhiều “Liên” khác, nhưng chữ viết không phải là “Liên” - hoa sen mà là liên kết, liên hợp. “Liên” - hoa sen có thêm bộ “thảo” (cây) ở trên đầu chữ).

Sen còn “vào” Thanh - Nghệ - Tĩnh - đặc biệt có Làng Sen - Kim Liên quê hương của một “Bông sen đẹp nhất nước Nam”: Bác Hồ.

Rồi sen “di cư” vào Nam theo bước chân của những người “mang hoa mở nước”.

Sen Việt Nam có trong các họa tiết kiến trúc ở đình, chùa, trong các bộ tượng Phật, trong ca dao, thơ ca. Nguyễn Trãi có một chùm thơ nôm về hoa: Mai, Cúc, Tùng, Trúc, Đào, Mẫu đơn, Hòe... và Liên hoa: Hoa sen.

Lấm nhơ chẳng bén, tốt và thanh

Quân tử kham khuôn(1) được thừa danh

Gió đưa hương, đêm nguyệt tỉnh

Riêng làm của, có ai tranh
”.

Ở Hà Nội còn có một ngôi chùa Sen có tên là Kim Liên tự. Chùa dựng trên nền cũ của cung Thúy Hoa, thời vua nhà Lý, phường Nghi Tàm, quanh Hồ Tây, nay là quận Ba Đình. Phạm Đình Hồ đã tả cảnh chùa “quay lưng ra sông Nhị Hà, Hồ Tây trước mặt, sóng man mác, nước một màu... Khóm trúc, cội tùng phất phơ...”. Ngoài chùa Kim Liên còn có: chùa Liên Hoa ở ngõ Liên Phái, Bạch Mai, Hà Nội xây dựng từ năm 1726; cũng tên chùa Liên Hoa ở Nghi Xuân, Nghệ An; chùa Liên Hoa ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa; chùa Liên Hồ, Liên Trì (Hà Nội)...

Cây sen, lá sen, gương sen, đài sen, hạt sen... cùng chung sống “vật chất” với người Việt, sống trong tâm linh của những người theo đạo Phật, trong đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam: Trong sáng, bao dung, vị tha, “mình vì mọi người”.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ


Đây là một kết hợp rất ý nghĩa: Bông sen là hoa sen của nước Việt, của dân tộc Việt, là “đại biểu văn hóa” của người Việt, là “hóa thân” của một trong những người con đất Việt vĩ đại trong thời đại ngày nay: Hồ Chí Minh.

Làm sao để trong mỗi con dân Việt “có” một bông sen Hồ Chí Minh, dù “chim Việt có đậu cành Nam” ở xứ nào cũng thế; có một Làng Sen, trong mọi miền đất nước của Việt Nam; có một Bông Sen, hương thơm trên toàn thế giới...

(1): Kham khuôn: Tiếng Việt cổ- chịu theo, tuân theo.


TS. Nguyễn Văn Khoan

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm