Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người thắp sáng “hồn” dân tộc Khơ Mú

Trung Hiếu

Thứ hai, 18/10/2021 - 18:01

(Thanh tra) - Làng Khơ Mú là 1 trong 12 làng nhỏ đại diện cho 54 dân tộc anh em cả nước đang sinh sống, hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Múa Tẹ chư mon (chọc lỗ tra hạt) thể hiện bản sắc độc đáo trong kho tàng dân ca, dân vũ của người Khơ Mú được được tái hiện tại Làng Văn hóa gây ấn tượng trong lòng du khách. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Làng Khơ Mú nằm trên một thung lũng nhỏ, tựa lưng vào sườn đồi, trước nhà là vườn chè, vườn rau xanh với đủ các loại rau rừng như: Rau dớn, rau càng cua, rau thối (pắc ma), rau bò khai, rau sắng, rau lủi, rau lá lồm, quanh vườn là hàng cây đu đủ, chuối rừng.

Ông Quàng Văn Cá, Trưởng làng Khơ Mú cho biết, trong ngôi nhà sàn của làng, ông cho trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, trang phục, các hiện vật gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào như: Bộ chiêng, trống, sáo, nhị, tăng bu, rổ rá, giá, nong nia…

Tại làng, đội văn nghệ, nghệ bản Tọ Cuông đã tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc nhất của dân tộc Khơ Mú như: Lễ cầu mưa, lễ mừng nhà mới, lễ tra hạt, lễ hội xên cung; giới thiệu và thực hành những trò chơi dân gian: ném còn, đanh đu, bắn nỏ. Giới thiệu các nghề thủ công như: Dệt thổ cẩm, đan lát, các loại vật dụng hàng ngày của người Khơ Mú; công việc sản xuất như: Hái chè, trồng, thu hoạch rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nghệ nhân, Trưởng làng Khơ Mú Quàng Văn Cá cùng các thành viên trong làng chuẩn bị đồ lễ làm lễ cầu mưa phục vụ khách du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Du khách đến ngôi nhà của người Khơ Mú ở Làng Văn hóa như được đến với một gia đình, được trải nghiệm cuộc sống, nếp sinh hoạt thường nhật của người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng.

Tại làng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú gây ấn tượng khó quên với du khách. Một trong những lễ hội đặc sắc, ý nghĩa nhất được tái hiện tại Làng Khơ Mú là Tê hội cơ mạ (lễ cầu mưa).

Trưởng làng Khơ Mú Quàng Văn Cá hồ hởi, nói: Ở quê, lễ hội cầu mưa thường được tổ chức vào đầu năm khi cây lúa nương lên cao một thước tay hay khi ngọn lúa phủ kín đầu gối người lớn. Còn ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thì lễ cầu mưa được tổ chức vào những ngày đầu Xuân năm mới, những ngày lễ lớn của dân tộc như dịp kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), ngày lễ 30/4, 1/5, Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5), Tết Độc lập 2/9.

Ngoài ra, khách đến tham quan có nhu cầu tái hiện một lễ hội nào đó, làng đều tổ chức phục vụ chu đáo.

Theo Trưởng làng Quàng Văn Cá, dịp kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2019, lần đầu tiên các nghệ nhân, diễn viên đội văn nghệ Làng Khơ Mú tái hiện lễ hội cầu mưa tại khuôn viên của làng. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước. Xong phần lễ, đến phần hội, ông Cá cho mở nhạc múa đã thu sẵn trong băng phát lên loa đài. Tiếng nhạc rất sôi động, nhưng mấy ông khách “Tây” lắc đầu, xua tay ra hiệu tắt loa đài. Ông khách “Tây” chỉ vào bộ nhạc cụ là ống tre, ống nứa, dàn chiêng, trống treo trên vách nhà, nét mặt không vui.

Ông “Tây” nói gì đó, cô phiên dịch cười, nói với Trưởng làng Quàng Văn Cá: Ông ấy bảo bỏ loa đài đi. Ông muốn nghe cái nhạc múa phát ra từ dụng cụ của người trình diễn, như thế mới hấp dẫn, âm thanh trên loa hay đấy nhưng không thật. Nghe vậy, tất cả du khách đều vỗ tay đồng tình. Đây là bài học quý đối với người làm du lịch cộng đồng - ông Cá thừa nhận.

Ông Quàng Văn Cá (người mặc áo đen) giao lưu, tìm hiểu về nhạc cụ - cây đàn Chapi - của tộc Raglai. Ảnh: Trung Hiếu

Hôm đó, lễ cúng thần mưa, thần gió và đội văn nghệ phải diễn đi diễn lại mấy lần để các đoàn khách nước ngoài ghi hình. Thậm chí du khách cũng nhảy vào vòng múa cầm ống tre, ống nứa dập nhịp rồi hô vang: “Khơ Mú cầu mưa. Khơ Mú tăng bu, dũ ống. Đẹp lắm, hay lắm. Yêu Khơ Mú nhiều lắm”, họ cầm máy quay giơ cao, tay chi lên trời vẫy vẫy, cười tươi.

Cô phiên dịch nói: Họ bảo, về nhà sẽ chiếu lại cảnh lễ hội hôm nay cho gia đình cùng mọi người xem.

Trưởng làng Khơ Mú cười: Mệt, nhưng vui. Tự hào lắm.

Tìm hiểu về nghệ nhân, Trưởng làng Khơ Mú Quàng Văn Cá, chúng tôi được biết, ông Cá đã 75 tuổi, là người có uy tín của bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (Mường Ảng, Điện Biên). Ông là người đã thắp “lửa”, giữ “lửa” và truyền “lửa” - bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú - trên quê hương Ẳng Tở. Và, ông cũng là người làm bừng sáng, lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ông Quàng Văn Cá kể lại, từ thời còn để tóc chỏm, ông đã khoác túi đồ nghề thầy cúng theo ông ngoại đi làm “thuốc” khi trong nhà có người ốm đau, bệnh tật; làm lễ cầu mưa, lễ tra hạt, lễ xên cung, lễ mừng nhà mới khắp các bản trong xã, trong huyện. Tại các buổi lễ, ông được xem người lớn múa tăng bu, dỗ ống, tam đa mà cái chân, cái tay của ông cứ dậm dịch. Biết cháu yêu múa, có năng khiếu về cúng lễ, ông ngoại bảo: “Để cái đầu nó vượt qua cái vách đã (nghĩa là khi lớn, đứng đầu cao hơn vách nhà), ông dạy, sau này mày thay ông giữ lấy cái nghề mà đi làm “thuốc”, làm lễ cho dân bản, học lấy bài múa mà truyền lại cho con cháu đời sau. Đấy là cái hồn của người Khơ Mú, Tọ Cuông mình đấy”.

“Cất giữ” lời dặn của ông ngoại vào tim. Năm 14 - 15 tuổi, Quàng Văn Cá đã thuộc nhiều bài cúng, bài khấn, thông thạo thủ tục các nghi lễ, biết nhiều bài hát, điệu múa. Nhưng vì ít chữ nên cái đầu không sáng, cái tay không viết lại được lời bài cúng, bài hát ra tờ giấy để học.

Ông Cá chùng giọng, kể lại: Năm 16 tuổi học hết cấp 1 (lớp 4/10). Tôi xin bố cho đi học cấp 2 nhưng bố không cho đi. Nhà nghèo quá. Bố bảo: “Mày muốn đi học thì phải lấy vợ về để nó làm nương thay mày. Không lấy vợ thì không được đi học”, bố tôi quả quyết như vậy. Phải có nhiều con chữ để giữ cái “hồn” của người Khơ Mú như lời ông ngoại căn dặn, cuối cùng tôi đồng ý lấy vợ.

Cưới vợ hôm trước, hôm sau chàng rể 16 tuổi Quàng Văn Cá xếp quần áo vào túi thổ cẩm vắt lên vai đi bộ mấy chục cây số xuống núi ra phố huyện Tuần Giáo theo học trường bổ túc văn hóa huyện.

Học hết cấp 2 (lớp 7). Về quê, chàng trai Khơ Mú Quàng Văn Cá hăng hái tham gia công tác Đoàn sau đó vào làm việc tại Văn phòng UBND xã Ẳng Tở.

Ông Cá tâm sự, bấy giờ kinh tế khó khăn lắm, lo cái ăn cái mặc đã khó còn nói gì đến múa hát, hội hè. Vì thế, nhiều phong tục tập quán, dân ca dân vũ của người Khơ Mú bị mai một. Trăn trở lắm, nhưng “một cây làm chẳng nên non”. Trong các buổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên, họp bản, đám cưới hay mừng nhà mới, ông Cá vận động mọi người hát dân ca, múa tăng bu, dỗ ống, tam đa. Nghe vậy, có người nói, cái thời buổi nào rồi mà còn cầm mấy cái gậy chọc chọc xuống đất (múa dỗ ống), gõ ống tre, thổi sáo trúc làm nhạc. Muốn nghe hát, nghe nhạc thì mở băng, mở đĩa ra…

Buồn, nhưng ông Cá không nản, đêm nằm âm thanh điệu múa, tiếng chân thậm thịch trên sàn nhà của điệu múa “tẹ ôm đing” (múa chiêng kết hợp với ống tre, nứa), “tẹ tăm đao” (đánh đao), “tẹ chư mon” (múa chọc lỗ tra hạt), “tẹ kưn vong do” (múa vòng tròn)… lại hiện lên mồn một trong đầu.

Ông Cá ngồi bật dậy xuống sân ôm bó gậy ra bày khắp sân. Ông múa một mình, khi đã thành thục, ông vận động con cháu trong họ đến nhà cùng tập múa, tập đánh trống, chiêng, chặt tre, nứa làm nhạc cụ.

Khi “đội văn nghệ” của dòng họ mềm chân, dẻo tay với các điệu múa, ông Quàng Văn Cá mổ gà làm mâm cỗ cúng tổ tiên và báo cáo với ông ngoại nơi chín suối về việc tổ chức “đêm trình diễn hồn người Khơ Mú bản Tọ Cuông” tại sân nhà.

Ông Cá lộ rõ niềm vui trên khuôn mặt rám nắng, nói: Đêm diễn đem lại thành công ngoài mong muốn, ngay sau đó Chi bộ, Ban Lãnh đạo bản Tọ Cuông đã thống nhất thành lập đội văn nghệ bản.

Ông Quàng Văn Cá được giao làm đội trưởng, hội người cao tuổi của bản có trách nhiệm phân công các cụ nguyên là cựu “diễn viên” trong bản trước đây cùng ông Cá sưu tầm, biên soạn lại những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Khơ Mú đã tồn tại từ bao đời ở bản Tọ Cuông và ở xã Ẳng Tở, truyền dạy cho thanh niên, hội phụ nữ trong bản. Từ đó, phong trào văn nghệ, hát dân ca, dân vũ trở thành nếp sinh hoạt thường nhật của người dân Khơ Mú, bản Tọ Cuông.

Đội văn nghệ của bản do ông Quàng Văn Cá làm đội trưởng bắt đầu có tiếng vang khắp huyện, khắp tỉnh.

Đội đã tham gia và dành nhiều giải tại các hội thi, Ngày hội Văn hóa thể thao du lịch cấp tỉnh, cấp huyện.

Người phụ nữ dân tộc Khơ Mú luôn gìn giữ, sử dụng trang phục dân tộc không chỉ trong lễ hội mà cả trong sinh hoạt, lao động. Ảnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Niềm vui, niềm tự hào lớn nhất của bản Tọ Cuông, của người dân Khơ Mú, xã Ẳng Tở là đội văn nghệ của bản vinh dự đại diện cho dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên và dân tộc Khơ Mú các tỉnh phía Bắc về hội tụ cùng 54 dân tộc anh em cả nước tại ngôi nhà chung - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tại ngôi nhà chung của làng, nghệ nhân Quàng Văn Cá và 6 thành viên đội văn nghệ Tọ Cuông đã tạo dựng, tái hiện lại không gian Làng Khơ Mú sinh động, thể hiện đời sống tinh thần phong phú, lạc quan. Làm tỏa sáng bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc Khơ Mú với du khách trong nước và quốc tế.

Về làng, không chỉ phục dựng, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú, Trưởng làng Quàng Văn Cá còn giao lưu học hỏi về bản sắc văn hóa, dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các dân tộc khác như: Tày, Cơ Tu, Ê Đê, Raglai…

Ý nguyện lớn nhất của nghệ nhân Quàng Văn Cá là sẽ sưu tầm, biên soạn chắt lọc những nét tinh túy nhất của bản sắc văn hóa phi vật thể dân tộc Khơ Mú trên quê hương Mường Ảng từ đó bảo tồn, gìn giữ để cái “hồn” người Khơ Mú ngày càng phát triển, tỏa sáng trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thông tin từ Phòng Di sản văn hóa, Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên, mới đây, nghệ thuật múa của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Quàng Văn Cá được Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm