Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hòa nhạc Điều còn mãi 2015: Lan tỏa tinh hoa nhạc việt

Thứ năm, 03/09/2015 - 08:23

Lỗi hẹn một năm, ''Điều còn mãi" 2015 càng khiến cho người hâm mộ háo hức đón chờ và đã chinh phục khán giả bằng chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Chỉ nói riêng trong âm nhạc, thành công của "Điều còn mãi" là sự tổng hòa của nhiều yếu tố.

Quang cảnh buổi hòa nhạc Điều Còn Mãi 2015.

Lâu rồi mới được thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang tính hàn lâm mà lại hoàn toàn do các nghệ sĩ tài năng âm nhạc Việt Nam thể hiện. Từ nhạc trưởng Lê Phi Phi cho đến các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ của dàn hợp xướng và các ngôi sao của nền nghệ thuật thanh nhạc nước nhà. Những giọng ca hàng đầu hiện nay như Trọng Tấn, Lan Anh, Đăng Dương, Tùng Dương, Hà Phạm Thăng Long, Mạnh Dũng đã thể hiện những tác phẩm xuất sắc.

Ca sĩ Lan Anh với tác phẩm ''Tiếng hát giữa rừng Bắc Bó".

Chắc hẳn, nhiều người đã quen với nghệ thuật có phần hơi “xổi” của đời sống giải trí đại chúng sẽ cảm thấy ngỡ ngàng khi một chương trình nghệ thuật với chất lượng có thể khẳng định ở vị trí đỉnh cao, vậy nhưng mọi thứ dường như lại trở về với những gì thực nhất. Dàn nhạc với âm thanh phát ra thực, ca sĩ hát bằng đúng chất giọng của mình, sự xuất hiện của hệ thống âm thanh chỉ là giúp cho người nghe thưởng thức được rõ hơn và để đảm bảo cho tín hiệu của phầm thu âm lại chương trình này, hầu như không có sự kích âm. Tất nhiên, những người biểu diễn phải là những nghệ sĩ tài năng mới đủ sức để truyền tải tới người nghe thứ âm nhạc tưởng chừng như rất cao siêu nhưng lại hết sức gần gũi ấy.

Khi đến với "Điều còn mãi" khán giả cũng đã sẵn sàng đón nhận những tác phẩm gắn liền với một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước và đã sống cùng thời gian. Chương trình 2015 này cũng vậy, phần lớn các tác phẩm được giới thiệu là những ca khúc vang danh một thời. Những tác phẩm ấy không đơn thuần là một ca khúc mà có thể coi là những ca khúc nghệ thuật (một thuật ngữ dùng để chỉ những sáng tác thanh nhạc nằm trong dòng âm nhạc giao hưởng thính phòng). Tức là bản thân những ca khúc ấy đã có tính khí nhạc. Cho nên, khi đã "quyện" vào âm hưởng của dàn nhạc giao hưởng nó sẽ càng làm tăng thêm giá trị của tác phẩm. Cái mà "Điều còn mãi" đã làm được là như vậy, chắp thêm đôi cánh nghệ thuật để tôn lên vẻ đẹp của những ca khúc vốn đã quen thuộc với công chúng nhiều thập niên qua. Đồng nghĩa với điều đó là việc nối dài đời sống của những tác phẩm có giá trị.

Thưởng thức "Điều còn mãi", tôi đã nghĩ tới một xu hướng mới cho dòng âm nhạc mang tính nghệ thuật cao như thế này từ cách phối khí. Bên cạnh những chuẩn mực của dòng nhạc vẫn được coi là mang tính bác học được phát huy, tôi vẫn nhìn thấy những âm hưởng rất mới, rất trẻ trung qua cách thức khai thác màu sắc nhạc cụ, sự đối thoại, tương tác giữa dàn nhạc với giọng hát; đặc biệt như trong ca khúc “Chiếc khăn piêu” do Tùng Dương thể hiện. Có thể, việc giao hẳn phần phối khí cho các nhạc sĩ còn đang sung sức như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ trẻ Lưu Quang Minh, những người có tư duy giao hưởng lại hiểu biết về nhạc nhẹ đã tạo nên những âm hưởng vừa sang trọng, chuẩn mực lại vừa gần gũi với người nghe vốn quá quen với dòng ca khúc và chưa hẳn quen với âm nhạc giao hưởng thính phòng.

Cũng thông qua chương trình, công chúng có cơ hội gặp một Đỗ Hồng Quân tài năng của dòng âm nhạc giao hưởng thính phòng, thông qua tác phẩm viết cho hợp xướng “Vinh quang hồn dân tộc”. Bên cạnh đó, “Tổ quốc gọi tên mình” của Đinh Trung Cẩn cũng là một tác phẩm mới. Đó là hai trong số những tác phẩm viết cho thanh nhạc trong thời gian gần đây đứng cùng với những: Hợp xướng “Tổ quốc” (Hồ Bắc), Aria “Cô sao” (Đỗ Nhuận), “Bài ca xây dựng” (Hoàng Vân), “Bám biển quê hương” (Phạm Tuyên), “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” (Nguyễn Tài Tuệ), “Người lái đò trên trông Pô Cô” (Cầm Phong – Mai Trang), “Đất nước tình yêu” (Lệ Giang).

Ca sĩ Tùng Dương với "Chiếc khăn Piêu".

Không chỉ có thanh nhạc, “Điều còn mãi” còn giới thiệu những tác phẩm khí nhạc quy mô nhỏ vốn đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc giao hưởng thính phòng như: “Người về đem tới ngày vui” viết do dàn nhạc giao hưởng của tác giả Trọng Bằng, “Bài ca thủy chung” viết cho violon cùng dàn nhạc của Hoàng Dương. Cũng như thanh nhạc, phần khí nhạc trong “Điều còn mãi” cũng dành “đất” cho những tác phẩm mới. Vì thế mà khán giả có cơ hội được thưởng thức một “Cây trúc xinh” chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng rất duyên dáng, đáng yêu, đậm chất quê hương nhưng cũng rất hiện đại; một “Điện Biên Phủ trên không” (chương III - trích trong Giao hưởng “Tháng mười hai”). Cả hai tác phẩm mới này là của Trần Mạnh Hùng.

Việc đan xen giữa các tác phẩm kinh điển sống cùng thời gian với các tác phẩm mới có chất lượng nghệ thuật cao cho thấy sự tiếp nối truyền thống, sự liên tục của dòng chảy trong âm nhạc Việt. Một chi tiết khác, trình diễn cả các tác phẩm khí nhạc với thanh nhạc cũng là điều rất đáng chú ý. Chủ yếu các tác phẩm khí nhạc ở đây được chọn là những tiểu phẩm hoặc trích đoạn có cấu trúc tương đương hoặc lớn hơn một chút so với một tác phẩm thanh nhạc; đặc biệt, mặc dù những tác phẩm không lời nhưng có giai điệu rất gần gũi với thanh nhạc, thậm chí giai điệu chủ đề giống như một tiếng hát cất lên bằng nhạc cụ đã tạo sự gần gũi. Điều này rất phù hợp với đặc thù công chúng ở ta hiện nay. Cho nên, theo tôi, đây cũng là một trong những thành công, đồng thời cũng như một giải pháp rất nên tham khảo trong việc đưa âm nhạc giao hưởng thính phòng đến gần hơn với công chúng.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long

Theo VNN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm