Theo dõi Báo Thanh tra trên
Kim Thành
Thứ ba, 27/02/2024 - 12:52
(Thanh tra) - Tháp Tường Long là một di tích lịch sử văn hóa hàng nghìn năm tuổi, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận từ năm 2005. Đây là một điểm du lịch không thể bỏ qua đối với nhân dân và du khách thập phương khi đến với Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Quang cảnh tháp Tường Long. Ảnh: KT
Đồ Sơn là một khu du lịch nổi tiếng với những bãi tắm lý tưởng có phong cảnh hữu tình, thơ mộng. Tại đây còn có một di tích lịch sử văn hóa hàng nghìn năm tuổi nổi tiếng, đó là tháp Tường Long, đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo người dân trong và ngoài thành phố.
Khi đặt chân đến tháp Tường Long, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của quần thể tháp đầy linh thiêng mà còn có cơ hội được gửi gắm tâm tư của mình lên “cây điều ước” được đặt ngay chân tháp.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết: Tháp Tường Long được xây dựng từ thời Lý - thế kỷ 11, đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) niên hiệu Long Thụy Thái Bình trên đỉnh núi Long Sơn - ngọn núi cao nhất trong dãy núi Cửu Long của bán đảo Đồ Sơn, cao 95,2m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Ngọc Xuyên (nay là phường Ngọc Xuyên), quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Theo các nhà nghiên cứu, vị trí người xưa chọn để xây dựng tháp Tường Long ở quận Đồ Sơn có thế đất cao, cây cối xanh tốt, là nơi “tụ sơn tích thủy” nên thu giữ được khí thiêng của trời đất.
Theo sách Việt Sử lược chép: Tháp được xây vào năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm 1058.
Sách Đại Nam thống nhất chí chép: Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao hơn trăm thước.
Tháp Tường Long ở quận Đồ Sơn và tháp Báo Thiên ở Kinh đô Thăng Long là 2 công trình Phật giáo kỳ vĩ nhất, thời Vương triều Lý (1010-1250) - thời kỳ đạo Phật phát triển mạnh và được tôn làm Quốc giáo.
Tháp Tường Long được gắn liền với lịch sử kiến trúc nghệ thuật thời Lý, đặc biệt là các công trình kiến trúc về Phật giáo, là tiền thân của kiến trúc chùa Việt Nam, một biểu tượng đặc sắc của văn hóa Đại Việt và là một đại danh lam tiêu biểu cho lịch sử nghệ thuật tạo hình của dân tộc.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa kiến trúc độc đáo nên tháp Tường Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 65/2005/QĐ-BVHTT ngày 16/11/2005: Di tích khảo cổ - phế tích tháp Tường Long - phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Trải qua thời gian hàng nghìn năm, ngày nay, tháp Tường Long tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ học. Di tích tháp cổ chỉ còn nền móng tháp hình vuông, cạnh dài 7,86m, lòng tháp rỗng có diện tích khoảng 9m2. Những viên gạch xây tháp được tìm thấy có khoét lõm độ sâu vừa phải, khung hình chữ nhật in nổi 2 hàng chữ Hán về niên đại xây tháp Tường Long: Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo.
Năm 2008, được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố đã đầu tư phòng dựng tháp Tường Long có quy mô 9 tầng, hình vuông, cao 37,14m, vỏ tháp được xây bằng gạch gốm, cách trang trí mang đậm nét đặc trưng thời Lý với các hoa văn họa tiết rất tinh xảo và mềm mại.
Trong tầng 1 của tháp đặt tượng Phật A di đà được phỏng dựng bằng đá ngọc nguyên khối theo mẫu tượng Phật A di đà tại chùa Phật Tích - Bắc Ninh (bảo vật quốc gia) nặng khoảng 14 tấn. Công trình được khánh thành vào ngày 19/11/2017 (tức ngày 2/10 năm Đinh Dậu) chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Đồ Sơn (2007-2017).
Việc phỏng dựng tháp Tường Long - ngôi tháp cổ nghìn năm tuổi là một hoạt động nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cho hậu thế những di tích của tiền nhân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân và du khách khi đến thăm.
Do tháp Tường Long được xây dựng trên vị trí cao nên du khách khi đến có thể ngắm nhìn toàn cảnh biển Đồ Sơn. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, mang lại cảm giác yên tâm, hòa mình vào thiên nhiên. Vào ban đêm, nhờ hệ thống đèn điện nên quang cảnh về đêm ở nơi đây cũng rất ấn tượng.
Du khách đến thăm tháp Tường Long không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc của quần thể tháp mà còn hiểu thêm về tín ngưỡng Phật giáo. Thông qua các hiện vật, du khách có thể bắt gặp phong cách nghệ thuật mang hình bóng đương thời với những đường nét trau chuốt, mềm mại mà cha ông muốn gửi lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những thông điệp về nhân sinh quan - thế giới quan những ước vọng về cuộc sống ấm no, thanh bình.
Quần thể di tích tháp Tường Long gồm tháp Tường Long, nhà che hố khảo cổ học và khu quần thể chùa tháp Tường Long. Trong đó có tháp Tường Long được UBND TP Hải Phòng công nhận là điểm du lịch.
Từ khuôn viên chùa tháp, du khách có thể trải mắt nhìn toàn cảnh quận Đồ Sơn và bờ biển lộng gió. Ở 4 cạnh của mái chùa trang trí hình tượng đầu rồng thời Lý mũi dài, miệng rộng và chim Anh Vũ bằng đất nung.
Bên trong chùa, nhạc Phật an nghiêm được phát liên tục, khiến du khách gần xa đến đều có cảm giác thanh tịnh, tĩnh tâm.
Điểm nhấn trong quần thể di tích là công trình "Chùa vàng Thiên Trúc" được dát vàng bên trong. Đây là công trình tâm linh mang nét văn hoá Phật giáo nối liền giữa cổ và kim, truyền thống và hiện đại.
Chùa vàng Thiên Trúc là biểu trưng của cõi Phật, vừa là nơi phục vụ việc tâm linh tín ngưỡng cho nhân dân còn có tác dụng trấn yểm cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh.
Những ngày đầu năm, du khách thập phương đổ về tháp Tường Long cầu mong một năm an lành, sức khoẻ và may mắn. Ở khu vực cổng tháp có gian hàng đầu Xuân, trong đó du khách có thể đến xin chữ ông đồ, chụp ảnh, xuất hành đầu Xuân lấy may, với mong muốn một năm mới an khang, thịnh vượng. Đến nay, tháp Tường Long đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo người dân trong và ngoài TP Hải Phòng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý