Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngày Thơ lần thứ 9: Bên nhau đón những niềm thơ

Thứ năm, 17/02/2011 - 22:25

Ngày thơ Việt Nam ở Hà Nội từ 9 năm nay đã là chốn về của những hồn thơ, của người yêu thi ca. Cờ thơ đã được kéo lên, trống hội đã điểm. Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày thơ năm nay thực sự làm người tham dự thấy tưng bừng không khí lễ hội.

Ngày Thơ lần thứ 9 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Thơ mở lối về cõi tri ân

Câu thơ “Hoa sữa tương tư mấy nẻo về” của thi sĩ Trương Nam Hương, có người mê Ngày Thơ đã sửa thành "Văn Miếu tương tư mấy nẻo về.” Bước vào cổng tam quan của Văn Miếu, người tham dự có cố nén lòng cũng vẫn thấy khấp khởi bởi suốt lối vào những vần thơ hay được viết trên lụa đỏ thắm. Trang trọng và đẹp ngời ngời với chủ đề “Mùa xuân đất nước con người.”

Bên cạnh những câu thơ về Bác Hồ như: “Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mêng mông bát ngát tình” là những câu danh ngôn thú vị để nhớ, để bâng khuâng như: “Ở đời không có cái thái quá nào đẹp hơn cái thái quá về sự tri ân.”

Cả một không gian thơ truyền thống đã mở ra trang trọng và rộn ràng. Sắc thắm nhân lên từ cờ, từ hoa, từ những dải lụa thơ làm cho ai có mặt cũng thấy như “màu dân tộc sáng bừng”… sân Văn Miếu. Trên sân khấu có hai hình ảnh  mang niềm tri ân đặc biệt với “Người đi tìm hình của nước.”

Bên phải là hình ảnh Bến cảng Nhà Rồng nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước đúng 100 năm trước, và bên trái là hình ảnh hang Pắc Bó Cao Bằng, nơi Người trở về đã tròn 70 năm. Những tiết mục thực sự hoành tráng và ấn tượng đã làm nức lòng người trẩy hội thơ.

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn trao đổi với phóng viên: “Năm nay tên hai sân thơ được đổi khá hay là sân thơ Truyền thống và sân thơ Hiện đại, không như những năm trước gọi sân thơ nhà Thái học là sân thơ Trẻ nên sân thơ Truyền thống khi ấy bỗng hóa sân thơ… già. Đúng là với người làm thơ không nên có sự phân biệt về tuổi tác…”

Mặc dù không bỏ qua Ngày Thơ năm nào nhưng lần này đến với ngày hội Thơ Nguyên tiêu, nhà thơ Nguyễn Thế Hùng vẫn tỏ ra rất hào hứng. Đến đây anh được gặp nhiều bạn thơ mà thường ngày anh khó có dịp gặp được.

Còn nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai cho rằng, mặc dù đây là Ngày Thơ lần thứ 9 nhưng chị vẫn háo hức chờ đợi. Đối với chị, đây không chỉ là ngày dành riêng cho người làm thơ mà còn dành cho những người yêu thơ Việt Nam.

“Sự tìm đến của công chúng yêu thơ khiến những người cầm bút như chị cảm thấy hãnh diện, tự hào. Mình hồi hộp và cảm động trước việc Hội Nhà văn lấy nước từ suối Lê Nin, lấy đất từ Nghệ An về, đây là việc làm hết sức có ý nghĩa,” nữ sĩ tâm sự.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng khi được hỏi cũng hấp háy cặp mắt  cho biết: "Tôi rất xúc động khi nhìn thấy tượng của các văn nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà như các tác giả: Anh Thơ, Chế Lan Viên, Văn Cao… Đó chính là tri ân."

Phần thả thơ do các thanh nữ đến từ trường Đại học Văn hóa Quân đội tham dự đã gây mỹ cảm cho nhiều người có mặt. Những câu thơ hay trên dải lụa thắm đã theo trái bóng đỏ gửi giấc mơ yêu lên trời xanh. Những người nước ngoài có mặt chụp ảnh không ngớt. Tự hào nhen lên trong mỗi lòng người Việt: Một dân tộc lãng mạn với tình yêu thơ, lòng yêu người đẹp đến thế là cùng.

Nhà phê bình văn học Văn Giá chủ nhiệm Khoa Sáng tác-Lý luận-Phê bình của trường Đại học Văn hóa đang đứng bên những sinh viên của mình đầy phấn khởi trong không khí ngày của Thi ca cho biết: “Các sinh viên của tôi rất háo hức với ngày thơ. Và có thể thấy năm nay những người yêu thơ trẻ đến đây khá đông. Đây là một điểm rất đáng mừng.”

Bất ngờ với "Blog Xuân"

Thơ bao giờ cũng là tiếng lòng chân tình, trong trẻo nhất, nên khi bước vào sân thơ hiện đại, ai cũng bất ngờ về cách gọi không gian thơ này là “Blog Xuân.” Tiết mục mở đầu là một nhóm nhạc trẻ ba cô gái hát ca khúc rộn ràng báo xuân về…

Tại đây, các tiết mục đọc thơ có phần phụ họa rất gợi cảm và đầy sức xuân của các nam nữ diễn viên Đoàn kịch hình thể, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc lên những câu thơ đầy trăn trở khi phía sau anh là một đôi trai gái rất thanh tân ngồi tựa bên nhau. Khuông ngực trần của chàng trai và sắc trắng của áo người con gái đem đến một nét lạ trong sự đối lập với người đọc thơ có phần nghiêm cẩn, giản dị.

Các quán thơ xung quanh gây sự chú ý của khá nhiều người tham dự. So với mọi năm thì quán thơ rộng hơn, đẹp hơn. Tuy chưa thật đủ những gương mặt thơ được công chúng đón nhận nhưng phong cách thơ này cũng ít nhiều gây được chú ý.

Bạn Hương - sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại thương cho rằng: “Có vẻ như màu sắc tiếp thị thơ hơi nhiều. Lại có người ngồi bán thơ hộ các thi sĩ nữa, kể cũng hơi sắc màu… kinh doanh. Nhưng thôi, dù sao Ban tổ chức đã chủ động gọi là 'quán' nghĩa là chốn bán-mua rồi!”

Quán thơ được đông người chú ý nhất là Thi quán của tác giả Vi Thùy Linh. Quán thơ này còn bày cả những bài báo viết về tác giả, những bài thơ tâm đắc đã in báo được photo bày tặng người quan tâm.

PGS.TS Trần Đình Ngôn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa đang cuốn những trang giấy sao chụp thơ và lời bình thơ Vi Thùy Linh cho biết: “Tôi thích thơ của cây bút trẻ này nên mới lấy về đọc. Năm nào tôi cũng tới Ngày thơ và tôi thấy năm nay tổ chức rất tốt.”

Tuy nhiên không phải ai cũng thích thơ lại có minh họa hình thể, thơ lại có quán bán mua rất màu sắc PR, nhưng dù sao cũng là sắc màu mới mẻ của không gian thơ hiện đại.

Cuối sân thơ hiện đại là một quán chè chén rất bình dân, gợi sự thân gần ấm áp lạ! Có những nhà thơ nổi tiếng và cả những nhà thơ chưa được biết đến cùng bên nhau đón nhận những niềm thơ./.



 (Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm