Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu năm về làng Thủy Ba nghe chuyện bắt cọp

Minh Tân

Thứ hai, 26/02/2024 - 11:34

(Thanh tra) - Dưới chân núi Linh Sơn, người dân làng Thủy Ba vẫn kể cho con cháu nghe về những câu chuyện bắt sống cọp đầy dũng mãnh, ghi dấu của một thuở lập làng, mở xã.

Làng bắt cọp Thủy Ba nằm dưới chân núi Linh Sơn. Ảnh: Minh Tân

Về làng bắt cọp

Phía Tây huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có một ngọn núi hình con voi đang quỳ gối hướng về phía Bắc. Người dân vùng này còn gọi là núi Linh Sơn, hay là Đồi 74, và ngay rìa chân núi là ngôi làng Thủy Ba thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh nức tiếng về ngôi làng bắt cọp lưu truyền đến ngày nay.

Theo lời kể của những cụ cao niên trong làng, thuở trước, rừng già kéo dài từ dãy Trường Sơn về tận đồng bằng. Không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, người dân nơi đây còn phải đối mặt với các loài thú dữ, đặc biệt là loài cọp trở thành nỗi ác mộng hơn bao giờ hết. Loài cọp ở đây không chỉ hung dữ mà còn nhiều đến nỗi câu dân gian xưa vẫn lưu truyền: “Coọc (cọp) Thủy Ba, ma Trộ Rớ”.

Nhiều nơi, nỗi ám ảnh của loài cọp khiến người ta không dám gọi thẳng tên mà gọi chệch đi hay kèm theo sự kính sợ: Ông Ba mươi, ông Cọp, ông Hùm… Thế nhưng, người dân Thủy Ba nơi đây từ lâu đã tiến hành tổ chức giăng ải, bủa lưới bắt sống cọp, hình thành cả “nghề” bắt cọp nức tiếng gần xa.

Cụ Trần Đức Thọ kể về những dụng cụ, vũ khí được sử dụng trong các chuyến săn bắt cọp của dân làng Thủy Ba. Ảnh: Minh Tân

Trong lời kể của các cụ cao niên, ông tổ nghề bắt cọp của làng cũng đầy huyền bí… Giữa lúc loài cọp hung dữ rình mò sát hại cả người dân, thì một hôm, có con quạ đen bay qua nhả xuống làng một mẩu xương. Cảm thương, dân làng tổ chức chôn cất thì bất ngờ hồn phách người này nhập vào cốt đồng và xưng là Mai Quý Đông, rồi truyền dạy cho người dân làng Thủy Ba cách bắt cọp. Từ đây, dân làng bèn lập miếu thờ ông tổ nghề và tổ chức cúng tế trước và sau mỗi cuộc đi săn bắt cọp, với nghi thức lễ thượng vong và lễ hạ vong.

Từ lời chỉ dẫn của ông tổ nghề, dân làng Thủy Ba đi tìm cây sót - loài cây mà cọp thích ăn quả để bóc vỏ của chính loài cây này về làm lưới bắt sống cọp.

Cụ Trần Đức Thọ (90 tuổi), người làng Thủy Ba từng lên rừng bóc loại vỏ sót này, kể lại: “Năm đó, khi còn là thanh niên, 1 con cọp mò về làng bắt người, được làng huy động tôi cùng dân làng lên rừng tìm loại cây sót để bóc vỏ. Lưới sót vô cùng dẻo và chắc chắn mới có thể khống chế sức chống trả quyết liệt của loài mãnh thú khi sa lưới”.

Vỏ sót dùng chày gỗ đập nát, ngâm vào nước vôi từ 15-20 ngày để còn lại những phần sợi chắc chắn. Sợi sót được bện lại to bằng ngón tay cái và đan thành các tay lưới. Mỗi tay lưới dài khoảng 8m, cao 3,5m với 2 đòn khiêng do các thanh niên lực lưỡng phụ trách. Thuở đó, làng Thủy Ba có 3 thôn: Thủy Ba Đông, Thủy Ba Tây và Thủy Ba Hạ, được tổ chức thành 20 xâu (nhóm) bắt cọp. Đàn ông từ 18 - 45 tuổi đều phải tham gia vào các xâu. Thường mỗi xâu bắt cọp được giao phụ trách 5 tay lưới và mỗi xâu còn mang theo lưỡi mác sắc nhọn và 2 nạng sắt có cán dài.

Khánh vàng, khánh bạc vua ban

Mỗi khi phát hiện cọp dữ về làng, chức sắc trong làng báo hiệu cho các trưởng xâu tập hợp và cử những thanh niên dũng mãnh, tinh anh lần theo dấu vết, được gọi là nhóm “dọi dấu”. Bằng kinh nghiệm, nhóm “dọi dấu” lần theo từng dấu chân cọp, sợi lông vướng vào cây hay cả mùi mà cọp để lại. Khi nhóm “dọi dấu” trở về báo tin cũng là lúc dân làng biết có cuộc săn cọp bắt đầu.

Xác định được nơi con cọp dữ cát cứ, các trưởng xâu huy động lực lượng đến “ải” - điểm bủa lưới. Những tay lưới được dựng lên và nối liền nhau thành một hàng rào vững chải, phía sau là những thanh niên tay lăm lăm mác, nạng sắt. Cứ thế, các vòng lưới khép lại dần.

Tấm lưới được bện từ vỏ cây sót để bắt cọp được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: Minh Tân

Khi lưới đã “bủa” xong, bất ngờ bốn bên đồng thanh hô to: “Ba làng đứng dậy cho đều. Nghe tiếng ta reo hùm vọt dậy”, đáp lại là tiếng đồng thanh: “Reo… reo… reo” cùng với tiếng trống, tiếng phèng la thúc vang vọng cả núi rừng. Từ nơi trú ẩn, mãnh thú hoảng hốt, rống to rồi tháo chạy. Thế nhưng, đối mặt với mãnh thú là ánh lửa, là tiếng hò reo, ánh mác sắc ngời cùng với những tay lưới vững chãi.

Vòng vây cứ thế khép dần, hướng “chúa sơn lâm” về “rọ kẹp” - một cái bẫy bằng gỗ dày kẹp vào nhau, phía ngoài có lưới bao bọc phía cuối ải. Hoảng sợ, “chúa sơn lâm” chui đầu và bẫy, khi tiếng chốt gỗ của bẫy rơi xuống cũng là lúc tiếng dân làng hò reo của dân làng bắt sống được mãnh thú…

Nạng sắt - một trong những dụng cụ trong các chuyến bắt cọp của dân làng Thủy Ba. Ảnh: Minh Tân

Rồi các làng quanh vùng, mỗi khi có cọp dữ về bắt người, súc vật, người dân lại chuẩn bị lễ vật, tìm đến làng Thủy Ba để nhờ cậy dân làng ra tay bắt thú dữ. Danh tiếng làng Thủy Ba ngày càng lan xa.

Năm 1832, khi 1 con cọp hung dữ ngày đêm quấy phá, sát hại nhiều người dân ở vùng phường Thiên Thọ (phía Tây kinh thành Huế), triều Nguyễn đã ban chiếu súc 400 thanh niên trai tráng làng Thủy Ba vào vây bắt. “Mùng (mồng) sáu sắc lệnh vua ra. Tư tờ xuống phủ đòi Thủy Ba đi liền. Đòi vô mần (làm) “ải” Thừa Thiên. Dữ ma độc nước không yên những là…”, là lời kể truyền miệng của những già làng cho lớp trẻ của làng trong chuyến vây bắt cọp dữ năm đó.

Sau khi bắt sống được cọp dữ, triều đình nhà Nguyễn trọng thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng. Trong đó, ông Nguyễn Chẻng được vua ban tặng trang sức “Khánh vàng”, ông Cai Dẫn được ban “Khánh bạc”.

Vào năm 1830, vua Minh Mạng cho xây dựng "Hổ quyền" - nơi những con voi chiến đấu với cọp dữ. Làng Thủy Ba cũng là một trong những địa phương bắt sống cọp cung cấp cho đấu trường "Hổ quyền".

Năm 1953, con cọp nguy hiểm nhất trong vùng và cũng là con cọp cuối cùng sập bẫy của dân làng Thủy Ba. Theo các cụ cao niên, tính từ xa xưa, Thủy Ba đã giăng ải, bắt được gần 100 con cọp. Giờ đây, không chỉ những câu chuyện bắt cọp lưu truyền mà trong căn nhà truyền thống của UBND xã Vĩnh Thủy vẫn lưu lại tấm lưới từ cây sót, 1 cây nạng sắt và 1 chiếc sọt để gùi lưới bắt cọp. Nhưng lưu vật này, tính ra, cũng có tuổi đời cả trăm năm.

Truyền thống anh dũng của người dân Thủy Ba đã lưu truyền qua nhiều thế hệ không chỉ là niềm tự hào, ghi dấu quá trình chinh phục, chế ngự thiên nhiên của cha ông trong những năm mở cõi mà còn là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân nơi đây.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tư liệu về "Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”

(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Thái Hải

20:29 10/12/2024

Tin mới nhất