Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người giữ hồn cây đàn Chapi

Thứ sáu, 03/05/2019 - 13:50

(Thanh tra) - “... Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống bình yên/Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi/Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai...”. Tiếng hát cất lên từ ngôi nhà sàn “bay” qua cửa sổ hòa vào không gian, bồng bềnh theo gió làm nao lòng du khách...

Ông Chama Lếa Giấp với chiếc khèn bầu.

“... Vì một giấc mơ, ôi Chapi, ôi Chapi...”, giọng hát trầm xuống rồi dừng lại chỉ còn tiếng đàn Chapi rung nhẹ bập bùng như ngọn lửa trên bếp tỏa hơi ấm đầy ắp ngôi nhà sàn. 

Tôi bước nhẹ lên cầu thang, ông Chama Lếa Giấp dừng tay, đặt cây đàn Chapi lên bàn, khẽ gật đầu chào khách.

“Mình vừa tiếp một đoàn khách nước ngoài, họ mua mấy cây đàn Chapi, làm kỷ niệm. Trước khi mua, họ bảo mình hát, múa, đàn cho họ nghe. Xem mình biểu diễn xong, họ thích lắm”, ông Giấp mở đầu câu chuyện, giọng rất vui. 

Ông cho biết: Ông ở Làng dân tộc Raglai này (tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam) đã bốn năm, ngày nào cũng có khách tham quan du lịch đến thăm Làng. Nhu cầu của khách là muốn nghe mình giới thiệu về văn hóa dân tộc người Raglai của mình.

Ông Giấp kể: Ngày đầu ra Làng văn hóa, khi múa, hát cho khách xem, anh chị em đội văn nghệ của Làng trang điểm, phấn son mượt mà, đi dày, dép đẹp, cầu kỳ lắm, nhưng khách xem xong, họ lắc đầu, nói: Múa đẹp lắm, đàn, hát hay lắm, nhưng người làm đẹp quá, không thật như con người Raglai ở Tây Nguyên, không hấp dẫn. Hỏi mới biết, họ đến với Làng Raglai là muốn được tận hưởng cái đặc sắc, độc đáo, cái tinh hoa riêng biệt của văn hóa dân tộc Raglai. Cái chân chất, mộc mạc nhưng dũng mãnh, khí phách, tức là cái thật của con người Raglai nơi núi rừng Tây Nguyên, chứ không phải để xem diễn viên múa, hát. Từ đó, mỗi khi múa hát phục vụ khách, anh em không trang điểm cầu kỳ nữa mà cứ múa, hát tự nhiên như ở buôn mình. Với nghệ nhân Chama Lếa Giấp thì đây là bài học quý trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông.

Ông Chama Lếa Giấp sinh năm 1964 tại buôn Đầu Suối A, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. 

Năm ông mới hơn 3 tuổi, bố đi bộ đội, mẹ đi thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, ông sống với ông bà nội. 

Ngay từ bé, Chama Lếa Giấp đã được ông nội chuyền cho nghề chế tác đàn, chơi đàn Chapi, khèn Bầu, khèn Tôva. 

Năm 10 tuổi, Chama Lếa Giấp đã chơi đàn Chapi, khèn bầu không thua kém gì các già làng, chàng trai trong buôn.

Sau ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất (năm 1975), Chama Lếa Giấp được chính quyền xã cử đi học tại Trường Bổ túc văn hóa huyện Thuận Bắc. 

Học hết lớp 8, ông về làm cán bộ Đoàn buôn Đầu Suối A và tự nguyện làm thầy giáo đi dạy chữ cho các cháu trong bản, trong xã. 

Ngoài dạy chữ, ông Giấp còn dạy các cháu múa, hát những làn điệu dân ca của dân tộc Raglai. Tối, ông đến từng nhà trong buôn vận động thanh niên đến nhà học đánh đàn Chapi, thổi khèn Bầu, khèn môi, khèn Tôva. Vì thế nhà ông tối nào cũng đông vui.

Cái hồn của cây đàn Chapi và các nhạc cụ của người Raglai đã thấm vào máu, vào tim ông Chama Lếa Giấp từ thuở niên thiếu. Ông còn nhớ, năm ông mới 6 - 7 tuổi, giặc Mỹ ném bom, càn quét vào buôn hàng trăm lần, chúng đốt phá nhà cửa, thóc lúa, bắn giết trâu bò nhưng không thể đốt cháy được một cây đàn Chapi. Giặc đi rồi, tiếng đàn Chapi lại ngân vang dập dìu bên bếp lửa của người Raglai.  

Ông Chama Lếa Giấp tâm sự: Với người Raglai, cây đàn Chapi là kỷ vật không thể thiếu vắng trong nhà. Nhà giàu thì có cồng chiêng, đàn đá, nhà nghèo mấy cũng phải có cây đàn Chapi. Cây đàn Chapi gắn bó với người Raglai từ bao đời nay. Lên nương, người Raglai cõng cây đàn sau lưng. Xuống chợ, người Raglai ôm cây đàn Chapi trong lòng. Ngày lễ, Tết, cưới hỏi, hội hè đều có mặt cây đàn Chapi. Với người Raglai, không có tiếng đàn Chapi là thiếu vắng tiếng cười, không có niềm vui.  

Ông Chama Lếa Giấp cho biết: Năm ông 15 tuổi thì ông nội mất, trước khi mất, ông nội nắm tay Chama Lếa Giấp căn dặn: Cây đàn Chapi là cái hồn của người Raglai, cháu phải giữ lấy nó, phải chuyền cho mọi người cùng giữ lấy, đừng để buôn làng vắng tiếng đàn Chapi, vắng tiếng khèn Bầu, khèn Tôva.

Ghi nhớ lời ông nội, Chama Lếa Giấp đã dồn toàn tâm toàn lực vào việc chế tác đàn Chapi, khèn Bầu, làm được cây đàn nào ông lại đem chia cho các gia đình trong buôn, các nhà trong xã. 

Ông Chama Lếa Giấp còn mở lớp dạy đàn Chapi và các nhạc cụ dân tộc Raglai cho thanh thiếu niên trong buôn và các buôn trong xã, trong huyện. 

Năm 40 tuổi, ông Chama Lếa Giấp được công nhận là nghệ nhân nhạc cụ dân tộc Raglai cấp huyện, và là thành viên trong Đoàn Nghệ nhân nhạc cụ dân tộc Raglai của tỉnh Ninh Thuận.

Ông Chama Lếa Giấp đang chế tác đàn Chapi

Ông Chama Lếa Giấp tự hào nói: Mình đã đi hết tất cả các buôn của người Raglai trong tỉnh để dạy bà con, nhất là lớp trẻ về cây đàn Chapi, khèn bầu, khèn Tôva. Có những chuyến đi kéo dài cả tháng không về đến nhà. Đi đến buôn nào mình cũng làm đàn Chapi để phân phát cho bà con. Mình say, mình yêu cây đàn Chapi, say nhạc cụ của người Raglai đến quên cả lấy vợ.

Ông Chama Lếa Giấp nói rằng, khi còn trai trẻ, nhiều cô gái mê ông lắm, nhưng ông chưa muốn lấy vợ. "Lấy người ta về mà mình cứ đi biền biệt cả tháng thì thương nó lắm, nay đã ở cái tuổi 65, mình sống độc thân vậy thôi, hàng ngày lấy cây đàn Chapi, cái khèn bầu, khèn Tôva làm bạn. Niềm vui lớn nhất của mình là bây giờ trong mỗi ngôi nhà của người Raglai ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, dù nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều có cây đàn Chapi. Và, tất cả người Raglai, dù đã già hay trẻ đều biết chơi đàn Chapi là mừng lắm rồi”.

Với công lao, tinh thần nhiệt huyết trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Raglai, năm 2014, ông Chama Lếa Giấp đã vinh dự được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cấp Bằng Công nhận Nghệ nhân Nhân dân các loại nhạc cụ dân tộc Raglai. 

Năm 2015, ông Chama Lếa Giấp được cử làm Trưởng Làng Raglai, đại diện cho dân tộc Raglai 4 tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.

Hơn 4 năm gắn bó với Làng Raglai ở Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Chama Lếa Giấp đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt là các nhạc cụ của dân tộc Raglai đến với du khách trong và ngoài nước.

“... Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn không vui/Tôi nghe Chapi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơ, ôi Chapi”... Tiễn tôi ra cầu thang, ông Chama Lếa Giấp khẽ cất tiếng hát thay lời chào. Cái chất của người Raglai là thế.

Đức Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm