Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gửi hồn dân tộc qua thổ cẩm Gia Lai

CTV Mai Thắng

Thứ ba, 04/08/2020 - 06:40

(Thanh tra)- Nhiều đời qua, hàng trăm phụ nữ ở xã Đak Kơ Ninh, huyện Kông Chro, Gia Lai miệt mài bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ngày đêm họ say mê với nghề, phần vì thổ cẩm đã nuôi họ lớn khôn, phần họ muốn lưu truyền cho con cháu thế hệ mai sau về nét văn hóa đặc trưng của cha ông để lại.

Phụ nữ làng Nhang Lớn dệt thổ cẩm. Ảnh: MT

Những “nghệ nhân phố núi”

Theo chân nhà văn Hoàng Thanh Hương ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai, tôi được “mục sở thị” những phụ nữ lưu giữ nghề thổ cẩm ở làng Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt, xã Đak Kơ Ninh, huyện Kông Chro mới hiểu rằng, để giữ nghề, ngoài đức chịu thương, chịu khó, họ còn có lòng yêu nghề dệt như yêu chính bản làng của mình.

Chị Đinh Thị Ói ở làng Nhang Lớn bảo: “Chúng tui dệt thổ cẩm bằng tất cả niềm đam mê. Chỉ cần nghề này lưu truyền cho sóc trẻ là được rồi. Bản tui nhiều người dệt lắm. Nghề nuôi sống mình mà bỏ sao được chớ”.

Kông Chro được coi là “cao nguyên sâu xa” của tỉnh Gia Lai, nhưng là huyện có nhiều phụ nữ dệt thổ cẩm nhất. Chỉ tính riêng xã Đak Kơ Ninh đã có bốn làng là Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt với hơn 600 phụ nữ làm nghề này, trong đó làng Nhang Lớn có 125 chị với tay nghề đạt tới trình độ nghệ nhân.

Được gọi là nghệ nhân có “bàn tay vàng”, chị Đinh Thị Ói biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi. Mẹ truyền lại nghề truyền thống của gia đình, mỗi lần ngồi vào khung cửi, chị Ói quên cả thời gian. Càng dệt càng say, tay càng dẻo, những tấm thổ cẩm càng mịn màng đẹp đẽ. “Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn. Mỗi tấm thổ cẩm bán chẳng được bao tiền đâu, nhưng tui dệt để lưu giữ nghề cho con tui. Tui dệt áo cho chồng, cho con. Nếu có khách mua thì bán hoặc tặng không có lấy tiền”, chị Ói cho biết.

Người thứ hai có “bàn tay vàng” của “phố núi” Kông Chro là chị Đinh Thị Drinh. Chị Drinh gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hoa văn kim tuyến từ 40 năm trước. Những sản phẩm chị dệt có sự “cách biệt” so với chị em khác bởi những sợi kim tuyến được lồng ghép, đan xếp thành những họa tiết phong cảnh khác nhau. Có tấm vải chị dệt thành bức tranh mang hơi thở đại ngàn; có tấm chị dệt chim công hoặc cảnh thiên nhiên núi rừng, nhà rông bản xứ.

Chị Drinh chia sẻ: “Những họa tiết của tấm thổ cẩm là bản sắc của bản làng Tây Nguyên. Giá mỗi tấm thổ cẩm không phải ở chất liệu vải hoặc công sức, mà ở nét tinh tế. Anh cứ nhìn thì thấy, mỗi họa tiết đều mang nét văn hóa bản làng. Trước khi bán cho khách du lịch, chúng tôi đều giới thiệu sản phẩm để họ biết được nét văn hóa của đồng bào chúng tôi”.

Hỏi về chất liệu dệt thổ cẩm, chị Drinh cho hay, chất liệu dệt thổ cẩm lấy từ 100% thiên nhiên. Đó là hoa bông hái từ rừng về, phơi, xe thành sợi rồi ngâm với lá rừng. Nếu thích màu xanh thì ngâm với lá cây, thích màu nâu thì ngâm với củ nâu, thích màu chàm thì ngâm với vỏ ốc suối, thích màu đỏ thì ngâm với quả rừng. “Dệt được một tấm thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn. Từ khi xe bông, ngâm sợi đến lúc dệt khoảng nửa tháng. Tấm thổ cẩm có màu sắc tươi, đẹp phụ thuộc vào cách nhuộm sợi; tấm vải mịn màng, họa tiết tinh tế phụ thuộc vào tay nghề. Ở bản làng chúng tôi có nhiều người dệt đẹp lắm”, chị Drinh chia sẻ.

Thổ cẩm lên đường xuất ngoại

Ngoài cung cấp cho thị trường Việt, thổ cẩm của người Jarai, Bahnar còn vươn ra thị trường thế giới, nhất là các nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản. Những nước có trang phục tương tác với mầu sắc thổ cẩm của người Jarai cũng rất thích mặc.

Hàng năm, ở các làng Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt xuất ngoại hàng chục ngàn bộ thổ cẩm có họa tiết đặc sắc. Cuộn gói trong mỗi bộ thổ cẩm không chỉ là giá trị sử dụng trong các mùa lễ hội, mà còn là nét văn hóa bản địa của người Việt.

Chị Drinh say mê bên khung cửi. Ảnh: MT

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đak Kơ Ninh Đinh Thị Phơr chia sẻ: “Thổ cẩm của chúng tôi làm ra hoàn toàn bằng các chất liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, không có chất bảo quản hoặc gây nóng bức nên rất được ưa chuộng. Trước mùa Covid, dệt đến đâu hết đến đó. Ngoài xuất khẩu tiểu ngạch, khách du lịch còn đến tận nơi xem chúng tôi dệt và mua luôn. Có người mua cho cả gia đình, hoặc làm tấm đắp đi du lịch. Tới đây chúng tôi sẽ thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm ở mỗi xã, mỗi làng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho chị em làm nghề mưu sinh, vừa tăng chất lượng mỹ thuật của sản phẩm. Câu lạc bộ dệt thổ cẩm cũng chính là nơi lưu truyền, dạy nghề cho con cháu trong bản làng”.

Xa quê hương hơn 20 năm, lần đầu tiên về Việt Nam và có chuyến hành trình đến bản làng của người Bahnar, bà Nguyễn Ngọc Nga (Việt kiều Pháp) lúc nào cũng khoác trên vai tấm thổ cẩm ren màu chàm lịch lãm. Bà bảo, tấm thổ cẩm bà được một chàng trai Pháp tặng ba năm trước. Lần này bà cất công đến làng Nhang Lớn cốt để tìm người dệt thổ cẩm đã bán cho chàng trai Pháp nọ để chuyển lời cảm ơn, và mua thêm vài tấm đem về cho con cháu trong gia đình dùng.

“Tôi cho rằng, những tấm thổ cẩm của đồng bào đang dệt chính là văn hóa bản sắc của người Việt chúng ta. Xa quê hương nhiều năm, nhưng khi nhìn thấy thổ cẩm Việt Nam, tôi cảm giác sự gần gũi thân thương xích lại, tình người cũng ấm áp hơn. Nếu nói về mỹ thuật và độ thân thiện môi trường, thổ cẩm của người Jarai, Bahnar hoàn toàn có thể đứng vững trên thị trường thế giới. Người Việt ở hải ngoại cũng rất chuộng những tấm vải thổ cẩm Việt mang bản sắc văn hóa đại ngàn này”, bà Nga chia sẻ.

Lưu truyền nghề truyền thống

Theo chị Drinh, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với sự sinh tồn của người Jarai và Bahnar. Chẳng ai nhớ chính xác nó có từ khi nào, chỉ biết, những bé gái ở các làng Nhang Lớn, Htiên, Hrach, Tơ Kắt khi sinh ra đã được nghe tiếng tí tách của quay vải, tiếng ịch ịch của go dệt. Để rồi khi khi lớn lên thành thiếu nữ, họ thành những nghệ nhân nối nghề và truyền lại cho thế hệ con cháu mai sau.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề thổ cẩm, chị Drinh luôn khát khao được truyền nghề cho lớp trẻ. “Ngoài mưu sinh, tui luôn mong muốn truyền lại nghề này cho con, cháu tui. Đây là cách giữ gìn bản sắc văn hóa của bản làng mình không mất đi hoặc mai một”.

Để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm là một việc không dễ. Bên cạnh những người lưu giữ bám nghề, thì có những người không mặn mà vì có thời điểm hàng dệt ra bị ế. Trước thực tế đó, chị em mong muốn chính quyền địa phương có phương án thành lập “Câu lạc bộ dệt thổ cẩm”, vừa tạo sân cho chị em làm, vừa là giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch trong và ngoài nước, vừa lưu giữ và truyền nghề cho lớp trẻ.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đak Kơ Ninh Đinh Thị Phơr cho biết, thời gian qua cấp ủy, chính quyền và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kông Chro rất quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi dân cư. Các giá trị văn hóa đậm chất dân tộc độc đáo được khôi phục, gìn giữ như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, hát dân ca, múa soang, làm nhà rông và nhà sàn. “Toàn xã có 7 đội cồng chiêng. Nam nữ các đội này đều biết dệt thổ cẩm. Sắp tới xã sẽ thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm cho 4 làng, tạo điều kiện cho chị em dệt tập trung, vừa có thêm thu nhập, vừa lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại”, Đinh Thị Phơr chia sẻ.

“Nghề dệt thổ cẩm thực chất là nghề lưu truyền di sản truyền thống của cha ông để lại. Ngoài mưu sinh cuộc sống hàng ngày, chúng tôi còn lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống của người Jrai, Bahnar để lại cho con cháu mai sau. Giá trị đó không tính bằng tiền bạc, mà bằng công sức giữ gìn di sản từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào tôi”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đak Kơ Ninh Đinh Thị Phơr. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm