Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 19/06/2020 - 06:00
(Thanh tra)- Báo chí cũng như cuộc sống không bao giờ hết khó khăn. Bom đạn có thể khiến những cây cầu bị đánh sập, dịch bệnh có thể khiến cả một xã hội phải giãn cách… nhưng dòng tin tức của báo chí thì trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn không ngừng chảy… Xung quanh câu chuyện những khó khăn trong làm nghề hôm nay, Báo Thanh tra đã có dịp trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: NVCC
Những khó khăn, thách thức chưa từng có
- 40 năm tuổi nghề, 64 năm tuổi đời, ông cảm nhận làm báo thời nay dễ hay khó?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Nghề làm báo ở bất cứ thời kỳ nào chưa bao giờ là nghề dễ. Đây là một trong những loại lao động đặc biệt, đòi hỏi những tố chất đặc biệt, làm việc trong những điều kiện cũng không giống các ngành nghề khác. Chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của nghề báo đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, đòi hỏi nhà báo phải nỗ lực thì mới có thể đáp ứng được.
Tôi từng công tác gần 30 năm tại Báo Quân đội nhân dân - tờ báo có bề dày truyền thống rất vẻ vang. Trong chiến tranh, các nhà báo làm việc trong những điều kiện rất ngặt nghèo, đầy hiểm nguy. Ở đó, phẩm chất của nhà báo chiến sỹ được tỏa sáng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Báo Quân đội nhân dân đã phát hành tới 33 số trực tiếp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Khó có thể hình dung, cách đây 66 năm, có 1 tòa soạn được tổ chức ngay tại mặt trận, viết bài, làm maket, in ấn, phát hành ngay tại đó để phục vụ các chiến sỹ ngay trong chiến hào… Đó là một hoàn cảnh làm báo vô cùng khó khăn, khốc liệt.
Các hoạt động báo chí ngày nay trên tất cả mặt trận: Chiến đấu, lao động, sản xuất, chống cháy rừng, chống bão lụt, chống tham nhũng… đều đòi hỏi phẩm chất cống hiến, dấn thân của nhà báo rất cao. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, đòi hỏi những điều kiện mới, những năng lực mới để nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể nói, trong chiến tranh có cái khó của thời chiến tranh, trong bao cấp có cái khó của thời bao cấp, trong thời đại truyền thông kỹ thuật số có những cái khó chưa có tiền lệ. Chúng ta đứng trước những thuận lợi rất lớn nhưng cũng đứng trước những khó khăn rất gay gắt, mà áp lực với báo chí rất mạnh. Cho nên nghề báo bây giờ vẫn là một nghề khó và đầy thách thức.
- Theo ông, những khó khăn nào hiện nay là đáng kể hơn cả, khác với nghề làm báo trước đây?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mà trước đây chưa từng có. Báo chí đang có nguy cơ bị mạng xã hội lấn át, dẫn dắt - một thách thức rất lớn.Thứ hai, vấn đề trình độ, năng lực của người làm báo phải được vươn lên một tầm mới để có thể sử dụng nền tảng công nghệ mới. Thứ ba, do sự phát triển đến mức khó kiểm soát của mạng xã hội, tác động mặt trái của cơ chế thị trường, nên vấn đề đạo đức của người làm báo khiến chúng ta lo lắng.
Tất cả những khó khăn đó tạo một môi trường làm báo không giống như trước đây, mà thực sự các nhà báo đang bị thử thách, cả về bản lĩnh, trình độ năng lực, cả về đạo đức nghề nghiệp
Quy hoạch báo chí: Khó nhưng không thể không làm
- Quy hoạch báo chí cũng được nhìn nhận là một khó khăn hiện nay. Tròn 1 năm kể từ sau kế hoạch triển khai việc sắp xếp các cơ quan báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông (tháng 6/2019), cho đến thời điểm này, Hội Nhà báo Việt Nam đã ghi nhận được phản ánh như thế nào từ các cấp hội, các cơ quan báo chí cũng như các hội viên về những khó khăn mà họ gặp phải trong thực hiện công tác quy hoạch báo chí, thưa ông?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Việc thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch và phát triển báo chí đến năm 2025 là rất cần thiết, để báo chí phát triển đúng hướng hơn, lành mạnh hơn, tránh được sự chồng chéo, lãng phí và ngăn chặn được những sai phạm trong hoạt động báo chí.
Đây là một việc khó, khó từ trước khi ban hành quyết định cho tới khi thực hiện và vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục quan tâm giải quyết. Công việc này đòi hỏi sự thống nhất rất cao từ các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí đến các cơ quan báo chí thuộc diện quy hoạch. Với sự nỗ lực, quyết tâm, trong 1 năm vừa qua, có thể nói việc sắp xếp quy hoạch hệ thống báo chí từ Trung ương đến địa phương nhìn chung đang diễn ra theo đúng tiến độ và yêu cầu.
Thời gian trước đây, báo chí phát triển theo dạng “trăm hoa đua nở”, một sự phát triển quá nóng, vượt quá khả năng quản lý.
Hiện nay, có thể nói, mô thức đã được xác lập theo quy định, nhưng đây vẫn là câu chuyện khó của báo chí. Bởi việc quy hoạch sắp xếp lại liên quan trực tiếp đến cơ cấu tổ chức của hệ thống báo chí, nhất là liên quan trực tiếp tới quyền làm nghề hợp pháp và đời sống của những người làm báo: Một bộ phận không nhỏ những người làm báo phải chuyển đổi công việc hoặc chỉ còn làm báo một phần, hoặc mất việc. Các cơ quan báo chí đang phải nỗ lực để cố gắng sắp xếp ổn thỏa đội ngũ làm báo. Nhiều cơ quan báo chí từ báo đã chuyển thành tạp chí, vấn đề cần quan tâm là nội dung, cách thức tác nghiệp đã có chuyển biến thực chất chưa hay vẫn là “bình mới, rượu cũ”.
Tinh thần đoàn kết, hợp tác là yếu tố sống còn để quy hoạch thành công
- Nhớ lại năm 2008 (cách đây 12 năm), lúc ông về Hà Nội Mới làm Tổng Biên tập, cũng là năm Hà Nội mở rộng, hợp nhất. Khi ấy, Hà Nội Mới, Hà Tây và Tin chiều là 3 tòa soạn nhập làm 1. Ông đã giải bài toán “rất khó” này như thế nào?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong bối cảnh mở rộng Thủ đô, các cơ quan báo chí của Hà Nội, Hà Tây phải hợp nhất.
Trước khi Hà Nội mở rộng, Tin chiều là tờ báo hàng ngày xuất bản vào buổi chiều ở Thủ đô Hà Nội. Khi tôi về làm Tổng Biên tập, tờ báo đã ra đời được vài ba năm, nhưng tôi cảm thấy tờ báo quá khó khăn về mọi mặt, không thể tiếp tục duy trì. 35 con người của Tin chiều sẽ đi đâu là một câu hỏi lớn. Trong khi, tất cả đều muốn ở lại làm việc cho Hà Nội Mới. Chủ trương của Ban Biên tập là, sắp xếp lại lực lượng lao động, đưa anh em về các ban của Hà Nội Mới tùy theo năng lực, trình độ chuyên môn và có thời gian thử thách 6 tháng. Qua 6 tháng rà soát lại, chúng tôi nhận thấy nhiều người trong số 35 người đó có năng lực chuyên môn khá tốt và có khát vọng làm việc cho tờ báo. Từ đó, chúng tôi chính thức tuyển dụng. Hà Nội Mới đã được bổ sung thêm một lực lượng lao động đáng kể và những người đó, đến nay qua 12 năm, đã trở thành những phóng viên chủ lực ở một số đơn vị của Hà Nội Mới. Điều này cho thấy, nếu biết sử dụng hợp lý thì chúng ta có lực lượng làm báo đáng quý.
Còn đối với Báo Hà Tây, số lượng người không hề ít, với 135 người ở thời điểm hợp nhất. Có nghĩa Hà Nội Mới + Hà Tây + Tin chiều gộp lại có gần 300 cán bộ công nhân viên. Tôi vẫn nói vui với anh em rằng, xã viên từ 3 hợp tác xã về làm việc trên một cánh đồng - cánh đồng bây giờ là Hà Nội Mới. Làm sao có thể sử dụng hết được lực lượng lao động đó và giữ được ổn định cơ quan? Trong khi, Hà Nội Mới cũng là đơn vị tự chủ tài chính. Tôi nghĩ đó là một bài toán rất khó.
Không có gì có thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng tôi nghĩ rằng, có một điều phải giải quyết ngay lập tức. Đó là vấn đề nhận thức về yêu cầu phải hợp nhất. Để mọi người trong ngôi nhà Hà Nội Mới thì “người cũ” ở Hà Nội Mới cũng sẵn sàng đón nhận người ở Hà Tây về, và anh em ở Hà Tây về cũng không cảm thấy xa lạ với ngôi nhà Hà Nội Mới. Tinh thần đoàn kết hợp tác là yếu tố sống còn. Tinh thần đó phải được thống nhất ở trong Đảng ủy, Ban Biên tập và từng cán bộ, phóng viên. Trên cơ sở đó mới sắp xếp được một cách hợp lý và làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Khi hợp nhất, có 2 tổng biên tập, 6 phó tổng biên tập, và các phòng, ban cũng tăng gấp đôi số lượng. Chúng tôi đã phải giải quyết bài toán nhân sự theo một cách thức đặc biệt.
Vào thời điểm đó, Đảng ủy, Ban Biên tập đã quyết định chưa bổ nhiệm ai là trưởng các ban, mà các Phó Tổng Biên tập sẽ kiêm nhiệm vị trí các trưởng ban. Còn các trưởng ban của Báo Hà Tây và phó ban phụ trách của Báo Hà Nội Mới đều làm phó ban, có thời gian thử thách 6 tháng. Sau 6 tháng, ai có khả năng, chúng tôi quyết định bổ nhiệm. Cách làm này đã giúp chúng tôi lựa chọn được những người xứng đáng, giao việc phù hợp, giúp tờ báo từng bước đi vào ổn định, có số lượng phát hành lớn hơn rất nhiều so với trước đây, chất lượng được nâng lên, doanh thu cũng khá. Đó là một thời kỳ phát triển đáng tự hào của Hà Nội Mới.
- Có câu chuyện nào thực sự đáng nhớ mà ông muốn chia sẻ?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cái mà tôi nhớ nhất là những câu chuyện nghề nghiệp. Hàng loạt đợt tuyên truyền tập trung trên báo về những vấn đề khó, nhạy cảm, khẩn cấp đã được thực hiện với cảm hứng nghề nghiệp, tinh thần năng động sáng tạo và đạt hiệu quả cao: đấu tranh với các hành vi sai trái trong các vụ đòi đất có nguồn gốc tôn giáo trái pháp luật ở Nhà Chung, Thái Hà, Núi Chẽ; trận mưa lũ lịch sử biến phố thành sông, nhiều vùng chìm trong biển nước; chiến dịch “xoá rác trên tường”, các vụ “cắt ngọn” những ngôi nhà sai phép…
Điều đáng mừng là chúng tôi không phải giải quyết những vấn đề mang tính nội bộ, do không ưa nhau, mất đoàn kết, dù trước đó, nhiều người nghĩ chắc sẽ rất khó khăn. Nhờ vào chủ trương thống nhất từ đầu coi đoàn kết là quan trọng nhất. Trong cuộc hợp nhất này, ai là người làm mất đoàn kết trong cơ quan thì không phải Ban Biên tập, Đảng ủy hay Tổng Biên tập mà chính người đó tự loại mình ra khỏi đội ngũ. Tinh thần ấy được quán triệt, nên không ai có hành động gì làm ảnh hưởng tới đoàn kết chung của cơ quan. Toàn bộ sức lực của đội ngũ là để nâng cao chất lượng tờ báo.
- Đó là cách xử lý của 12 năm về trước, ở thời điểm hiện tại nhìn lại, ông thấy rằng có điều gì mình sẽ làm khác đi không, hay vẫn giữ nguyên quan điểm của ngày ấy?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Cũng có người đặt câu hỏi này cho tôi: Nếu bây giờ trở lại làm Tổng Biên tập Hà Nội Mới thì anh còn làm Tổng Biên tập như trước đây không? Tôi nghĩ, tâm thế làm nghề thì không khác. Nhưng sự trải nghiệm, kinh nghiệm của tôi qua các vị trí công tác, các mối quan hệ tôi từng có và được mở rộng trên các lĩnh vực, tôi tin rằng điều kiện ngày hôm nay để tôi làm công việc trước đây sẽ có những thuận lợi mới nhưng cũng kèm theo những thách thức mới. Những thách thức ngày hôm đó không có, nhưng hôm nay có thể xuất hiện, thậm chí gay gắt hơn 12 năm trước, đòi hỏi mình phải có những cách thức mới.
Báo chí hôm nay đang trải qua một cuộc chuyển mình lớn về cách thức, phương thức làm nghề, đòi hỏi phải tổ chức lại tòa soạn theo hướng tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Người làm báo hôm nay không chỉ hoàn toàn với cây bút, mà phải đa năng hơn rất nhiều, phải biết khai thác, sử dụng nền tảng công nghệ mới để truyền tải thông tin. Và phải xây dựng tòa soạn chuyên nghiệp để có thể đưa guồng máy theo hướng đó…
Cây bút tốt, làm việc trong một tòa soạn ọp ẹp là một sự lãng phí
- Sống trong thời đại 4.0, những người làm báo hẳn đều nhận thức rõ ràng xu hướng phát triển của báo chí hiện nay như: Báo chí hội tụ, báo chí đa phương tiện… với các sản phẩm đặc biệt như: Long-form, Infographic, e-Magazine… Tuy nhiên, còn khá nhiều tòa soạn báo địa phương và cả báo Trung ương gặp khó. Khó không chỉ bởi bản thân các phóng viên chưa chủ động bắt kịp công nghệ, mà còn bởi hạ tầng kỹ thuật, quy trình làm báo lạc hậu... không đủ kinh phí để thay đổi đồng bộ. Theo ông điều gì sẽ xảy ra với họ, ngay cả khi họ có nguồn tin tốt và những cây viết xuất sắc?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Để giải quyết những khó khăn hiện nay của báo chí và để từng cơ quan báo chí có đủ sức mạnh để vượt qua những khó khăn ấy, thì ngoài việc cần một chiến lược mang tính tổng thể chung, được nghiên cứu và thực hiện ở cấp độ quốc gia thì từng cơ quan báo chí cũng cần có những biện pháp riêng. Bồi dưỡng kịp thời để hoàn thiện năng lực, trình độ của nhà báo. Đầu tư, củng cố hạ tầng thông tin còn yếu cho toà soạn.
Một cơ quan báo chí mạnh trước hết cần một Ban Biên tập mạnh, có khả năng điều hành hoạt động của cơ quan báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Đồng thời, cần đội ngũ người làm báo vừa vững vàng bản lĩnh chính trị, vừa tinh thông trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Vẫn chưa đủ, còn cần một cơ quan báo chí mạnh về nền tảng công nghệ thông tin.
Chúng ta cần quan tâm giải quyết cả 2 việc. Trình độ năng lực nhà báo phải được nâng lên, cùng với đó phải đầu tư ở mức độ thích ứng và cần thiết những điều kiện về cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ mới.
Nếu chúng ta có cây bút tốt, đội ngũ phóng viên trình độ năng lực cao mà lại làm việc trong một tòa soạn ọp ẹp về điều kiện cơ sở vật chất và lạc hậu về công nghệ, thì đó là một sự lãng phí lớn. Vì đây là thời đại của thông tin, độ lan tỏa của thông tin phụ thuộc rất nhiều vào trình độ công nghệ truyền thông. Nếu sự xuất sắc của cây bút chỉ nằm trên 1 bản in thôi, thì hiệu quả sẽ không cao.
Nhưng cho dù chúng ta có trải qua sự chuyển đổi về cách thức, phương thức làm nghề như thế nào, thì điều quan trọng nhất vẫn là con người. Con người quyết định tất cả. Con người tốt thì mới có sản phẩm báo chí tốt. Từ con người tốt thì sẽ biết cách để có một tòa soạn mạnh về cả mặt phương tiện kỹ thuật. Nên xây dựng đội ngũ vẫn là vấn đề hàng đầu. Đội ngũ những người trực tiếp viết nên những tác phẩm báo chí, đội ngũ về công nghệ trong cơ quan báo chí. Trong mỗi người làm báo không chỉ lo viết bài cho tốt, mà cần có ý thức để làm sao truyền tải thông tin của mình một cách nhanh nhất bởi các phương tiện truyền thông hiện đại trong mô hình tòa soạn hội tụ.
Ngày nay, chúng ta không thể thắng mạng xã hội bằng tốc độ đưa tin. Nhưng chúng ta có thể vượt trội mạng xã hội bằng tinh thần trách nhiệm và tính chuẩn mực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là tâm thế làm nghề, đạo đức làm nghề. Độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Dù chúng ta có trải qua sự chuyển đổi về cách thức, phương thức làm nghề như thế nào, dù chúng ta có được trang bị những phương tiện kỹ thuật làm báo hiện đại như thế nào, nhưng lý tưởng làm nghề, tâm thế làm nghề, đạo đức làm nghề thì bao giờ cũng thế, không thay đổi. Làm nghề để phục vụ lợi ích của cộng đồng, lợi ích của đất nước, nhân dân. Làm nghề theo phương châm: Khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật. Chỉ những nhà báo chính trực mới làm được điều này.
Kinh tế báo chí - vấn đề rất lớn và rất khó của báo chí
- Chúng ta đang thực sự sống trong “những ngày không quên”. Có quan điểm cho rằng, Covid-19 đã làm lộ ra điểm yếu của kinh tế báo chí. Theo ông, báo chí cần làm gì để tạo được sự bền vững về tài chính, không chỉ nhằm vượt qua được giai đoạn khó khăn này mà còn tránh được những “lao đao” trong tương lai?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Kinh tế báo chí là vấn đề lớn và rất khó. Ai đó nói rằng, Covid-19 đã làm lộ ra điểm yếu của báo chí, thì tôi cho rằng, đó chỉ là một phần của hiện thực. Trước hết cần phải nhìn nhận đúng những đóng góp vô cùng quan trọng của báo chí trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Báo chí mới đã tạo được niềm tin đối với xã hội để tất cả cùng đồng lòng thực hiện những chủ trương,biện pháp chống dịch của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, báo chí bị suy giảm nguồn thu, từ 30-50%, có nơi giảm đến 60-70%. Báo chí vốn đã khó khăn, đại dịch làm cho những khó khăn của báo chí càng nghiêm trọng hơn. Nhận thấy điều này, trên cơ sở đề nghị của nhiều cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản trình Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị quan tâm hỗ trợ: Giãn thuế, giảm thuế, không phạt vì nộp thuế chậm đối với cơ quan báo chí, được sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp để phục vụ hoạt động của báo chí chống dịch... Công văn này đáp ứng được tình hình thực tế, được cơ quan báo chí và đồng nghiệp rất quan tâm. Thật đáng mừng, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời, nêu rõ từng nội dung và đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam nghiên cứu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện các nội dung hỗ trợ.
Thiếu một chiến lược mang tính tổng thể về kinh tế báo chí ở tầm quốc gia
- Trong bối cảnh khó khăn, có tờ báo đã phải nghĩ tới chuyển hướng, tìm nguồn thu từ các mảng kinh doanh khác, như không chỉ quảng bá giới thiệu sản phẩm cho người dân mà còn trực tiếp tham gia giúp họ trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Quan điểm của ông về hướng đi này như thế nào?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong điều kiện các cơ quan báo chí gặp khó khăn, những gì không trái các quy định mà giúp tăng nguồn thu đều cần thiết. Tôi nhớ Tổng thống Hàn Quốc trước đây có nói: Ngày trước Tổng thống chỉ làm nhiệm vụ ngoại giao, nhưng giờ Tổng thống cũng sẵn sàng đi bán hàng - bán hàng ở cấp độ quốc gia. Tức là hoạt động ngoại giao phải gắn với việc phát triển kinh tế, thương mại. Tôi nghĩ rằng, ở phương diện một quốc gia còn có thể làm thế, thì với báo chí trong bối cảnh khó khăn, thì những biện pháp gì phù hợp có thể giảm chi, giúp tăng nguồn thu đều tốt cả.
Từng cơ quan báo chí có cách làm riêng để phát huy những gì thuộc tiềm năng, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn của báo chí, cần phải có chiến lược mang tính chất tổng thể, mang tầm quốc gia. Hiện nay tôi cảm thấy vẫn thiếu một chiến lược ở tầm mức như vậy.
Thách thức càng lớn, nỗ lực càng cao
- Cuối cùng, ông có điều gì nhắn nhủ tới các nhà báo khi đứng trước những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay?
+ Nhà báo Hồ Quang Lợi: Báo chí cũng như cuộc sống không bao giờ hết khó khăn. Cuộc sống luôn phát triển, tiến lên phía trước. Báo chí là lực lượng tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng văn hóa, luôn đòi hỏi phẩm chất tiên phong của người làm báo, kể cả trong việc tận dụng các cơ hội, vượt qua thách thức.
Tôi tin rằng, với sức mạnh truyền thống của 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam và 70 năm truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày nay, chúng ta có một lực lượng hùng hậu đang xác định cho mình một tâm thế tốt để đương đầu vượt qua khó khăn, thử thách.
Tôi tin là thách thức càng lớn thì nỗ lực càng cao- nỗ lực vượt bậc của những người làm báo, các cơ quan báo chí. Đây thực sự là một cuộc vật lộn hết sức khó khăn của báo chí trên tất cả phương diện.
Nhân dịp 21/6, tôi muốn nhắn gửi tới các đồng nghiệp cả nước, trong đó có đồng nghiệp Báo Thanh tra, rằng, chúng ta hãy giữ niềm tin vào nghề cao quý của chúng ta. Từ đó, xây đắp niềm tin của xã hội vào báo chí. Và chỉ khi xã hội có niềm tin vào báo chí thì báo chí mới có sức mạnh để hoàn thành trọng trách, sứ mệnh mà xã hội trao cho báo chí.
Với tình cảm thân thiết, tôi xin chúc đội ngũ những người làm báo cả nước dồi dào năng lượng sáng tạo, giữ vững niềm tin để vượt qua thử thách, khó khăn, chung sức xây dựng nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại vì lợi ích đất nước và nhân dân.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Bích (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Bắc”.
Phương Anh
21:55 22/11/2024(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
N. Phê - L. Bình
13:19 22/11/2024Vũ Linh
12:37 22/11/2024Phương Anh
12:37 22/11/2024Lê Hữu Chính
08:59 22/11/2024Thái Hải
21:03 21/11/2024Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền
Uyên Uyên
Uyên Uyên
Cảnh Nhật
Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang