Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cuộc “chạy đua” tin tức tại điểm nóng dịch Covid-19

Thứ bảy, 20/06/2020 - 14:00

(Thanh tra)- Đại dịch Covid-19 dường như sắp qua đi tại Việt Nam, cả xã hội đang “lập lại trạng thái bình thường mới”. Sau tất cả những nhọc nhằn và nguy hiểm, với nhà báo Nguyễn Thắng - phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại Hà Nội, những ngày tác nghiệp trong tâm dịch vẫn luôn là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cầm bút của anh...

Nhà báo Nguyễn Thắng tác nghiệp tại khu cách ly Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: NVCC

90 ngày tác nghiệp đáng nhớ

Chia sẻ về những kỉ niệm trong 90 ngày tác nghiệp tại những điểm nóng dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, Nguyễn Thắng nhấn mạnh: Là phóng viên có nhiều năm tác nghiệp tại khu vực miền núi, trải qua không ít những nhọc nhằn, khó khăn trong nghề, tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ như mưa lũ, động đất, cháy rừng, dịch bệnh... nhưng quả thật, đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức lớn với người cầm bút, bởi không chỉ tác nghiệp nhanh, chính xác mà phải thận trọng, an toàn.

Nhà báo Nguyễn Thắng ví von: “Giống như một người “đi trên dây”, luôn phải nhanh nhẹn tiến bước về phía trước, cũng phải bình tĩnh, vững tâm để không bị “trượt chân”... Thử thách ấy thực sự “thử lửa” và tôi rèn những người làm báo chúng tôi, từ đó thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều qua những lần “bấm máy”, những dòng tin liên tục từng ngày”.

Trong những ngày đại dịch “quét” qua Hà Nội, nhà báo Nguyễn Thắng và đồng nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã tác nghiệp trực tiếp ở các vùng tâm dịch, khai thác được những hình ảnh, câu chuyện, tư liệu báo chí rất xúc động, mang tính thuyết phục cao về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ở đâu có sự kiện, ở đó có phóng viên, từ bệnh viện, khu cách ly, khu vực biên giới, những cuộc họp chỉ đạo đột xuất bất kể thời gian nào...

Công việc gấp nhiều lần, lượng tin bài tăng theo “độ nóng” của tình hình. Dù tác nghiệp không dễ dàng, thậm chí nguy hiểm nhưng phóng viên vẫn tích cực, xông pha, lăn xả trong từng “điểm nóng”. Quả thực, nhìn lại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để thấy rằng báo chí là một trong những “mũi tiên phong”, là một trong những lực lượng ở tuyến đầu.

“Có lẽ càng trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất, những người chiến sĩ trên mặt trận thông tin như chúng tôi lại bùng lên mạnh mẽ bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm của người làm báo cách mạng Việt Nam. Những ngày tác nghiệp ấy, những phóng viên theo dõi địa bàn Thủ đô đã bám sát mọi hoạt động của mặt trận chống dịch, mọi lúc mọi nơi, để cung cấp những thông tin kịp thời, chính xác, hữu ích nhất, mang tính định hướng cao nhất. Thậm chí, khi những tin đồn thất thiệt lan tràn trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, chúng tôi vẫn luôn là lực lượng tiên phong, quan trọng, làm nhiệm vụ kiểm chứng thông tin, “dập tắt tin đồn”” - nhà báo Nguyễn Thắng tâm sự.

Trong câu chuyện kể, ánh mắt của Nguyễn Thắng sáng lên vẻ tự hào khi nhắc đến sự vào cuộc của người làm báo cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ và nhân dân ghi nhận. “Tôi vẫn luôn nhớ đến lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ “phóng viên là những người trong tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là những phóng viên “chiến trường”. Đó là sự ghi nhận, sự “tưởng thưởng” quý giá đối với những người cầm bút”.

Guồng quay áp lực, an toàn thông tin, an toàn sức khỏe

Nói thêm về 90 ngày tác nghiệp đáng nhớ, nhà báo Nguyễn Thắng kể: Ngay khi nhận phân công từ tòa soạn, các nhóm phóng viên của cơ quan đã chia ra nhiều mũi tác nghiệp với yêu cầu phải bao quát thông tin, nhanh kịp thời, chân thực về sự kiện.

Rõ ràng, đưa tin là nhiệm vụ của tất cả các nhà báo, mà muốn có hình ảnh, thông tin chân thực, xúc động thì không có cách nào khác là phải tiếp xúc tận nơi với những người bị cách ly. Bởi thế, tôi luôn xác định rằng, mọi chuyến đi đều có nhiều nguy hiểm, phải thận trọng và an toàn, cũng phải nỗ lực hết sức để tiếp cận nguồn tin, hiện trường.

Nhà báo Nguyễn Thắng xông pha vào điểm nóng Hạ Lôi và có nhiều bài viết, hình ảnh được hàng chục báo sử dụng, độc giả đón nhận tích cực... Ảnh: NVCC

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, câu chuyện an toàn tác nghiệp của phóng viên được đặc biệt quan tâm. Trước mỗi chuyến công tác, thủ trưởng luôn chỉ đạo, nhắc nhở tôi và các đồng nghiệp rất kỹ về phương thức tác nghiệp trong mùa dịch đó là phải "phòng vệ" tuyệt đối an toàn và hạn chế đến mức tối đa đến các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao để tác nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Thắng kể lại: “Vẫn nhớ, trong chuyến đi tác nghiệp tại điểm nóng Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), ngay khi nhận lịch công tác, gia đình, người thân cũng khá lo lắng cho chuyến tác nghiệp đột xuất ít nhiều có rủi ro này. Vợ tôi đã cất vào ba lô cho tôi một lọ nước rửa tay, vài chiếc khẩu trang y tế, găng tay và áo mưa... để “phòng vệ” khi tác nghiệp trong khu vực cách ly. Khi trở về nhà, một lọ nước sát khuẩn, một lọ nước muối để sẵn ngoài cửa, áo mưa vứt thùng rác, tất cả quần áo, tư trang đều phải thay và giặt ngay lập tức... Thậm chí, những ngày ấy tôi dường như rất ít ôm con, thường xuyên làm việc với máy tính thâu đêm để kịp tin tức...”.

Để không bỏ lỡ bất kỳ một tin tức quan trọng, nhà báo Nguyễn Thắng cùng đồng nghiệp trong đơn vị “chạy đua” cùng thời gian, xông pha vào những điểm “nóng”. Khó khăn nhất là phải làm sao không bỏ lỡ thông tin, lại không được để mình nhiễm bệnh. Thực hiện mục tiêu kép đó, những phóng viên “chiến trường” phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo an toàn sức khỏe, khuyến cáo từ phía Bộ Y tế. Chính vì vậy, công việc dù rất căng thẳng, áp lực nhưng những người làm báo vẫn làm việc hiệu quả và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bản thân và gia đình.

Trong câu chuyện của mình, nhà báo Nguyễn Thắng, nhắc nhiều đến hình ảnh những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, nước mắt của chị điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nụ cười của người dân khu cách ly Trúc Bạch khi dỡ rào cách ly. Hay hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã Mê Linh với đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt phờ phạc sau một đêm thức cùng lực lượng liên ngành và người dân khu cách ly Hạ Lôi...

“Tất cả những hình ảnh ý nghĩa đó như thước phim quay chậm, tạo nên động lực để những chuyến tác nghiệp ở “điểm nóng” Trúc Bạch, Hạ Lôi, Đông Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... của tôi bớt đi căng thẳng” - nhà báo Nguyễn Thắng kể.

Không chỉ có vậy, trên tuyến thông tin này, với kinh nghiệm nghề nghiệp, nhà báo Nguyễn Thắng luôn xác định rằng, thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh là rất quan trọng nhưng phải cân nhắc về mức độ, liều lượng tin tức bởi không thể “quá mức” dẫn đến tâm lý hoang mang của người dân... rất có thể sẽ gây nhiễu loạn thông tin, đặc biệt một số đối tượng sẽ đẩy vấn đề lên mạng xã hội, làm người dân hoảng loạn hơn.

Nhận định tình hình như vậy nên nhà báo Nguyễn Thắng đã chủ động và mở rộng thông tin trong phản ánh, ghi nhận sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong chống dịch, những điểm sáng trong công tác này. Hai bài viết "Sát cánh cùng người dân thôn Hạ Lôi (Mê Linh) vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch Covid-19" và "Hà Nội triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch tại thôn Hạ Lôi", cùng 2 chủ đề ảnh, được hàng chục báo sử dụng, độc giả đón nhận tích cực...

“Thời điểm tác nghiệp trong đại dịch với tôi, có lẽ sẽ trở thành một chương rất đặc biệt trong sự nghiệp của mình. Những ngày dường như không nghỉ bởi guồng quay của công việc đầy áp lực, xuất hiện trên từng điểm nóng để có tin bài kịp thời. Biết bao nhọc nhằn, có mồ hôi, nước mắt, có âu lo, trăn trở về an toàn thông tin, an toàn sức khỏe... để đến hôm nay khi nhìn lại thêm tự hào, thêm trân quý giá trị của nghề báo, khi được đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch Covid-19” - nhà báo Nguyễn Thắng chia sẻ.

Sau những ngày tháng tác nghiệp ấy, nhà báo Nguyễn Thắng cùng nhiều đồng nghiệp cũng vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen dành cho cá nhân và tập thể các cơ quan báo chí trên địa bàn vì đã có những đóng góp tích cực trên mặt trận tuyên truyền chống dịch Covid-19.

Vũ Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm