Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người giữ lửa cho dân ca ví, giặm

Hoàng Hiệp - Quốc Bảo

Thứ bảy, 08/02/2025 - 06:24

(Thanh tra) - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, chứa đựng hồn cốt, tinh thần của người dân xứ Nghệ. Giữa dòng chảy của thời gian và sự xâm nhập mạnh mẽ của âm nhạc hiện đại, dân ca ví, giặm vẫn trường tồn, không ngừng lan tỏa nhờ những người giữ lửa tận tụy như Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Bích Thủy.

Nghệ nhân ưu tú, nhà giáo Lê Thị Bích Thủy, sinh năm 1970 tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Quốc Bảo

Với hơn ba thập kỷ gắn bó, nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy đã không ngừng nỗ lực để gìn giữ và truyền dạy loại hình nghệ thuật này, mang lại sức sống mới cho dân ca ví, giặm trong lòng thế hệ trẻ và cộng đồng.

Từ mạch nguồn gia đình đến hành trình lan tỏa dân ca

Sinh ra tại mảnh đất Nam Đàn, Nghệ An, nghệ nhân Bích Thủy bén duyên với dân ca ví, giặm từ thuở nhỏ. Những câu hát giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng từ bà và mẹ đã trở thành mạch nguồn đầu đời nuôi dưỡng tình yêu đối với dân ca trong tâm hồn bà. Lớn lên, tình yêu ấy ngày càng lớn mạnh và trở thành động lực để bà bước chân vào hành trình gìn giữ và lan tỏa di sản.

Bắt đầu từ năm 1986, bà Thủy đã dành trọn tâm huyết để vừa biểu diễn, vừa truyền dạy, mang dân ca ví, giặm đến gần hơn với thế hệ trẻ. Trong suốt 28 năm thực hành di sản, bà đã truyền dạy cho hơn 10.830 học sinh qua nhiều thế hệ.

Bà Thủy không chỉ dừng lại ở vai trò nghệ nhân biểu diễn mà còn đưa dân ca vào trường học, biến những câu hát dân ca thành bài học giáo dục giàu tính nhân văn. Theo bà, bước đầu dạy hát dân ca cho lớp trẻ cần chọn những làn điệu dễ hát, dễ nhớ, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Những bài hát có nội dung nhẹ nhàng, vui vẻ sẽ tạo được ấn tượng ban đầu, giúp các em dễ dàng cảm nhận được sự phong phú và ngọt ngào của các làn điệu dân ca quê hương. Qua những bài hát mộc mạc nhưng gần gũi ấy, các em dần yêu thích và trân trọng hơn giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Nhờ sự sáng tạo và tận tâm, người nghệ nhân đã lồng ghép dân ca vào các tiết học ngoại khóa, các buổi sinh hoạt ở trường và cả chương trình địa phương tự chọn. Những nỗ lực ấy đã giúp các em học sinh không chỉ yêu dân ca mà còn hiểu rõ giá trị văn hóa, lịch sử ẩn chứa trong từng lời ca.

“Đưa dân ca vào trường học rất hiệu quả. Sau mỗi tiết dạy, tôi thấy các bạn học sinh đều có thể hát được. Những em có năng khiếu còn thể hiện được các làn điệu từ dễ đến khó một cách thuần thục,” bà chia sẻ với niềm tự hào.

Không dừng lại ở giảng đường, bà Thủy còn tích cực tham gia xây dựng và phát triển các câu lạc bộ dân ca tại địa phương. Bà đã trực tiếp truyền dạy và hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ như CLB Dân ca Hương Sen (huyện Nam Đàn) và CLB Dân ca xã Kim Liên, bên cạnh đó bà còn là chủ nhiệm CLB Búp Sen Xanh dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Các CLB này không chỉ trở thành nơi giao lưu nghệ thuật mà còn là điểm tựa để giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Bà Thủy còn tổ chức các lớp truyền dạy dân ca cho mọi lứa tuổi tại huyện Nam Đàn và xã Kim Liên, từ trẻ em, học sinh cho đến người lớn tuổi. Đặc biệt, bà đã chuyển thể nhiều tác phẩm văn học và câu chuyện cổ tích tiêu biểu sang dân ca ví, giặm, mang lại hơi thở mới mẻ và hấp dẫn trong cách truyền đạt văn hóa dân gian.

Bên cạnh đó, bà còn tham gia biên soạn lời mới cho các làn điệu dân ca, hướng dẫn các thành viên câu lạc bộ tham gia các cuộc thi hát dân ca cấp tỉnh, huyện và đạt nhiều thành tích ấn tượng. Bằng tình yêu nghệ thuật và phương pháp giảng dạy sáng tạo, bà đã truyền cảm hứng cho không ít học trò, giúp họ tiếp bước trên con đường gìn giữ di sản dân tộc.

Em Nguyễn Công Minh (13 tuổi, Nam Đàn, Nghệ An), một trong những học trò xuất sắc của bà, đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi dân ca, bày tỏ: “Nhờ cô Thủy, em hiểu rằng dân ca ví, giặm không chỉ là âm nhạc mà còn là cách để bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước”.

Trong hành trình hơn ba thập kỷ gắn bó với dân ca ví, giặm, nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Dưới sự dẫn dắt của bà, đội văn nghệ ngành Giáo dục huyện Nam Đàn đã ba lần liên tiếp giành giải nhất toàn đoàn tại hội thi hát dân ca trong trường học cấp tỉnh vào các năm 2014, 2017 và 2023.

Năm 2013, bà được trao danh hiệu Nghệ nhân Dân gian bởi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Đặc biệt, năm 2015, bà nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, minh chứng cho những cống hiến không ngừng nghỉ cho di sản văn hóa dân ca ví, giặm.

Năm 2015, bà Lê Thị Bích Thủy được nhà nước trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Ảnh: Quốc Bảo

Vào tháng 7/2023, hai tác phẩm do bà soạn lời là “Thiếu nhi làm theo lời Bác” và chuyển thể câu chuyện cổ tích “Cây khế” đều đạt giải A tại hội thi liên hoan dân ca ví, giặm cấp cụm và huyện. Tháng 12/2024, bà tiếp tục đạt giải C cuộc thi sáng tác, soạn lời dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh do Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức.

Không chỉ đạt thành tích cá nhân, bà còn góp phần đào tạo nên nhiều học trò giỏi, giành giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh, huyện và nhiều học trò của bà vinh dự được biểu diễn cùng các nghệ sĩ lớn của tỉnh. Những đóng góp của bà đã góp phần khẳng định vị thế của dân ca ví, giặm trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Thách thức và niềm tin vào sức sống của dân ca

Trong bối cảnh các loại hình âm nhạc thị trường đang chiếm ưu thế, việc giúp giới trẻ tiếp cận và yêu thích dân ca gặp không ít khó khăn. Để tránh tình trạng các em nhàm chán, cho rằng dân ca là dòng nhạc khó hát và khô khan, người giữ lửa phải không ngừng trăn trở, tìm ra những giải pháp phù hợp.

Một khó khăn khác là nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn dân ca còn hạn chế, đặc biệt ở vùng nông thôn. Ngoài giờ lao động vất vả, các thành viên trong câu lạc bộ dân ca khó có thể tham gia thường xuyên. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của các cấp, các ban ngành, các cuộc thi dân ca và hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức thường xuyên.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh âm nhạc hiện đại phát triển mạnh mẽ, bà Thủy luôn tin tưởng vào sức sống bền bỉ của dân ca ví, giặm. Bà chia sẻ: “Dân ca ví, giặm không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là hơi thở, là đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ. Chính những giá trị nhân văn, tinh thần yêu quê hương, đất nước ẩn chứa trong từng làn điệu đã làm nên sức sống mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này”.

Bà cũng nhấn mạnh rằng, để dân ca ví, giặm tiếp tục trường tồn, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc bảo tồn, truyền dạy đến lan tỏa giá trị trong đời sống hiện đại. Những nỗ lực của bà không chỉ nhằm gìn giữ di sản mà còn truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và yêu dân ca như một phần máu thịt của quê hương.

Với vai trò vừa là nghệ nhân, vừa là nhà giáo, bà Lê Thị Bích Thủy không chỉ biểu diễn mà còn kể lại câu chuyện quê hương qua từng lời ca, điệu nhạc. Những giai điệu mộc mạc nhưng sâu sắc ấy đã trở thành cầu nối, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và ý thức gìn giữ di sản.

Những người như bà Thủy chính là linh hồn của dân ca ví, giặm, giữ cho những làn điệu ấy mãi vang vọng, trường tồn cùng thời gian. Hành trình của bà là minh chứng cho tình yêu, niềm tin và sự cống hiến không ngừng nghỉ, để dân ca ví, giặm mãi là di sản văn hóa sống động trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thăng hoa cảm xúc cùng những kiệt tác âm nhạc cổ điển và lãng mạn

Thăng hoa cảm xúc cùng những kiệt tác âm nhạc cổ điển và lãng mạn

(Thanh tra) - Tối ngày 20/3, Nhà hát Hồ Gươm trở thành điểm hẹn của những tâm hồn yêu nghệ thuật khi Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội mang đến đêm nhạc "Những kiệt tác của Chủ nghĩa Cổ điển & Lãng mạn". ROX Group và MSB là hai đơn vị đồng hành góp sức đưa tinh hoa âm nhạc đến với khán giả Việt.

Thu Nga

14:58 21/03/2025
Thanh Hoá: Lễ hội Cầu Ngư năm 2025 tại huyện Hậu Lộc

Thanh Hoá: Lễ hội Cầu Ngư năm 2025 tại huyện Hậu Lộc

(Thanh tra) - Sáng 21/3 (tức ngày 22/2 năm Ất Tỵ), đã khai mạc Lễ hội Cầu Ngư năm 2025, thu hút đông đảo các đại biểu và Nhân dân, những người con xa quê, du khách thập phương về dự. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu nhất của ngư dân vùng biển xứ Thanh tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Hương Trà

14:55 21/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm