Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 29/01/2017 - 14:04
(Thanh tra)- Khi mùa Xuân đến, những rừng mai cổ thụ nở vàng trông xa như những vạt áo cà sa trải rộng khắp một vùng khiến cho Yên Tử vốn đã linh thiêng lại càng thêm huyền bí.
Vẻ đẹp riêng có của mai vàng Yên Tử không chỉ nằm trong những đóa hoa vàng rực rỡ, ở mùi thơm thanh khiết đặc trưng, mà còn ở cành: “Cành như san hô, như vảy cá biển” và ở sức sống mãnh liệt của cây.
Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thốt lên trước vẻ đẹp của loại cây này trong bài thơ Tảo Mai: Gan lì sắt đá nhờn sơn tuyết/Mộc mạc khăn xiêm đón gió Đông.
Truyền thuyết kể rằng, khi Phật hoàng Trần Nhân Tông cởi bỏ long bào, rời kinh kỳ để về chốn non thiêng Yên Tử, lập nên Thiền phái Trúc Lâm, ngài đã cùng các đệ tử trồng những cây mai đầu tiên.
Sau nhiều năm được bàn tay các Phật tử chăm sóc, cùng với sự ưu ái của thiên nhiên, những cây mai nhỏ bé đã biến thành quần thể rừng mai rộng lớn. Tuổi đời của những cây mai này đến nay ngót nghét hơn 700 tuổi và được dân gian gọi với cái tên rất trân trọng: Đại lão Mai vàng Yên Tử.
Hiện nay, hầu hết các điểm có mai vàng Yên Tử sinh sống đều gắn liền với các di tích hoặc các ngôi chùa mà vua Trần Nhân Tông cho xây dựng như: Chùa Bảo Sái, chùa Ngọa Vân, chùa Một Mái, khu vực thác Vàng ...
Mai vàng Yên Tử có nhiều điểm khác biệt với mai vàng các vùng khác trên cả nước. Hoa màu vàng chanh tươi, năm cánh hoa hình rẻ quạt, xếp thưa, tách rời nhau, viền cánh hoa lượn sóng, và hoa có mùi thơm dịu nhẹ. Hoa nở thành chùm, búp và lá non màu xanh nõn, mọc chụm đầu cành.
Điều đáng quý là, mai vàng không chỉ khoe vẻ đẹp khi cây có hoa, mà mỗi mùa cây lại có một vẻ đẹp riêng. Cây thường ra hoa vào khoảng từ giữa tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch, đúng vào Lễ hội Yên Tử. Sau khi ra hoa, mai vàng Yên Tử ra quả, đài hoa chuyển sang màu đỏ tươi, trên mỗi đài xuất hiện từ 7 - 10 quả lúc đầu có màu xanh, thẫm dần rồi chuyển màu đen bóng lúc chín (khoảng tháng 5 Âm lịch).
Mai vàng Yên Tử là một loài mai sống tự nhiên hoang dã, phát triển thành từng cụm, khu, quần thể dọc theo các vách đá, mỏm núi, rừng cao từ 300 - 800m so với mực nước biển. Vì thế, mai vàng Yên Tử có sức sống vô cùng mãnh liệt. Cho dù bị bão quật, sét đánh, cháy rừng, chỉ cần còn lại nửa thân, một chút gốc, hay vài chiếc rễ trơ trọi trên vách đá thì vẫn tiếp tục nảy mầm và sinh sôi phát triển, đơm hoa tạo nên những cây mai độc đáo, có hình thù vô cùng đặc sắc. Giống mai vàng được bảo tồn phần nào nhờ vào những viên đá rừng vì rễ mai thường len lỏi trong các khe đá, quấn vào đá để sinh trưởng và tránh bị rửa trôi. Chẳng thế mà một số nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về mai vàng Yên Tử đã gọi đây là mai ký đá bên cạnh những tên gọi thân thuộc khác như kim liên mộc hay mai vàng Yên Tử.
Với những giá trị khác biệt về chất lượng hoa, về văn hóa, lịch sử và tâm linh, mai vàng Yên Tử đã vượt ra khỏi giá trị của một loài hoa trưng bày và làm đẹp trong ngày Xuân để trở thành một món quà biếu, tặng vô giá, biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành, bình an, xua đuổi điều xấu, đón mừng điều tốt. Loài hoa cao quý ấy tượng trưng cho sự thịnh vượng, cao sang và trường tồn cùng dân tộc.
Vì lẽ ấy tới nay mai vàng đã được dâng tặng ở những địa danh lịch sử. Mai vàng đã có mặt ở Lăng Bác Hồ, ở Ngã ba Đồng Lộc như một món quà thành kính mà những người con đất Quảng Ninh muốn dâng lên tổ tiên, cha ông - những người đã có công lập nước và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2016, Yên Tử đã có 144 cây được công nhận là cây di sản, trong đó có 21 cây mai vàng Yên Tử đặc hữu. Đây là niềm tự hào rất lớn, góp phần tăng thêm giá trị cho Yên Tử, đồng thời càng khiến chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống cây di sản.
Trà Vân
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên