Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Độc đáo làng gốm trăm năm của đồng bào Khmer

Nhật Huyền

Thứ hai, 29/11/2021 - 17:47

(Thanh tra) - Tồn tại khoảng một trăm năm nay, làng gốm Phnôm Pi ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer. Các sản phẩm gốm đều được làm thủ công, chủ yếu là những vật dụng dùng trong đời sống hằng ngày như: Cà ràng (bếp), cà om (nồi), lò than, khuôn bánh khọt…

Làng gốm Phnôm Pi có khoảng trăm năm nay, mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer. Ảnh: NH

Nghề làm gốm truyền thống Phnôm Pi của đồng bào Khmer có khoảng trăm năm nay. Các sản phẩm của làng nghề đều được làm thủ công, đã gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của nhiều người dân.

Điều làm nên sự khác biệt các sản phẩm của làng gốm Phnôm Pi so với các làng gốm khác là mang đậm nét đẹp truyền thống, tập tục sinh sống của đồng bào Khmer với các sản phẩm như: Cà ràng (bếp), cà om (nồi), lò than, khuôn bánh khọt…

Tất cả các sản phẩm gốm của làng nghề Phnôm Pi đều được làm thủ công, rất tỉ mỉ và mất nhiều thời gian nên có độ bền cao và đẹp, được nhiều người dân các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long ưa dùng.

Ngày trước, vào thời kỳ “hưng thịnh”, các sản phẩm gốm của làng nghề Phnôm Pi nổi tiếng khắp các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang cả Campuchia. Lúc đó, cả làng nghề có đến trăm bếp đỏ rực lửa quanh năm tất bật sản xuất.

Hiện nay, làng nghề truyền thống Phnôm Pi chỉ còn khoảng 10 hộ dân duy trì nghề gốm. Đối với người dân ở đây, việc làm ra những sản phẩm gốm không chỉ vì là nghề để mưu sinh mà còn giữ gìn một nghề truyền thống của ông cha đã để lại.

Theo sự phân công trong nghề, đàn ông thường làm những công việc nặng nhọc như đào, gánh đất, đốn củi, nung gốm... Còn phụ nữ thì đảm nhận những phần công việc đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ, như nhào nặn đất sét, tạo hình cho các sản phẩm gốm.

Sản phẩm gốm của làng nghề Phnôm Pi đều được làm thủ công, rất tỉ mỉ, có độ bền cao và đẹp. Ảnh: dantri.com.vn

Để tạo ra những sản phẩm gốm vừa có độ bền cao vừa đẹp mắt thì việc chọn đất làm gốm là một trong những công đoạn rất quan trọng. Ở làng gốm Phnôm Pi, người ta lấy đất để làm gốm tại khu vực hồ Latina, thuộc xã An Hảo, đất được lấy ở độ sâu từ 1 - 2m, hoàn toàn không pha lẫn tạp chất.

Đất sau khi được mang về sẽ được ủ, rồi tưới nước làm mềm, lấy cây đập, nhồi đất, sau đó mới nặn thành hình các sản phẩm và tạo các họa tiết lên sản phẩm. Những sản phẩm sau khi được tạo kiểu dáng hoàn chỉnh sẽ đem phơi từ 3 - 5 ngày, sau đó đem nung bằng rơm.

Điểm đặc biệt của sản phẩm gốm của làng nghề Phnôm Pi là không nung bằng lò nung, mà được nung bằng củi và rơm, với thời gian nung cho đến khi gốm chín là khoảng 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, để có một mẻ gốm có độ bền cao và đẹp thì khi nung, rơm phải được phủ kín để không bị lọt hơi ra ngoài.

Theo nhiều người dân ở làng gốm Phnôm Pi, tất cả các công đoạn từ nhào nặn đất và tạo hình sản phầm đều được làm thủ công nên đòi hỏi sự khéo tay của người thợ, thường thì phụ nữ sẽ đảm nhận những công đoạn này. Các sản phẩm làm ra có độ bền cao và đẹp mắt nên được nhiều người dân ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ưa chuộng một thời.

Ngày nay, với sự phổ biến của bếp từ, bếp điện, bếp gas, đã khiến cho các sản phẩm gốm của làng nghề truyền thống Phnôm Pi không còn được phát triển như trước đây. Chính vì thế, việc giữ gìn được nghề truyền thống đến ngày hôm nay là một điều đáng trân quý, như giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào Khmer.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm