Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 25/07/2011 - 11:06
(Thanh tra) - 500 năm trôi qua, di tích chùa Lương - cầu Ngói thuộc xã Hải Anh (Hải Hậu - Nam Định) mang trong mình một giá trị vô giá về nghệ thuật kiến trúc. Ngoài ra, nơi đây còn được biết tới là cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân và dân Hải Hậu.
Kiến trúc vô giá
Ngoài tên gọi là chùa Lương, chùa còn có nhiều tên gọi khác như Phúc Lâm Tự, chùa Trăm Gian… Lý giải về những cái tên này, ông Nguyễn Thanh Tiêu, Ban Quản lý khu di tích cho hay, Phúc Lâm Tự là tên chữ, có nghĩa là làm phúc như rừng. Còn tên gọi chùa Trăm Gian xuất phát từ kiến trúc tổng thể của ngôi chùa. 500 năm, trải qua nhiều lần trùng tu, hiện chùa có đúng 100 gian.
Theo sách “Quần Anh địa chí” còn lưu giữ, đất Hải Hậu xưa vốn có tên là “Quần Anh”, nghĩa là mảnh đất hội tụ quây quần của các anh tài hào kiệt. Nơi này trước đây vốn chỉ là một “Cồn ấp” nhỏ bé. Khoảng năm 1485, Thủy tổ Trần Vu nhận thấy đây là một nơi có địa thế đẹp nên quyết định khai khẩn, xây dựng làng xã. Thế đất có dáng “Long”. Cồn vươn lên phương Bắc, uốn lượn thành 9 khúc. Hiện tại, trong khuôn viên chùa còn lưu giữ được hai cái giếng mà người dân quen gọi là “giếng ngọc” hay “mắt rồng”. Theo phong thủy, thì nơi 2 giếng chính là mắt của rồng. Đuôi rồng kéo dài xuống tận chùa Tĩnh chia thành 9 cửa đổ ra biển.
Chùa Lương khi mới được xây dựng chỉ gồm 5 gian lợp cỏ khô. Đến nay, chùa đã mở rộng lên cả trăm gian. Phía trước chùa có một hồ rộng bờ xây bằng đá, hàng cây uốn lượn xung quanh, mặt nước như tấm gương in bóng “Thiên đài thạch trụ”. Suốt 500 năm qua, chùa vẫn ẩn mình đằng sau những tán cây cổ thụ oai hùng. Nếu nhìn từ xa, chúng ta sẽ chỉ thấy được chiếc cổng và khu Tam quan của ngôi chùa. Kiến trúc của chùa Lương mang đậm phong cách của thế kỷ 17-18. Chùa quay hướng Nam, chia làm 2 phần gắn bó chặt chẽ với nhau. Chùa còn lưu giữ được 79 tượng Phật đồ sộ hiếm có. Tượng Phật sinh động, phản ánh 5 giai đoạn tu hành từ khi sơ sinh, hiện tại, quá khứ, niết bàn…
Cách đó 100 mét có một cây cầu mang tên cầu Ngói, kiến trúc vô giá ở nước ta. Người xưa ở đây có câu: “Nội thập giáp, ngoại tứ thôn” nghĩa là, trong có 10 cây cầu, ngoài có 4 thôn làng. Sư cụ Thích Đàm Mận, trụ trì chùa Lương cho biết, cầu Ngói là cây cầu thứ 10 trong xã Hải Anh này. Nhưng vì cầu nằm trên mảnh đất thế “Long” nên được xây dựng với một kiến trúc hoàn toàn khác lạ. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu). Phần phía trên hoàn toàn được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Tổng cộng 9 gian lớn bé được thiết kế hết sức cầu kỳ, điêu luyện. Điều đặc biệt, cầu được đặt hoàn toàn trên 18 chiếc trụ đá chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4 - 5 mét, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính. “Các cụ đã khoét đá, làm thành cái ngõng chứ thời đó làm gì có bê tông cốt thép như bây giờ”, ông Tiêu cho hay. Cầu Ngói có bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỉ. Từ nề, mộc đều đạt tới độ điêu luyện. Bộ khung cầu vừa chắc chắn lại vừa mềm mại, uốn lượn như con rồng đang vươn mình bay lên. Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước. Cầu đẹp đến nỗi, nho sĩ Trần Phúc Khiêm phải thốt lên:
“Quần Anh non nước xem như vẽ
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”
Truyền thống cách mạng
Năm 1887, cụ Trần Khắc Khoan đã đứng lên thành lập nghĩa quân tại chùa Lương, xây dựng căn cứ, chiến lũy luyện tập đánh giặc bảo vệ quê hương. Thực dân Pháp ngày càng lấn tới, liên tục đàn áp, bóc lột nhân dân. Cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại chùa Lương đã diễn ra lễ cởi áo cà sa mặc áo lính lên đường cứu nước. Từ ngôi chùa này, sáu vị sư, sáu người lính đã hòa mình vào dòng người hừng hực ý chí đánh giặc bảo vệ quê hương. Sáu người ra đi nhưng ba người đã nằm lại nơi chiến trường. Họ đã hiến thân mình cho sự nghiệp toàn thắng của dân tộc ta. Ba người trở về mang trong mình những nỗi đau dai dẳng do chiến tranh để lại. Các vị “Tăng quân” này đều vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân Huy chương kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Lương là cơ sở họp hành, liên lạc của chính quyền Việt Minh. Năm 1947, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định được tổ chức tại đình Phong Lạc, ăn nghỉ tại đây. Và đây cũng là kho vũ khí của quân ta suốt từ năm 1948 - 1954. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, xã đã tổ chức ăn mừng tại sân chùa, ngay chính tại nơi 6 nhà sư đã cởi áo cà sa lên đường đánh giặc. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tinh thần yêu nước tại chùa Lương lại được khơi dậy. Ròng rã mấy năm, sân chùa Lương trở thành thao trường luyện tập, động viên lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân cứu nước. Hòa bình lập lại, chùa dành phòng khách để dạy chữ cho các lớp học cấp II của xã, cấp III của huyện.
Do có nhiều đóng góp trong hai cuộc kháng chiến, cả trong thời kỳ đổi mới, năm 1990 cụm di tích chùa Lương - cầu Ngói đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện tại, cụm di tích này đang được Sở VH-TT- DL Nam Định đầu tư tu bổ, sửa chữa với số vốn là 18 tỉ đồng. Theo dự tính, công trình sẽ hoàn thành trước tháng 10 năm nay. Hàng năm, cứ vào 13-16/3 Âm lịch, chùa lại khai hội. Hàng ngàn người con cũng như du khách thập phương lại đổ về thắp hương, cầu khấn…
Phạm Kế Toại
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh