Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhường đường cho người đi bộ là hành vi ứng xử văn minh

Công Nguyên

Thứ hai, 31/10/2022 - 14:20

(Thanh tra) - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe... Tuy nhiên thực tế vẫn có những trường hợp không nhường người đi bộ, thể hiện ý thức chưa tuân thủ luật giao thông và thiếu văn hóa giao thông.

Mặc dù, luật đã được quy định rõ như vậy và có mức phạt đối với các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ qua đường, thực tế việc các phương tiện giao thông cơ giới chưa chủ động nhường đường cho người đi bộ. Mỗi lần qua đường tại những nơi không có đèn tín hiệu đối với người đi bộ như là một lần họ đánh cược mạng sống của mình. Họ phải nhìn ngang liếc dọc, vẫy tay xin đường để luồn lách qua hàng tá phương tiện đang vun vút lao đi trên đường.

Xe máy lao tới bất chấp đèn ưu tiên người đi bộ đã bật xanh -  ảnh ĐN

Nguyên nhân của thực trạng này do có khá nhiều người chưa nắm vững Luật Giao thông đường bộ. Nhiều người hàng ngày vẫn điều khiển ôtô, xe máy đi trên đường nhưng không biết rằng người đi bộ là đối tượng ưu tiên đầu tiên. Thứ nữa, nhiều người nắm được quy định pháp luật nhưng do tính ích kỷ cá nhân nên họ không có khái niệm nhường đường. Cuối cùng, điều quan trọng nhất là mức phạt quá nhẹ đối với hành vi không nhường đường cho người đi bộ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy thực trạng xe lớn chưa có ý thức nhường xe nhỏ, với điều kiện các xe đều tuân thủ đúng luật giao thông, nên nhiều lúc xảy ra thực trạng dồn xe cục bộ vì các phương tiện tham gia giao thông không nhường nhau, ai cũng có suy nghĩ “mình nhanh là được”, ảnh hưởng đến toàn bộ người tham gia giao thông khu vực đó. Đây được cho là một trong những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.

Lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ngày càng lớn, mật độ các phương tiện tham gia giao thông cũng ngày càng dày hơn, bởi sự phát triển của hạ tầng không theo kịp sự phát triển của dân số và phương tiện. Do đó, thường xuyên xảy ra kẹt xe, đặc biệt vào những giờ cao điểm. Nhưng kẹt xe không hẳn do đông xe, mà nguyên nhân còn đến từ ý thức của người tham gia giao thông chưa tuân thủ đúng luật giao thông, không nhường đường cho một số đối tượng ưu tiên… Do đó, việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, điều chỉnh hành vi ứng xử, văn hóa giao thông với người tham gia giao thông là rất cần thiết.

Xây dựng văn hóa giao thông là một trong những giải pháp bền vững để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó kiến thiết hình ảnh về cộng đồng giao thông đẹp trong mắt người dân và bạn bè quốc tế. Từ lý do đó, Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông “Vì hạnh phúc gia đình Việt” đã chính thức triển khai từ năm 2021. Đề án được Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân và Báo Thanh tra cùng các đơn vị báo đài trung ương,  địa phương đồng hành tuyên truyền trong năm 2022-2023.

BTC Đề án Xây dựng Văn hóa giao thông tổ chức tọa đàm cùng các KOLs - ảnh ĐN

Thông qua truyền thông hình ảnh, thông điệp về ứng xử văn hoá trong giao thông qua 14 nội dung tuyên truyền và xây dựng tình huống ứng xử về văn hoá giao thông,... đề án giúp hình ảnh thành quan điểm, hành vi, chuẩn mực văn hoá cho cá nhân, cộng đồng trong khi tham gia giao thông.  “VHGT là xe lớn nhường xe nhỏ, các phương tiện nhường người đi bộ” là một trong số những nội dung ý nghĩa đó.

Đề án “Văn hoá giao thông” hướng tới mục tiêu chính là thay đổi nhận thức toàn dân – Điều chỉnh thói quen toàn dân để xây dựng một cộng đồng tham gia giao thông văn mình, hiện đại.

Đề án được triển khai theo 3 giai đoạn, theo đó năm 2022-2023, đề xuất Bộ GTVT, Uỷ ban ATGT Quốc Gia phối hợp, và sẽ triển khai thực hiện thí điểm tại 9 tỉnh thành trọng điểm. Đến năm 2023-2024 triển khai tại 18 tỉnh thành, năm 2024-2025 mở rộng 36 tỉnh thành tiếp theo như đã thực hiện tại thí điểm 9 địa phương từng áp dụng thành công trong năm 2022-2023.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm