Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 27/04/2011 - 09:26
(Thanh tra) - Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía Đông Nam 11 km, là danh thắng nổi tiếng quần thể Ngũ Hành Sơn. Nơi đây nổi bật như một điểm nhấn trên hành trình khám phá vùng đất miền Trung theo con đường di sản...
Không biết tự bao giờ, 5 ngọn núi đá giữa vùng đồng bằng cát trắng xứ Quảng này đã được đặt tên là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc là quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, 5 đỉnh núi được tạo hóa khéo léo sắp đặt theo cấu trúc “tam thiên, lưỡng địa” gồm: Thủy Sơn, Mộc Sơn ở phía Đông; Kim Sơn, Thổ Sơn, Hỏa Sơn ở phía Tây. Giữa chốn “bồng lai tiên cảnh” này là sự hòa quyện giữa chùa chiền tĩnh mịch, hang động linh thiêng.
Cao nhất trong Ngũ Hành Sơn là Ngọn Thuỷ Sơn 106m, sườn núi dốc đứng cheo leo. Thuỷ Sơn nằm trên dải đất hình thuẫn, theo hướng Đông Tây, rộng chừng 15 ha. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại đá cẩm thạch có nhiều màu sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm..., không cứng lắm và là chất liệu rất tốt cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí.
Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng, giống 3 ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Đại Hùng tinh nên có tên là núi Tam Thai. Ngọn cao nhất ở phía Tây Bắc gọi là Thượng Thai, ngọn phía Nam thấp hơn gọi là Trung Thai và ngọn phía Đông thấp nhất gọi là Hạ Thai.
Ở ngọn Thượng Thai có Vọng Giang Đài, Tháp Phổ Đồng, Chùa Từ Tâm, Chùa Tam Tâm, Chùa Tam Thai, Hành Cung, Động Hoả Nghiêm, Động Huyền Không, Động Linh Nham và Động Lăng Hư. Ngọn Trung Thai có hai cổng Động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các Động Vân Thông, Thiên Long, Hang Vân Nguyệt. Ngọn Hạ Thai có Vọng Hải Đài, Chùa Linh Ứng, Động Ngũ Cốc, Tàng Chân và phía dưới núi là Giếng Tiên và Động Âm Phủ.
Thăm chùa chiền và hang động Thuỷ Sơn, du khách có thể đi bằng hai đường là đường tam cấp 156 bậc phía Tây Nam dẫn lên chùa Tam Thai, hoặc tam cấp 108 bậc phía Đông dẫn đến Chùa Linh Ứng. Leo khoảng giữa đường tam cấp phía Tây sẽ gặp cổng ngoài của Chùa Tam Thai, từ cổng chùa rẽ trái, vòng hướng Chùa Từ Tâm, Chùa Tam Tâm và Phổ Đồng, và Vọng Giang Đài. Ở đây có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu rộng 1m, cao 2m dựng trên một nền đế rộng. Trên mặt bia khắc 3 chữ Hán lớn “Vọng Giang Đài” (Đài ngắm sông) và một dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm dựng bia “Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật' (Năm Minh Mạng thứ 18, tháng 7, ngày tốt). Từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng đồng ruộng mênh mông của Đà Nẵng, Quảng Nam và các con sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh.
Chùa Tam Thai là một ngôi chùa được xem là Quốc tự và là di tích Phật giáo. Theo sử liệu, năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây lại chùa Tam Thai. Chùa có 9 tượng và 3 chuông lớn. Men theo một con đường đất sau chùa Tam Thai sẽ gặp một cổng vôi cổ kính không biết xây từ bao giờ, trên có 3 chữ Hán “Huyền Không Quan”. Đây là cửa vào Động Hoả Nghiêm và Động Huyền Không. Trong Động Huyền Không có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Động Huyền Không là hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Núi hình tròn nên mái động cũng hình vòm, nền bằng phẳng, không có măng đá và nhũ đá, trên vòm có 5 lỗ lớn nhỏ có thể trông thấy bầu trời. Vách động có bọt đá tạo nên những hình thù kỳ thú.
Từ sau Chùa Tam Thai, du khách đi về phía Đông sẽ gặp cụm hang động Trung Thai. Cụm này có Động Thiên Phước Địa, Hang Vân Nguyệt và Động Vân Thông. Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ “Ngũ Uẩn Sơn”, giữa động có một tượng Phật rất lớn. Sau lưng tượng là đường lên động, càng vào sâu càng hẹp và hướng lên đỉnh núi, phải bám vào các tảng đá mới bò lên được, cuối động là miệng thông ra đường kính khoảng hơn 1m. Ánh sáng từ đỉnh rọi vào động tạo ánh hào quang rực rỡ. Đứng trên đỉnh động có thể bao quát cả một vùng đồng ruộng, sông biển.
Cụm chùa chiền hang động Hạ Thai gồm có Vọng Hải Đài, Chùa Linh Ứng, Động Tàng Chân, Động Ngũ Cốc, Động Âm Phủ, Giếng Tiên. Vọng Hải Đài là điểm cao bên phải Chùa Linh Ứng. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra một vùng trời biển bao la với các hoạt động nhộn nhịp của ghe thuyền. Ở đây cũng có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu, kích thước như ở Vọng Giang Đài, dựng vào năm Minh Mạng thứ 18 (1837). Từ tam quan Chùa Linh Ứng có đường đi xuống núi, rẽ phải sẽ gặp Động Âm Phủ. Động cao, rộng, hình tròn sâu thẳm. Đường hang quay về phía Tây, vách lởm chởm đá, ẩm ướt, mát lạnh. Xuống khoảng 30m sẽ gặp một hầm cao, ánh sáng vẫn lọt qua khe đá rọi vào. Lần qua những cột đá lớn sẽ gặp một hang hẹp, lách qua ngách hầm còn có một vòm cao, một giếng sâu thông xuống lòng đất.
Du khách có thể tham quan tiếp ngọn Kim Sơn và Hoả Sơn nằm phía Đông Nam, thăm Chùa Thái Sơn, Chùa Quan Âm, Động Quan Âm, đi thuyền trên dòng Cổ Cò, ngắm bóng núi, bóng chùa in trên mặt nước phẳng lặng.
Kim Sơn nằm bên bờ sông Cổ Cò, tại đây xưa có Bến Ngự, nơi thuyền Vua cập bến mỗi khi du hành Ngũ Hành Sơn. Ngay dưới chân ngọn Kim Sơn có một hang động dài hơn 50m, rộng gần 10m, cao khoảng 10 - 15m. Lối vào động là những bậc đá tự nhiên, bên trong là những lớp thạch nhũ bám vào vách núi tạo thành hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, cao bằng người thật rất thanh tú. Tượng thạch nhũ này còn sinh động hơn nhờ một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân tượng. Dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng.
Đặc biệt, phía sau Bồ Tát còn có một hình tượng nhỏ hơn trông như Thiện Tài đồng tử và bên trái là hình chim Khổng Tước, hai cánh xoè rộng toả khắp trần động. Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt mỹ mà thiên nhiên đã ban cho Kim Sơn. Sau khi phát hiện ra động (1950), Hoà thượng Thích Pháp Nhãn đã cho mở rộng lối vào động và xây dựng Chùa Quán Thế Âm. Chùa dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, nhìn ra khúc sông đầy hoa sen. Hàng năm vào mùa lễ hội đầu Xuân (19/2 ÂL), chùa mở hội lấy tên là Hội Quán Âm.
Cách Kim Sơn không xa là Hoả Sơn gồm 2 ngọn, có một đường đá nhô lên nối liền nhau. Ngọn phía Tây gần Kim Sơn là Dương Hoả Sơn, ngọn phía Đông là Âm Hoả Sơn. Dương Hoả Sơn nằm trên bờ sông Cổ Cò. Ngày xưa, khi Đà Nẵng và Hội An còn giao lưu bằng đường thuỷ, ở đây có một ngã ba sông, ghe thuyền qua lại vô cùng tấp nập. Trên sườn núi phía Tây, mặt hướng về phía Bắc, đối diện với Kim Sơn có 3 chữ Hán rất to được khắc vào vách đá “Dương Hoả Sơn”. Trong núi Dương Hoả Sơn có các hang và chùa Phổ Sơn Đà. Âm Hoả Sơn nằm ở phía Đông, gần đường đi Hội An, chóp núi nhô cao. Sườn núi có nhiều thớ đá nằm nghiêng và chạy ngang tạo thành lát cắt. Cây cối mọc xen dày ở các kẽ đá, mỏm núi phía đông còn có một hang đá thông từ sườn phía nam ra sườn phía bắc.
Thụy Vy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền