Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ ba, 23/11/2021 - 21:48
(Thanh tra)- Bắc Ninh - Kinh Bắc, mảnh đất có bề dày lịch sử và giàu truyền thống văn hiến. Quê hương có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nổi bật trong số đó phải kể đến là chùa Bút Tháp - ngôi chùa độc đáo lưu giữ 4 bảo vật quốc gia.
Chùa Bút Tháp nằm bên bờ Nam sông Đuống thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: HH
Chùa Bút Tháp nằm bên bờ Nam sông Đuống thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những di tích Phật giáo có các công trình kiến trúc độc đáo và hệ thống tượng Phật, đồ thờ được tạo tác tinh xảo, nghệ thuật bậc nhất của nước ta.
Giới thiệu về lịch sử của ngôi chùa, cán bộ văn hóa xã Đình Tổ chia sẻ, chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc tự”, một ngôi cổ tự nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình, thơ mộng.
Chùa Bút Tháp xưa vốn có tên Nhạn Tháp, thuộc xã Nhạn Tháp. Tương truyền, chùa xưa có cây tháp quý lại nằm trên dải đất tụ phúc, do vậy đàn chim nhạn ở các núi xung quanh như Phật Tích, Đại Lãm, Châu Sơn thường bay về đậu trên ngọn tháp của chùa. Đến thời Nguyễn, vua Tự Đức có lần vi hành qua đây, thấy chùa có ngọn tháp (tháp Báo Nghiêm) trông tựa như cây bút khổng lồ, nên đã đổi tên là chùa Bút Tháp.
Theo các thư tịch cổ cho biết, chùa Bút Tháp vốn được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Trần là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (vị Tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm - Thiền phái mang sắc thái Phật giáo Việt Nam do vua Trần Nhân Tông sáng lập).
Chùa Bút Tháp có cấu trúc kiểu “nội công ngoại quốc”. Không kể Tam quan và Gác chuông ở phía trước và Nhà tổ Đệ nhất cùng khu vườn tháp bên trái về sau chùa, thì các đơn nguyên kiến trúc còn lại được nằm khuôn kín trong 1 hình chữ nhật giới hạn bởi Tiền đường ở phía trước, Hậu đường ở phía sau, và hai bên là hai dãy hành lang.
Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa Bút Tháp được bố trí đăng đối trên một đường chính đạo chạy suốt, gồm các toà: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích thiện am, Nhà trung, Phủ thờ và Hậu đường, hai bên là hai dãy hành lang, mỗi dãy 26 gian, dài trên 100m.
Bên trái chùa, phía sau dãy hành lang là Nhà tổ, thờ các vị tổ chùa, tiêu biểu là Thiền sư Chuyết Chuyết. Ngoài ra, hai bên và phía sau công trình chính là vườn chùa với những cây tháp cổ bằng gạch và đá, trong đó nổi bật nhất là tháp Báo Nghiêm.
Với quy mô to lớn, cảnh quan phối hợp hài hòa, không gian thanh tịnh, du khách đến thăm chùa được chiêm ngưỡng các mảng trang trí chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá vô cùng tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ gần 100 pho tượng gỗ tạc trong nhiều tư thế đứng, ngồi, quỳ với nét mặt sinh động, biểu hiện nội tâm sâu sắc với ý nghĩa Phật giáo cao cả.
Cùng với điêu khắc gỗ, chùa Bút Tháp còn có trên 50 bức chạm đá phong phú hình chim thú, hoa, cây... đường nét, hình khối rõ ràng, tinh tế. Với những giá trị độc đáo, chùa Bút Tháp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh giá trị lịch sử, kiến trúc, hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam thế, tòa Cửu phẩm Liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Theo cán bộ văn hóa xã Đình Tổ, mỗi nhóm bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo riêng nhưng đặc sắc nhất phải kể đến pho tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và hơn 900 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau. Bức tượng đặt trong Thượng điện được đánh giá là tuyệt phẩm điêu khắc. Với nghìn con mắt và nghìn cánh tay, Phật bà như nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo.
Nằm cạnh bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay là hệ thống ba pho tượng Tam thế, biểu trưng cho 3 thế hệ: Phật Adiđà - chủ trì quá khứ, Phật Thích ca Mầu ni - chủ trì hiện tại và Phật Di lặc - chủ trì tương lai.
Đặc biệt, du khách đều thấy ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tòa Cửu phẩm Liên hoa vừa độc, vừa lạ. Tòa có hình tháp bát giác, cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen được đặt ở chính giữa lòng nhà tòa Tích thiện am, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca Mâu Ni. Chín tầng Cối kinh tạc hàng trăm tượng Phật, hoa lá, chim muông, tập trung chủ đề khuyến thiện trừ ác, giới thiệu hành trang các vị tổ Thiền tông, các đại sư, các cấp độ thăng hoa trên đường lên cõi Niết bàn. Tòa Cửu phẩm Liên hoa là tháp gỗ 8 mặt, 9 tầng, được đỡ bởi các hàng chấn song con tiện. Tám mặt của 9 tầng có gắn phù điêu gắn với Phật giáo.
Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ nhiều hương án cổ, trong đó hương án đặt trong Thượng điện là tiêu biểu nhất, thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện và vô cùng tinh xảo của những nghệ nhân xưa. Nét độc đáo của hương án này không chỉ nằm ở sự đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ mà còn độc đáo về chủ đề, đề tài trang trí, đặc biệt là các chi tiết trang trí đề tài hình tượng rồng.
Với giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, hàng năm chùa Bút Tháp được hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng lãm. Năm 2018, chùa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh.
Tự hào về ngôi chùa được lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia, Thượng tọa Thích Thanh Sơn, Trụ trì chùa Bút Tháp chia sẻ, là ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi lưu giữ 4 bảo vật quốc gia, nhà chùa đã có nhiều biện pháp để bảo tồn các giá trị quý hiếm. Nhà chùa phối hợp với ban quản lý di tích đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật, tuân thủ các biện pháp bảo vệ cũng như khuyến cáo các du khách không trèo, không động chạm, không di chuyển vào hiện vật.
Bên cạnh đó, nhà chùa có các biện pháp ngăn ngừa những cá nhân không tôn trọng di sản như sao chép lấy mẫu, kẻ vẽ kích thước không chuẩn chỉ. Để phát huy giá trị cha ông, nhà chùa cũng giới thiệu, tuyên truyền những ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kiến trúc của ngôi chùa cho các thế hệ trẻ đến tham quan chùa.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo, trở thành một trong những điểm thăm quan du lịch tâm linh nổi tiếng ở vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Hàng năm, người dân trong vùng và du khách gần xa luôn nhớ và trở về dự lễ hội chùa được tổ chức vào ngày 23-24 tháng 3 Âm lịch với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng 22/11, giải chạy địa hình LAAN Ulltra Trail 2024 và hành trình chinh phục đỉnh cao do Công ty Cổ phần Lâm An Lạc Dương tổ chức đã chính thức khai mạc.
Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024N. Phê - L. Bình
16:20 21/11/2024Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh
T.Thanh
Bài và ảnh: Quỳnh Mai
Phương Anh
Phương Anh
Trung Hà