Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những lễ hội độc đáo của đồng bào M’nông ở Đăk Nông

Trần - Thanh

Thứ hai, 08/11/2021 - 18:30

(Thanh tra)- Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc chuyên trách Công viên địa chất tỉnh Đăk Nông cho biết, đồng bào M’nông ở tỉnh Đăk Nông có nhiều lễ hội như: Lễ cúng cổng bon làng, lễ hội Tâm N’Găp Bon, lễ cúng mừng mùa, lễ cầu sức khỏe… Ở bất cứ lễ hội nào người M’nông cũng đều thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Lễ hội Tăm Blang M’prang Bon. Ảnh tư liệu

Nhân chuyến đi về Đăk Nông, chúng tôi có dịp gặp và trao đổi với bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc chuyên trách Công viên địa chất tỉnh Đăk Nông. Bà An trước đây là Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Bà An cho biết: "Hiện, Công viên địa chất tỉnh Đăk Nông đang chọn một lễ hội đặc trưng của đồng bào M’nông để xây dựng thành thương hiệu quốc tế. Và, chúng tôi dự định chọn lễ hội Tăm Blang M’prang Bon. Đây là lễ hội đặc sắc của người M’nông Peh dưới chân đỉnh núi thiêng Nâm Nung, xã Nam Nung, huyện Krông Nô".

Tiếp đó, bà An kể sơ bộ về lễ hội Tăm Blang M’prang Bon và một số lễ hội của người M’nông như sau:

Lễ hội Tăm Blang M’prang Bon

Lễ Tăm Blang M’prang Bon xuất phát từ truyền thuyết xưa của tộc người M’nông Peh. Thuở xưa, rừng Nâm Nung có một bộ tộc Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người. Cứ đêm đến, ma rừng lại lẻn vào làng tìm phụ nữ và trẻ con dọa dẫm khiến người M’nông Peh lo sợ. Lao Bô không sợ bất cứ thứ gì, chỉ sợ duy nhất cây Blang (cây gạo).

Người M’nông cho rằng cây Blang rất thiêng. Cây là nơi trú ngụ của thần linh che chở cho dân làng, vì vậy mỗi năm dân làng đều tổ chức lễ hội trồng cây Blang ngăn ma rừng không cho xâm nhập để phá hoại bon làng.

Thường một ngày trước khi lễ hội Tăm Blang M’prang Bon, dân làng đến chân núi Nâm Nung xin phép thần linh lấy những cây Blang còn nhỏ rồi đặt cẩn thận vào trong gùi và mang về. Cây Blang chính là vật lễ không thể thiếu trong ngày hội. Ngoài ra lễ vật còn có các sản vật khác như: Gà rừng, heo, cơm lam và nải chuối rừng được đặt lên bàn thờ để kính báo ông bà đã khuất về dự lễ.

Trước ngày lễ, dân làng sắm sửa trang phục mới, trang trí nhà cửa tinh tươm để đón khách quý từ khắp nơi về dự lễ hội.

Đồng bào M’nông ở tỉnh Đăk Nông có rất nhiều lễ hội. Ảnh tư liệu

Lễ cúng mừng mùa

Lễ cúng mừng mùa là lễ hội lâu đời của đồng bào M’nông nhằm tôn vinh hạt thóc mà các vị thần linh ban cho dân làng và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà sung túc. Trong đời sống tâm linh của người M'nông, lễ cúng mừng mùa được xem là dịp lễ quan trọng trong năm. Lễ được tổ chức nhằm thể hiện sự cảm tạ của đồng bào M’nông đối với các vị thần linh như: Cúng trời đất, thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng cầu cho mưa thuận gió hòa.

Lễ vật cúng mừng mùa được đồng bào M’nông chuẩn bị gồm: Cây nêu, ché rượu cần, 1 con gà; các đồ dùng hàng ngày và dụng cụ lao động sản xuất; các giống lúa, hạt giống cây trồng được thu hoạch từ trên nương rẫy.

Nghi lễ diễn ra gồm 2 phần: Lễ cúng thần linh thực hiện tại cây nêu và lễ cúng mừng mùa.

Trước khi diễn ra nghi thức cúng lễ, đồng bào M’nông thường thể hiện những làn điệu hát đối đáp nhằm biểu thị tình cảm của chủ nhà khi đón khách đến tham dự. Sau nghi thức lễ cúng dân làng diễn tấu cồng chiêng và những điệu múa xoang với những tiết mục vui tươi, rộn ràng thể hiện niềm vui sau một mùa bội thu.

Lễ hội Tâm N’Găp Bon

Lễ hội Tâm N’Găp Bon là hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào M’nông.

Thông qua lễ hội, đồng bào M’nông cầu các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no, con cháu khỏe mạnh hạnh phúc.

Lễ hội Tâm N’Găp Bon thường được tổ chức vào đầu mùa Xuân, khi đồng bào M’nông không còn vướng bận với công việc, đã thu hoạch xong ngô lúa đầy bồ, lợn gà đầy sân, cuộc sống xung túc.

Trước lễ hội khoảng 2 tháng, các già làng của các bon làng họp lại, thống nhất địa điểm, quy mô tổ chức lễ. Đến dự lễ, mỗi bon làng đều mang theo các sản vật tự chăn nuôi, sản xuất làm ra như: Trâu, dê, lợn, gà, lúa gạo, rượu cần… và bon chủ nhà cũng phải chuẩn bị tương tự như vậy để đãi khách.

Trước lễ một tuần, 1 cây nêu lớn được dựng lên để mời gọi các thần linh về dự lễ với bon làng. Phần ngọn trên cây nêu được trang trí nhiều hoa văn, hình chim, nai kết bằng tre nứa, được tô vẽ khéo léo, tinh xảo. Thân cây nêu trang trí hoa văn với màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng. Ở giữa thân cây nêu là một mâm tre hình vuông bày biện các lễ vật cúng thần như thịt, cơm, bầu rượu cần.

Lễ kết nghĩa anh em của người M’nông. Ảnh tư liệu

Lễ cúng cổng bon làng

Trong các nghi lễ của người M’nông có lễ cúng cổng bon làng (Bư brah mpêr bon). Hiện nay, trong mỗi bon làng của người M’nông vẫn giữ được nét truyền thống là cổng ra vào bon làng. Mỗi cổng bon làng của người M’nông đều có một nét văn hóa riêng.

Sau mỗi cổng bon làng của người M’nông là sự kết nối cộng đồng, dòng tộc, những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa riêng biệt. Chính vì vậy, người M’nông ứng xử nhân văn là tổ chức cúng cổng bon làng. Người M’nông tổ chức nghi lễ này với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống của người dân trong bon làng được ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng cổng bon làng được tổ chức hàng năm khi mùa mưa chuẩn bị bắt đầu (vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 âm lịch). Trước lễ cúng, già làng sẽ triệu tập tất cả các thành viên trong bon để thống nhất ngày giờ và sau đó phân công cho mỗi người chuẩn bị các lễ vật để dâng lên thần linh.

Các lễ vật bao gồm: Mỗi gia đình góp một nhúm gạo trắng, 1 nắm thuốc lào, 1 hòn than củi, 1 cặp ngà voi và 1 sừng tê giác giả làm bằng gỗ, 1 lá trầu có quết sẵn vôi, 1 miếng cau, 3 chiếc bánh nếp gói bằng lá chuối, 3 quả chuối xanh, 3 củ khoai lang  luộc chín, 3 đoạn mía xanh mỗi đoạn 3 đốt, 4 cây nến sáp cắm trên 4 đầu cọc của bàn cúng. Phía trước bàn cúng sẽ có 1 ché rượu giả làm bằng vỏ quả bầu khô.

Sau khi làm lễ cúng ở cổng bon, già làng và các chủ hộ lấy rượu ra pha với tiết lợn mang về nhà để cúng thần nhà, thần bếp, thần giữ cửa, thần giữ kho lúa cầu mong các thần linh giữ nhà cửa, không cho thần ác phá rối hoặc làm hại cho con người...

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào M’nông, nhiều năm qua tỉnh Đắk Nông đã phục dựng nhiều nghi lễ của đồng bào M’nông như: Lễ cúng mừng mùa, lễ hội Tâm N’Găp Bon, lễ cúng cổng bon làng, lễ cúng bến nước, lễ cầu sức khỏe… từng bước làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người M’nông.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm