Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người lưu truyền văn hóa người H’mông

Chủ nhật, 29/01/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Sinh năm 1933 tại thôn Sính Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, Thào A Dín được ví như “vua” khèn vì hiếm có người sánh nổi. Ở tuổi 84 rồi mà ông vẫn “ăn khèn, ngủ khèn”. Ông là người có công lưu truyền, phát triển văn hóa người H’mông, đặc biệt là các bài khèn.

“Vua khèn” Thào A Dín biểu diễn. Ảnh: TQ

Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín nói tiếng Kinh không sõi nên cuộc trò chuyện của chúng tôi phải nhờ đến “phiên dịch viên” Thào A Hầu, con trai ông.

Tay cầm khèn, ông nhớ lại, năm 12 tuổi, với bản tính “tò mò”, ham học hỏi và có chút năng khiếu, ông bắt đầu theo học các bài khèn, các nghi lễ, phong tục tập quán của thôn, của vùng. Thời bấy giờ, trong thôn, xã, gia đình nào có tang gia, cưới hỏi, chỗ nào có lễ hội… là ông lại theo các thầy khèn, thợ trống đến vừa giúp đỡ họ vừa học các điệu múa, các bài khèn của các thầy.

Năm lên 17 tuổi, được biết tít tận huyện Sí Mần, tỉnh Hà Giang có thầy khèn nổi tiếng Thào A Pao, ông đã lặn lội đến để xin học. Tại đây, ông được thầy Thào A Pao chỉ bảo tận tình các kỹ thuật lấy hơi, bấm nút và các động tác di chuyển đối với từng thể loại. Không lâu, ông đã biểu diễn thành thục được các bài khèn trong đám ma tươi, đám ma khô, bài khèn vượt biển (múa khèn trên miệng chảo thắng cố), bài khèn trong lễ hội gầu tào…

Sau 1 năm “tu nghiệp”, ông đã thành thạo hầu hết các bài khèn và được dân làng “phong” cho danh hiệu “thầy khèn”.

Một buổi truyền dạy về thổi khèn bài nhảy khèn của Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín. Ảnh: TQ

Tiếng tăm nổi lên từ đó và ông luôn được người dân trong vùng mời làm chủ tang “chí kềnh” (đám ma tươi, đám ma khô, hay lễ nhù đà) và làm chủ tào (chí tào) trong lễ hội gầu tào.

“Theo lời các cụ kể, người H’mông chúng tôi phải thổi và sử dụng 72 bài khèn cho một người chết thì mới đủ lý”, ông Dín cho biết.

Đến nay, ông đã múa và thổi khèn thành thục khoảng 150 bài với kỹ thuật cao như bài khèn: Tỏ tình, đám cưới, lễ hội, đám trang… Hát thành thạo khoảng 100 bài dân ca về lao động sản xuất như: Dân ca giao duyên, hát tỏ tình, hát gầu tào trong lễ hội gầu tào, hát ru con,  hát mừng bạn đến… Múa được 20 bài võ dân tộc: Múa quyền tay không, múa câu liêm, múa gậy, múa võ bằng khèn… Đọc thông thạo trên 130 truyện: Truyền thuyết nguồn gốc của người H’mông, truyền thuyết về Xi Vưu, truyện cổ tích về sự ra đời của cây khèn, sáo, nhị… Và, lưu giữ khoảng 200 bài cúng: Cúng tổ tiên, cúng Tết, cúng về nhà mới, cúng ruộng, cúng nương…

Cả cuộc đời gần như gắn với cây khèn, bên cạnh việc trình diễn cống hiến, ông đã truyền dạy thành tài cho 155 người. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành những “chí kềnh”, “chí tào” có hạng như: Thào A Chứ; Thào A Sớ; Giàng A Chứ; Tráng A Khua…

Ngoài việc “hành nghề”, các “chí kềnh”, “chí tào” đang thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người H’mông qua tiếng khèn, điệu múa.

Khèn có mặt ở bất cứ lễ hội nào của người H’mông. Ảnh: TQ

Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, song ông vẫn đau đáu trong lòng, muốn được đến những địa phương có người H’mông sinh sống để tiếp tục sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy các tập tục, bản sắc văn hóa của người H’mông cho thế hệ mai sau.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, ngày 13/11/2015, Thào A Dín vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Trước đó, vào năm 2013, Thào A Dín vinh dự được nhận Bằng “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Ông Tháo A Sàn, cán bộ văn hóa xã Sín Chéng cho biết, cái lý của người H’mông ngày xưa là đàn ông phải biết thổi khèn và phải thổi khèn hay mới có bạn gái. Tuy nhiên, có một thời gian người H’mông không bảo vệ được cái lý đó. Có thời điểm người H’mông ít quan tâm đến tiếng khèn, điệu nhảy nên có phần mai một. Nghệ nhân ưu tú Thào A Dín là người có công lưu truyền, phát triển văn hóa người H’mông, đặc biệt là các bài khèn.

“Vua khèn” Thào A Dín là người trực tiếp tham gia công tác bảo tồn, truyền dạy các bài khèn, bài múa khèn, phong tục tập quán cho các thế hệ trẻ ở trong và ngoài xã, là người có công gìn giữ và phát huy các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào người H’mông đang có nguy cơ bị mai một. Ông cũng đã tham gia vào Dự án Khôi phục và truyền dạy điệu múa khèn vượt biển của người H’mông trắng ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng. Ông Dín còn phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cung cấp tư liệu văn hóa truyền thống của người H’mông trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đặc biệt là các điệu múa khèn truyền thống - ông Nguyễn Hữu Hưởng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Si Ma Cai cho biết.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm