Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/01/2011 - 21:57
Cuối cùng lễ trao giải tiệc phim ngắn Yxine - tiệc phim dành riêng cho những người trẻ đam mê phim ảnh - cũng đã có chủ. Nhiều bất ngờ, nhưng có lẽ bất ngờ hơn cả là trong số các phim được xướng tên trao giải lần này có đến hai phim hoạt hình đều là của một chủ nhân.
Hình ảnh phim Trên ngọn cây của họa sĩ Bùi Quốc Thắng
Chủ nhân hai bộ phim trên đều tuổi 8X. Ðỗ Ðăng Thường (sinh năm 1987) với The Journey unknow đã làm nhiều người thích thú bởi kịch bản sáng tạo và cách thực hiện kỳ công. Riêng bộ phim Trên ngọn cây của họa sĩ Bùi Quốc Thắng (sinh năm 1980), đạo diễn Lê Quý Dương - người trực tiếp chọn trao giải Trái tim trẻ cho anh - đã không ngớt lời khen tặng: "Ðó thật sự là một bộ phim tốt: đơn giản, sâu sắc và kỹ lưỡng.
Dù chỉ kéo dài 6 phút nhưng nó thể hiện một cách nhìn mới lạ, nhân văn về tình yêu thông qua hình ảnh cặp chim gõ kiến. Tôi nghĩ đó là điều rất đáng khích lệ đối với những người còn đam mê với hoạt hình Việt".
Cuộc chơi của những nhân tố mới
Trên diễn đàn phim Yxine, lần đầu tiên những bộ phim hoạt hình "made in Việt Nam" đã xuất hiện bên cạnh các phim ngắn, tài liệu... Ðó là Sơn Tinh - Thủy Tinh (hơn 27 phút) của nhóm SV ngành hoạt hình manga ÐH Hồng Bàng; là Trên ngọn cây (hơn 6 phút) của họa sĩ Bùi Quốc Thắng, người trước đó từng nhận bằng khen của ban giám khảo Liên hoan phim ngắn Cánh diều vàng 2009 cho phim hoạt hình Câu chuyện mùa đông; là Mai Hồ Kim Khánh, cô SV ÐH Văn Lang "chuyên trị" các bộ phim tâm lý ngắn, gây ấn tượng với phim hoạt hình Fragile (Mỏng manh); là Vương Ðình Khải với bộ phim hoạt hình siêu ngắn (2 phút) How much for a banana skin...
Hay như trường hợp của Ðỗ Ðăng Thường, một người trẻ có niềm đam mê thật sự với stop-motion (thể loại hoạt hình được thực hiện bằng cách ghép những bức ảnh chụp liên tiếp cử động của nhân vật) từng mày mò hơn nửa năm, chụp gần 4.000 tấm ảnh để cho ra đời The Journey unknown có độ dài chưa đầy 5 phút.
Bộ phim từng được trình chiếu trong khuôn khổ Future Shorts 2009 - chương trình được tổ chức hằng năm của Chính phủ Anh dành cho dân mê làm phim ngắn tại Việt Nam. Và chỉ với động lực nhỏ nhoi ấy đã khiến Thường có thêm nhiệt huyết để rủ rê bạn bè tham gia viết kịch bản, lên dàn ý, vẽ... cho phần 2 của câu chuyện. "Tụi mình chỉ cần có thời gian rảnh nữa thôi là sẽ bắt tay vào làm ngay. Mọi thứ đều đã được "bày biện" cả rồi" - Thường háo hức nói.
Các nhóm làm phim hoạt hình trẻ tự do trên Internet thì đếm không xuể... Những chủ đề về hoạt hình Việt Nam trên các trang 3dviet, dohoavn luôn trong trạng thái "bùng nổ", bởi sự hưởng ứng quá nhiệt tình từ hàng trăm phản hồi của cư dân mạng.
Họ chia sẻ kinh nghiệm làm hoạt hình, hỗ trợ nhau về máy móc thiết bị, truyền cho nhau những đường link phim tốt để học hỏi. Ít ai ngờ hoạt hình Việt có một thế giới "ngầm" sôi động đến vậy! "Nếu nói về mặt kinh tế chúng tôi chẳng được gì, nhưng cứ nhìn vào thực tế số lượng phim hoạt hình Việt đã ít, lại chủ yếu bị "cất kho" nên khao khát được làm hoạt hình là khao khát của rất nhiều người" - Bùi Quốc Thắng tâm sự.
Câu chuyện đánh chuông xứ người
Thực tế không đợi đến lúc những nỗ lực làm phim được ghi nhận từ các cuộc thi thì "phong trào" làm phim hoạt hình ở Việt Nam mới khởi sắc. Trước đó, hoạt hình Việt cũng đã có nhiều dấu ấn khó phai từ những người trẻ!
Năm 2009, nhiều tín đồ 3D đã rất ngạc nhiên khi xem Igor - một bộ phim hoạt hình 3D từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes lần 61 và kênh Star Movies, bởi đội ngũ tham gia làm phim có đến quá nửa là người Việt Nam. Igor không phải là bộ phim hoạt hình quốc tế duy nhất có sự tham gia của những gương mặt Việt. Tại TP.HCM, không khó để tìm ra những xưởng gia công hoạt hình của Ðức, Nhật, Pháp, đây chính là nơi làm việc của nhiều họa sĩ hoạt hình Việt Nam ở các vai trò khác nhau như họa sĩ thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật, đồ họa...
Thâm niên cao nhất có thể kể đến là Sparx, xưởng phim hoạt hình của Pháp đã có gần 20 năm hoạt động tại TP.HCM. Ngô Hoài Phương, người đã có hơn mười năm gắn bó với Sparx Việt Nam, nhớ lại: "Khi bắt tay vào làm việc tại đây mới nhận ra rằng người làm hoạt hình 3D của chúng ta thậm chí còn có tay nghề cao hơn nước ngoài bởi chúng ta làm hoàn toàn thủ công, từ việc tạo hình nhân vật bằng đất sét giả, trong khi nhân vật ở các hãng hoạt hình lớn như Dreamworks, Walt Disney đều được xây dựng dựa trên mô hình rồi scan 3D vào máy, sau đó gắn xương và hiệu chỉnh trước khi tiến hành diễn xuất. Ngoài Igor, những tên tuổi Việt còn xuất hiện trong Zoe Zazoke, Gazoon, Câu chuyện Giáng sinh thú vị (2004) của Walt Disney...".
Tương tự, Nguyễn Hữu Tú, một người Mỹ gốc Việt đã tốt nghiệp ngành đồ họa 3D tại AILA - Art Institute của Los Angeles, từng làm việc tại Giant Studio và góp tên trong hai dự án phim 3D là Polar express (Tàu tốc hành đến Bắc cực) cùng ngôi sao Tom Hanks và The day after tomorrow... trong vai trò vận hành dàn máy motion capture (dàn máy tạo nên các cử động của nhân vật).
Năm 2004 Tú trở về Việt Nam, chẳng ngần ngại gom sạch tiền bạc mua một dàn máy motion capture để chuyên làm hoạt hình 3D. Tiếc là đến giờ dàn máy "xịn" vẫn nằm im lìm trong xưởng của anh! Anh thành thật: "Có ba điều quan trọng mà theo tôi hoạt hình của chúng ta còn thiếu.
Thứ nhất là tiền. Dự án phim hoạt hình 3D Chuyện khu vườn của tôi bị dừng lại cũng vì không có kinh phí. Thứ hai là kịch bản tốt. Và cuối cùng, quan trọng nhất là một tinh thần phiêu lưu trong phim ảnh. Thật ra rất khó để thuyết phục ai đó đầu tư vào hoạt hình vì đây là sự đầu tư không thể thu lợi tức thì. Nhưng nếu không có những người có cái tinh thần phiêu lưu ấy thì rất khó mong chờ một sự khởi sắc cho hoạt hình Việt Nam".
Để nuôi dưỡng ký ức tuổi thơ
Có thể nói hoạt hình là một phần trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Nhưng trẻ em Việt Nam sẽ lớn lên cùng những ký ức về Tom & Jerry, vịt Donal, chuột Mickey hay Tấm Cám, Thạch Sanh, Trạng Quỳnh? Họa sĩ Bùi Quốc Thắng thẳng thắn: "Văn hóa của chúng ta không thiếu nguyên liệu để xây dựng các kịch bản hoạt hình hay. Có điều chúng ta hãy biết biến tấu cốt truyện cho hài hước, dí dỏm, tính "hoạt" nhiều hơn "thoại" để thiếu nhi yêu thích hơn. Nhẹ nhàng, vui vẻ không có nghĩa là không sâu sắc, không mang tính giáo dục".
Họa sĩ 3D Nguyễn Hữu Tú đề xuất: "Muốn có một bộ phim hoạt hình hay tôi nghĩ đa dạng hóa đội ngũ thực hiện là điều rất cần thiết. Nên chăng chúng ta hãy chia nhỏ bộ phim thành nhiều khâu và giao cho từng đơn vị chuyên môn về khâu đó thực hiện. Những người trẻ thường có ưu thế về kỹ xảo làm phim, hãy để họ thử sức".
Nhìn thấy từ thực tế hôm nay những tín hiệu tốt lành, đạo diễn Việt Linh, trưởng ban giám khảo Liên hoan phim Yxine, hào hứng chia sẻ: "Hầu hết bộ phim hoạt hình tham gia Yxine lần này đều vô cùng duyên dáng và lành mạnh, khác hẳn với sự xơ cứng, thường thích đề cập những vấn đề ghê gớm mà thiếu đi cái duyên của hoạt hình Việt trước đây.
Các bạn trẻ làm hoạt hình có nhiều lợi thế bởi cách xây dựng kịch bản của họ hồn nhiên hơn, họ lại có khả năng truy cập Internet tốt, học hỏi nhanh những cái hay từ các bộ phim nước ngoài nên làm phim khá chuyên nghiệp. Ðặc biệt là phim các bạn làm đều do tự bỏ tiền túi, làm cá nhân nên hoàn toàn độc lập và không có áp lực nặng về kinh tế. Ðây sẽ là những nhân tố rất đáng trông đợi của hoạt hình Việt Nam".
TTO
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên