Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người có công lưu truyền chữ Nôm Dao

Trần Quý

Thứ bảy, 05/02/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Không phải gốc dân tộc Dao, nhưng ông Triệu Nguyên Minh đã có nhiều tâm huyết, gắn bó, cống hiến và đã trở thành nghệ nhân ưu tú trong việc lưu truyền chữ Nôm Dao.

Nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh đang dạy học cho các học trò. Ảnh: TQ

Nghệ nhân Triệu Nguyên Minh sinh năm 1934 tại tỉnh Thái Bình.

Năm 1945, ông lưu lạc lên tỉnh Lào Cai và làm con nuôi trong một gia đình người Dao ở xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Do không biết tiếng Dao, nên ngay từ khi đến, ông đã theo học chữ, học tiếng và các phong tục, tập quán của người Dao. Từ đó đến nay, ông gắn bó và trở thành người dân tộc Dao.

Được theo học các thầy bài bản nên ông tinh thông các sách và thuộc lòng các nghi lễ, các bài cúng, bài hát truyền thống của dân tộc Dao và bắt đầu thực hành các nghi lễ đơn giản như cúng tổ tiên, cúng thanh minh, rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán...

Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, ông cũng quan sát, tham dự toàn bộ các phong tục, tập quán của dân tộc Dao như cưới xin, ma chay, lễ hội, các bài hát, điệu múa và các tri thức dân gian trong lao động sản xuất, kinh nghiệm làm nhà ở, các bài thuốc chữa bệnh...

“Thấy trong xã thiếu thầy thuốc để phục vụ người dân nên tôi chủ động xin đi học ngành Y. Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, từ năm 1965 đến năm 1967, tôi đi học lớp y tá tại tỉnh Yên Bái, tốt nghiệp trở về làm Trưởng Trạm Y tế xã Nậm Dạng. Đến tháng 5/1988 tôi nghỉ chế độ hưu trí” - ông Minh cho biết.

Nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh miệt mài lưu lại chữ Nôm Dao cho đời sau. Ảnh: TQ

Làm thầy ở tuổi 57

Ông Minh cho biết, nhận thấy chữ viết của người Dao có nguy cơ mai một, trong xã và các địa phương lân cận không có người truyền dạy chữ cho con cháu. Theo quy định của người Dao thì không được mở lớp dạy học nếu chưa được thầy truyền lại cách dạy học. Vì vậy, vào năm 1990, ông đi cầu thầy Triệu Dâng Vượng ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng truyền cho ông cách dạy học. Sau khi thầy Vượng truyền cho cách dạy chữ, cuối năm 1990, ông bắt đầu mở một lớp dạy chữ cho con cháu trong xã. Hơn một tháng sau, ông có 45 học trò đến nhập học.

“Từ năm 2005 đến nay, tôi tiếp tục mở thêm 9 lớp học, có gần 300 học trò đến học. Từ năm 2017, do tuổi cao sức yếu, tôi không còn trực tiếp đứng lớp dạy học như trước, mà chỉ hướng dẫn được 10 học trò về các nghi thức hành lễ, các bài cúng, bài hát, các bước thực hiện trong các nghi lễ. Các lớp học, tôi đều mở tại nhà, các học trò đến ăn ở cùng gia đình trong suốt thời gian học, có những lớp kéo dài hơn một tháng. Học trò đến học mang theo gạo, giấy, bút, còn sách học do tôi chép và soạn giảng. Có nhiều học trò từ các xã khác đến học như: Thẩm Dương, Dần Thàng, Nậm Tha, Tân An, Sơn Thuỷ (huyện Văn Bàn), xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng). Tôi có quy định là không nhận các học trò đang là học sinh để không làm ảnh hưởng đến việc học phổ thông của các em” - ông Minh cho biết.

Nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh đang làm nghi lễ. Ảnh: TQ

Theo ông Minh, để đọc thông, viết thạo, thực hành được các nghi lễ, các bài cúng, các học trò phải theo học 2 - 3 năm liên tục, năm đầu tiên ông chỉ dạy chữ cho các học trò học thuộc, tập viết các nét chữ, dịch nghĩa của các từ với các cuốn sách như “Pó Lý”, “Sâu khai”, “Chằn quáng”. Khi học từ 1 - 2 tháng, các trò về nhà tự luyện đọc, luyện viết, chỗ nào chưa hiểu thì đến nhà, ông chỉ bảo thêm.

“Có trên 80% học trò sau khi học xong chữ tiếp tục học các nghi lễ, cúng tổ tiên, rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán, các bài hát, các bước tiến hành trong đám cấp sắc 3 đèn và 7 đèn, đám tang... Điều đáng mừng là các học trò theo học đều trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội. Đơn cử học trò Triệu Kim Hin, Bàn Thừa Hương, Phùng Kim Định…” - ông Minh nói.

Chữ Nôm Dao là kiểu chữ tượng hình, đòi hỏi người học phải nhận biết được từng nét chữ, tập viết nhiều lần đối với những chữ khó có nhiều nét, nhiều chữ ghép lại. Các nghi lễ, bài cúng, bài hát, điệu múa của người Dao rất phong phú, đa dạng nên người học phải mất nhiều thời gian, công sức. Nếu không tâm huyết, kỳ công sẽ không đạt được như mong muốn.

Hơn 30 năm qua, ông Minh đã miệt mài nghiên cứu và dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa người Dao. Hiện, ông đang lưu giữ hơn 100 cuốn sách viết bằng chữ Nôm Dao. Trong đó có rất nhiều sách có giá trị về lịch sử. Đặc biệt, có những cuốn sách ghi lại những hiện tượng tự nhiên, các nghi lễ phong tục tập quán, những cuốn sách cổ hướng con người sống chân, thiện, mỹ.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày, ông vẫn làm bạn với những trang sách Nôm Dao. Ông vẫn thường xuyên nghe đài để trau dồi thêm kiến thức, tham khảo cách làm hay rồi hệ thống, sắp xếp lại những giá trị trong kho tàng sách cổ theo tư duy logic mới để người đọc tiếp cận một cách dễ dàng nhất.

Tiếp nối niềm đam mê văn hóa Dao của bố mình, 8 người con trai của ông Minh, ai cũng giỏi chữ Nôm Dao và đều là những thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Người con trai út của ông Minh là anh Triệu Kim Hữu còn có thể sáng tác bài hát Dao bằng chữ Nôm và tự mình làm được những nghi lễ cao nhất của một thầy cúng theo truyền thống.

Một học trò đang được nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh dạy học. Ảnh: TQ

Những cống hiến đã được ghi nhận

Anh Triệu Kim Tình, con trai và cũng là học trò của ông Minh, cho biết: Sau khi nghỉ chế độ, bố tôi bắt đầu nghiên cứu sâu văn hóa người Dao. Hiện, ông tuổi đã cao, sức đã yếu, vốn tri thức mà ông để lại là rất lớn, chúng tôi có trách nhiệm tiếp tục lưu truyền cho những đời sau.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai tiếc nuối, hiện nay, do giao thoa nhiều luồng văn hóa, lớp nghệ nhân am hiểu văn hóa Dao như ông Triệu Nguyên Minh không còn nhiều. Chính vì vậy mà việc truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa dân tộc Dao như ông Minh đã và đang làm là việc làm rất đáng trân quý, được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận.

“Với những cống hiến, những giá trị văn hóa người Dao mà Nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh để lại là vô giá. Do vậy, chúng ta phải có trách nhiệm lưu giữ, lưu truyền và phát huy để văn hóa dân tộc Dao mãi được lưu truyền” - ông Thắng khẳng định.

Nghệ nhân ưu tú Triệu Nguyên Minh đang làm nghi lễ. Ảnh: TQ

Với sự cống hiến không biết mệt, trong những năm qua, ông Triệu Nguyên Minh đã được các cấp tặng thưởng nhiều danh hiệu.

Tháng 12/2012, ông được Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn tặng giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Trước đó, tháng 4/2012, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương “vì sự phát triển các dân tộc”…

Đáng chú ý, ngày 8/3/2019, ông vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 355/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đây vừa là phần thưởng cao quý, vừa là động lực để ông Triệu Nguyên Minh tiếp tục truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao cho con cháu muôn đời sau.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm