Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ông Trưởng làng Cơ Tu đa tài

Trung Hiếu

Thứ hai, 08/11/2021 - 18:23

(Thanh tra) - Về Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nói đến ông Hồ Văn Sưng, 68 tuổi, Trưởng làng Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế), các trưởng làng: Tày, Mông, Thái, Khơ Mú, Ba Na, Xơ Đăng, Ê Đê… đều biết.

Các nghệ nhân làng Cơ Tu biểu diễn nhạc cụ độc đáo của dân tộc Cơ Tu trong ngày hội. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Ông Chama Lếa Giấp, Trưởng làng Raglai nói: “Trưởng làng Cơ Tu đa tài lắm, trống, chiêng, đàn nhị, sáo, hát, múa, cúng lễ, kể chuyện cổ, biết làm hết, “nó” làm nổi đình nổi đám cái làng Cơ Tu lên đấy”.

Đem lời lời khen của nhiều trưởng làng chuyển đến Trưởng làng Cơ Tu Hồ Văn Sưng, ông cười, nói: “Không giỏi đâu. Cái bản sắc dân tộc Cơ Tu là của tổ tiên ông bà truyền lại, mình là phận con cháu phải có trách nhiệm giữ lấy, phát huy nó lên. Rồi tiếp tục truyền lại cho lớp sau. Mất bản sắc của dân tộc là đánh mất chính mình đấy. Phải làm cho các dân tộc khác, người nước khác cũng hiểu, biết được bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu. Mình cùng các nghệ nhân ở xã Hưng Hữu, huyện Nam Đồng (Thừa Thiên - Huế) ra Làng Văn hóa cũng vì mục đích như thế”.

Trưởng làng Cơ Tu Hồ Văn Sưng với chiếc trống - nhạc cụ dân ca, dân vũ dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Trung Hiếu

Ngước mắt nhìn ngôi nhà Gươi và dàn cồng chiêng trên vách, ông Hồ Văn Sưng hồ hởi nói: Người Cơ Tu có nền văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú và đa dạng. Trong những năm gần đây, huyện, xã đã tổ chức phục dựng và bảo tồn nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội được mùa, lễ hội mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ mừng nhà Gươi. Trong nghệ thuật dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc thì nổi tiếng nhất là hát lý, nói lý, điệu múa Tân tung Zazã, đánh cồng chiêng, trống, múa mừng lúa mới, vào nhà mới, Cha chấp, Kalới.

Trưởng làng Cơ Tu lấy cái trống trên nhà Gươi ôm vào bên sườn rồi uốn người, nhún chân múa. Tiếng trống vang lên thôi thúc, tiếng hú của trưởng làng vang lên hòa vào không gian mênh mang trời đất làm cho không gian làng Cơ Tu trở nên nhộn nhịp hẳn lên.

Ông Hồ Văn Sưng giải nghĩa: Tân tung Zazã nghĩa là mạnh mẽ, vươn cao, vững chãi nên khi múa các chàng trai đều mặc khố, choàng áo dệt bằng thổ cẩm, chân trần, tay nắm cây khiên, cây giáo. Các chàng trai vừa múa vừa hú thể hiện sức mạnh của trai làng nơi đại ngàn. Với phụ nữ, khi múa thì mặc váy thổ cẩm, vai trần, cổ đeo vòng cườm. Khi bước vào vòng múa thì ai cũng “say”. Múa hết mình, múa để quên tất cả những ưu phiền, lo âu trong cuộc sống.

Trưởng làng Cơ Tu cho biết: Khách nước ngoài đến thăm làng, họ rất thích xem điệu múa Tân tung Zazã. Họ còn yêu cầu dạy cho họ đánh trống, đánh chiêng, nhảy múa. Mua váy áo thổ cẩm dân tộc Cơ Tu làm kỷ niệm.

Nói về việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu, Trưởng làng Hồ Văn Sưng cho biết: Do tác động của xã hội, một số lễ hội, phong tục tập quán, nghề truyền thống của đồng bào đang bị mai một, có nguy cơ khó lưu truyền được, nhất là trang phục, riêng về nghệ thuật dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc thì người Cơ Tu luôn có ý thức bảo tồn, phát huy. Vì đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào. Là cái hồn của người Cơ Tu. Được biết, hiện nay các làng Cơ Tu ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế ) đều có đội văn nghệ. Đây chính là nơi khơi nguồn, lưu giữ và phát triển bản sắc dân tộc Cơ Tu. Mà vai trò của các già làng, các nghệ nhân là rất quan trọng.

Múa Tâng tung Zazã, là điệu múa mừng lễ hội của buôn làng. Một món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng người dân tộc Cơ Tu. Ảnh: Trung Hiếu

Trưởng làng Hồ Văn Sưng nói rằng, ở  quê, ông đã tổ chức các buổi học múa, học dân ca, dạy lớp trẻ đánh trống, chiêng, đàn hát bằng tiếng dân tộc. Sau khi hết thời hạn ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam về quê xã Hưng Hữu, huyện Nam Đông, ông sẽ kể lại bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em ở làng, như: Dân tộc Mông, Thái, Tày, Ê Đê, Mường, Raglai, Xi Tiêng… để dân làng, con cháu biết ý nghĩa, giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc nói chung của dân tộc Cơ Tu nói riêng để mọi người có ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy nét đẹp, độc đáo của bản sắc dân tộc mình.

Và, với vai trò là một nghệ nhân, người cao tuổi, người có uy tín, ông sẽ vận động các già làng, trưởng bản trong cộng đồng tham gia, nêu gương trong việc khai thác, lưu giữ, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu.

Trưởng làng Cơ Tu Hồ Văn Sưng khẳng định: Đưa bản sắc của dân tộc Cơ Tu lan tỏa đến với du khách trong nước và người nước ngoài để mọi người hiểu hơn về đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Cơ Tu. Việc này người dân tộc khác không thể thay người Cơ Tu làm được mà chính người Cơ Tu phải có trách nhiệm đứng ra làm. Và, trong thời gian ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Hồ Văn Sưng cùng 6 thành viên làng Cơ Tu đã nỗ lực làm điều đó.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm