Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ký ức nửa thế kỷ chiến tranh nơi tù lao

Hoàng Hiệp

Thứ sáu, 25/10/2024 - 17:54

(Thanh tra) - Một ngày giữa thu, tôi có dịp được đến thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là “di tích” hiếm hoi còn bảo tồn nguyên vẹn không khí đấu tranh của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc cách đây hơn 50 năm.

Mô hình tra khảo đồng chí Dương Bá Ngà được trưng bày tại Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Ảnh: Hoàng Hiệp

Với 4.000 hiện vật, Bảo tàng là nơi lưu giữ đầy đủ những bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh cũng như ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của những cựu tù binh Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1973. 

“Địa ngục trần gian” 

Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc, còn được gọi là Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc, nằm tại phường An Thới, phía Nam đảo Phú Quốc. Đây là trại giam tù binh trung tâm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, từng giam giữ hơn 32.000 tù binh. Theo các cựu chiến binh (CCB), việc chọn Phú Quốc làm nhà tù cũng là 1 trong nhiều âm mưu tàn độc. Bấy giờ, chiến tranh tại Việt Nam được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Nhằm che đậy tội ác, chúng lựa chọn một địa điểm biệt lập với đất liền, từ đó “thỏa sức” tra tấn các chiến sĩ cách mạng mà không lo sợ bị lọt thông tin ra ngoài. 

CCB Nguyễn Quý Thủy, nhân chứng sống từng chứng kiến đồng chí Dương Bá Ngà - một bí thư chi bộ, từng bị kẻ địch dùng đủ loại thủ đoạn tra khảo nhằm khai ra thông tin về tổ chức Đảng. “Chúng buộc chân anh treo người lên cao, dùng báng súng, dùi cui, gậy đánh anh tới tấp, gãy cả chân tay. Anh tỉnh dậy chúng lại tra khảo, chúng bắt anh hô: Đả đảo chế độ ta. Anh gồng mình lên lấy hết sức hô to: “Đả đảo Mỹ Ngụy - Hồ Chủ tịch muôn năm””, ông Thủy nhớ lại. 

Đồng chí Dương Bá Ngà trước khi hi sinh, gượng dậy nói với các anh em trong nhà tù: “Đồng chí nào còn sống về báo cáo với Đảng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên. Các đồng chỉ phải đoàn kết giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng”.  

Trở về hòa bình từ Hiệp định Paris năm 1972, CCB Lâm Văn Bảng (nay là Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) vẫn nhớ như in khoảng thời gian 4 năm, 8 tháng, 7 ngày biệt giam tại nhà tù Phú Quốc. Trong ký ức người cựu binh đã ngoài 80, hơn 45 thủ đoạn quân địch dùng để tra tấn ông và các đồng đội vẫn ác nghiệt, như hiện hữu ngay trước mắt. 

“Năm đó tôi đến Phú Quốc để thu thập hiện vật. Tổng cộng tôi đào được 4 hố chôn tập thể, tìm được trên 1.000 hài cốt của các liệt sỹ. Mỗi bộ hài cốt bốc đến đâu, cái nào cái đấy cũng đều có đinh đóng vào đầu”, ông Bảng kể. 

Nhắc đến kỉ niệm ám ảnh nhất trong tù, ông Bảng nhớ về khi bị thương nặng, được nằm trên một cái băng ca, bên cạnh là một đồng đội bị thương ở sọ não. “Trời mưa, nước cống dâng lên, chuột bọ theo đó cũng chui ra, gặm nhấm từng chút thịt trên tay, trên chân. Đồng chí ấy vì đau mà rên rỉ liên hồi: ‘Trời ơi, mẹ ơi,...’. Âm thanh ấy cứ văng vẳng bên cạnh, lúc to lúc nhỏ, ám ảnh vô cùng”, ông Bảng day dứt. 

Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm nhà tù lớn nhỏ được xây dựng khắp miền Nam Việt Nam nhằm mục đích “săn lùng” các chiến sĩ cách mạng. Ảnh: Hoàng Hiệp 

Sống - chết với lý tưởng của Đảng

Không khuất phục trước đòn roi của quân thù, Đảng ủy nhà lao được thành lập nhằm tổ chức đấu tranh cho các chiến sĩ. Tại các phân khu trại giam, tổ chức Đảng đã giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ thực hiện những cuộc đấu tranh quyết liệt, bao gồm cả việc mổ bụng để giành thắng lợi ngay trong sào huyệt của địch. 

Trong nhà tù Mỹ - Ngụy, nhiều đồng chí đã mổ bụng đầu tranh, tiêu biểu như Nguyễn Văn Cư (Nghệ An), Phùng Xuân Nghị (Chương Mỹ, Hà Nội), Vũ Văn Kim (Thuận Thành, Bắc Ninh), Nguyễn Văn Đồng (Quy Nhơn, Bình Định), Nguyễn Văn Sơn (Thanh Hoá). 

Tìm đến Chương Mỹ, tôi may mắn được gặp CCB Phùng Xuân Nghị. Nhập ngũ từ năm 17 tuổi, ông tham gia trận nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở Quảng Ngãi. Sau cuộc chiến cam go, ông Nghị bị đạn bắn xuyên qua phổi, nằm gục trên chiến trường rồi bị bắt. Kẻ thù ác giở đủ các kiểu tra tấn nhưng ông nhất quyết không khai. Chúng đưa ông đi khắp nơi, từ Đà Nẵng, chuyển qua Biên Hòa, rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. 

Chân dung các đồng chí Đảng ủy viên phân khu D5 trại giam tù binh Phú Quốc giai đoạn 1967 - 1973. Ảnh: Hoàng Hiệp 

Chiến trường miền Nam những năm 1971 ngày càng ác liệt. Đảng và Nhà nước ta khi đó thi hành chính sách nhân đạo, phóng thích một tù binh chiến tranh người Mỹ. Nhằm kêu gọi sự đồng thuận quốc tế, chính quyền Mỹ - Ngụy cũng thực hiện chính sách tương tự, tuy nhiên anh em trong nhà tù Phú Quốc nhất định không chịu rời đi. Ông Nghị giải thích: “Chúng tôi là bộ đội miền Bắc, vào đây để giải phóng đồng bào miền Nam. Chúng tôi không phải người đi xâm lược như các anh, nên nhất quyết không nhận hai chữ "phóng thích”. 

Không ngồi im chờ chết, Đảng ủy nhà lao lệnh cho anh em tiến hành đấu tranh tuyệt thực nhằm yêu cầu địch thi hành các quyết sách cơ bản. Các cán bộ Đảng ủy bấy giờ mới nhận định tình hình: “Trại ta thương binh nhiều, tiếp tục đấu tranh tuyệt thực sẽ có nhiều tổn thất lớn”. Sau đó, Đảng ủy cử 2 chiến sĩ xung phong tố cáo tội ác của địch bằng cách tự rạch bụng. 

Sáng ngày thứ 8, tất cả các tù binh cách mạng tập hợp ở trước sân. Trước sự chứng kiến của đồng đội và kẻ thù, ông Phùng Xuân Nghị khi ấy mới 21 tuổi, tay cầm chắc con dao được mài, không nao núng rạch một đường sắc lẹm vào bụng mình khiến bọn cai ngục và hàng trăm tù binh nín thở.

“Khoảnh khắc tôi ngã xuống, hàng nghìn anh em hô lớn: ‘Đả đảo bọn ngụy quyền làm tay sai cho Mỹ, đàn áp anh em tù binh trong tay không tấc sắt’. Vừa hô, các anh em vừa đưa tôi vào phòng, máu từ bụng khi ấy vẫn đang chảy ra". 

Chân dung ông Phùng Xuân Nghị, chiến sĩ rạch bụng tại Phân khu 9 Trại giam Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Hiệp 

Đến giữa trưa, có xe của trại trưởng chạy đến, bắc loa vào thông báo đưa người mổ bụng ra để đi cứu chữa, nhưng các tù binh không mắc mưu, kiên quyết im lặng bảo vệ ông. Sau cả tuần tuyệt thực, cộng thêm vết thương cũ tái phát, sự sống của ông Nghị và nhiều chiến sĩ khi ấy chỉ còn thoi thóp. 

Tầm 3 giờ chiều, bọn cai ngục lắc đầu chịu thua, lo sợ cuộc đấu tranh của anh em thương binh sẽ lan ra toàn đảo và cả miền Nam, cố vấn Mỹ và Đảo trưởng Phú Quốc mời đại diện tù binh ra để giải quyết, và 5 yêu sách đưa ra được đáp ứng toàn bộ. 

Chia sẻ với chúng tôi, rằng nếu được quay trở lại năm đó, ông Nghị khẳng định chắc nịch vẫn sẽ hành động như vậy: “Ở trong đó, tinh thần khi nghĩ về cái chết quá bình thường. Có những trại giam mà anh em còn tuyệt thực đến nửa tháng. Chúng tôi xác định sống được ngày nào thì sống, làm gì mà nghĩ đến lúc được trở về. Hàng nghìn người, hàng vạn người như một, tôi hay các anh em không thể từ chối nhiệm vụ được.”

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ký ức nửa thế kỷ chiến tranh nơi tù lao

Ký ức nửa thế kỷ chiến tranh nơi tù lao

(Thanh tra) - Một ngày giữa thu, tôi có dịp được đến thăm Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đây là “di tích” hiếm hoi còn bảo tồn nguyên vẹn không khí đấu tranh của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc cách đây hơn 50 năm.

Hoàng Hiệp

17:54 25/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm