Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lễ hội Katê - Bản sắc văn hóa Chăm

Chủ nhật, 04/09/2011 - 21:26

(Thanh tra) - Lễ hội Katê còn được gọi là Mbang Katé, một lễ hội của cộng đồng người Chăm. Đây là lễ hội dân gian thiêng liêng đặc sắc và rất quan trọng để tưởng nhớ đến những người đã khuất, đến các anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Lễ hội cũng là dịp để mọi người tập trung về các đền tháp cổ kính, thưởng thức các điệu múa nhạc dân gian trong kho tàng âm nhạc của cộng đồng. Là dịp để mọi người nghỉ ngơi, thăm viếng, chúc tụng lẫn nhau.

Một góc nhìn trong lễ hội Katê

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà La Môn tỉnh Ninh Thuận diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng 25/9 - 05/10 dương lịch) trong không gian rộng lớn tại địa điểm: Đền tháp Pô Nưgar - thờ Nữ thần hay Bà Mẹ Xứ sở, người dạy trồng lúa, bông, dệt vải (thôn Hữu Đức); tháp Pô Klông Garai - nơi thờ vua Pô Klông Garai (1151 - 1205), được tôn là thần thủy lợi (phường Đô Vinh, tháp Chàm); tháp Pô Rôme - nơi thờ vua Pô Rômê được tôn là thần phát triển nông nghiệp (thôn Hậu Sanh), tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Katê trình tự từ đền tháp (Bi môn, Ka lan) đến làng (Paley) và từng gia đình (Nga wôm), tạo thành một dòng chảy lễ hội phong phú, đa dạng.

Từ đền tháp…

Lễ hội diễn ra tại 3 đền tháp trong cùng ngày, cùng giờ. Các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ. Lễ vật bao gồm: 1 con dê; 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp; 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê; 1 mâm cơm với muối vừng; 3 ổ bánh gạo và hoa quả. Ngoài ra, còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè…

Lễ Katê được tiến hành theo các bước: Lễ rước Y phục - Lễ mở Cửa tháp - Lễ Mộc dục (lễ tắm tượng thần Siva và tượng Vua trong tháp) - Lễ mặc Y phục; Ðại lễ và phần Hội. Ðặc trưng của lễ hội Katê là trong mỗi bước hành lễ thì thầy cả sư (Pô Dhia) đọc kinh, ông thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca lần lượt mời các vị thần, bà bóng rót rượu, dâng lễ vật lên thần linh và bà con dự lễ khấn vái cầu thần linh ban cho may mắn, sức khỏe, mùa màng....

Kết thúc của cuộc lễ là điệu múa thiêng của bà bóng trong tháp, thì bên ngoài bắt đầu vang lên không khí trẩy hội, những chàng trai cô gái Chăm với sắc phục truyền thống nghiêng mình múa hát những điệu dân ca, dân vũ Chăm rộn ràng theo nhịp trống Ginăng, kèn Sarainai... không khí náo nhiệt suốt cả ngày.

... Đến làng

Sau khi phần Lễ long trọng ở các đền tháp kết thúc, không khí lễ hội lại bùng lên ở các làng Chăm, thông thường diễn ra vào ngày thứ ba. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi...

Trong lễ cúng tế thần làng tại ngôi nhà chung (mỗi làng Chăm thờ một vị thần riêng), chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo, mà thường được dân làng tôn vinh hoặc người có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Ông thay mặt cho dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong được phù hộ cho dân làng sức khỏe; làm ăn phát đạt; cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, gia súc đầy đàn… 

Phần Hội được các làng tổ chức văn nghệ, đá bóng, nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Thi kết mâm trầu đẹp, qua đó chọn ra những cô gái có bàn tay duyên dáng, khéo léo để trao giải; trò chơi thi đội chum nước khéo léo trên đầu cùng nhau chạy về đích thu hút rất nhiều người tham gia. Ngoài ra, có thi dệt thổ cẩm (làng Mỹ Nghiệp) và có những giải thưởng cho những cô gái dệt thổ cẩm Chăm dài và đẹp nhất. Đến chiều thì cuộc vui kết thúc, hội Katê ở làng cũng vãn. Mọi người về nhà để tiến hành lễ Katê gia đình.

… Và từng gia đình

Các thành viên từng gia đình cùng quần tụ đông đủ. Có một người chủ tế, thường được lựa chọn là người chủ hộ, lớn tuổi, hay trưởng dòng họ trong dòng tộc. Cầu mong cho gia đình được tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu sức khỏe, thuận hòa, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Thông qua lễ hội, mọi thành viên trong gia đình có cơ hội gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ, giáo dục con cháu kính trọng tổ tiên. Nhân dịp này, các gia đình đều chuẩn bị bánh trái mời người thân tới thăm viếng chúc tụng nhau. Cả làng đều ngập tràn niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Hầu như tất cả đều quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những phút giây tràn đầy hạnh phúc.


Thanh Xuân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm