Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 04/02/2014 - 07:19
(Thanh tra) - Song song với xây dựng căn cứ, thu phục nhân tài, chuẩn bị binh lương cho đại sự, Nguyễn Nhạc còn ra sức thu phục lòng dân. Việc thu phục ngựa thần núi Hiển Hách (Hánh Hót) là một trong những công tác dân vận thành công nhất của Nguyễn Nhạc trong việc thu phục các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Xà Đàng (Sédang)... Chính những thành công này tạo nên tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân năm 1789 đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Trước khi dựng nghiệp Đế, gia tộc Nhà Tây Sơn mở phường buôn trầu nguồn và trao đổi sản phẩm hai miền xuôi ngược, việc kinh doanh phát đạt, gia tộc Tây Sơn Tam kiệt trở thành gia tộc giàu nhất đất Phú Lạc vùng Tây Sơn hạ. Sau khi cụ Nguyễn Phi Phúc mất, là anh trưởng, Nguyễn Nhạc nối nghiệp nhà. Để mở rộng việc kinh thương, Nguyễn Nhạc dời trường buôn trầu nguồn về Kiên Mỹ cạnh dòng Côn Giang.
Nhà giàu, võ giỏi, Nguyễn Nhạc lại nổi tiếng phong nhã hào hoa nên được anh hùng hào kiệt khắp vùng đến giao du. Uy thế của Nguyễn Nhạc khắp vùng Tây Sơn. Ðể tỏ lòng kính mến, người đương thời gọi Nguyễn Nhạc là ông Hai Trầu. Nguyễn Huệ là chú Ba Bình hay Ba Thơm. Nguyễn Lữ là thầy Tư Lữ.
Sau khi tình nguyện nhận chức Biện lại thu thuế vùng Tây Sơn, ông Hai Trầu được dân chúng mến mộ vì ông lấy tài sản của mình bù đắp cho dân nghèo không có khả năng đóng thuế. Tiếng lành đồn xa, anh hùng hào kiệt khắp nơi quy tụ, thanh niên trai tráng đến để học võ và khai khẩn đất hoang. Trên được quan tin dưới dân chúng kính trọng, ông Hai Trầu ung dung lo đại sự.
Cơ sở đã vững vàng, quân lương tạm đầy đủ, Nguyễn Nhạc xuống An Thái thỉnh giáo thầy Trương Văn Hiến lên nắm quyền chỉ đạo khởi sự. Thầy giáo Hiến từ chối vì tuổi già sức yếu, nhưng có việc hệ trọng sẵn sàng góp sức. Trương Công còn dặn dò Nguyễn Nhạc: “Ba yếu tố cần thiết để thành công, con đã có đủ. Nhưng luôn luôn phải giữ vững nhân tâm. Ðược đất không bằng được thành, được thành không bằng được lòng người”.
Sau khi làm công tác dân vận thành công ở vùng hạ, Tây Sơn Vương ngược lên Tây Nguyên vận động người Thượng (tên cũ chỉ người dân tộc Tây Nguyên). Vì Nguyễn Lữ xuất gia theo đạo Minh Giáo (đạo Ma Ní) thờ Thần Lửa và người Thượng miền núi từ Quảng Nghĩa vào Phú Yên cũng thờ Thần Lửa, nên Nguyễn Nhạc thân hành cùng Nguyễn Lữ lên An Khê để vận động người Thượng. Ðã được kính mộ từ trước, lại thêm có “thầy hỏa giáo” đi theo. Tây Sơn Vương đến đâu được người Thượng hoan nghênh đến đó. Người Gia Rai coi Vương như thần và gọi là Vua Trời. Chỉ có người Sédang của chúa đoàn Bok Kiơm là không phục. Bok Kiơm nói: “Ông Nhạc không phải người trời vì không có gì khác thường”.
Ðể tỏ ra mình khác thường, Nguyễn Nhạc dùng giỏ bội (giỏ tre) gánh nước đi ngang qua buôn Sédang mỗi buổi sáng sớm. Bok Kiơm cho rằng, Nguyễn Nhạc có phù phép, chớ không phải có tài trời sanh. Nếu Tây Sơn Vương bắt được con ngựa thần trên núi Hánh Hót thì Bok Kiơm mới phục. Theo người Thượng, ngựa thần là con ngựa đầu đàn của bầy ngựa rừng ở vùng núi Hánh Hót đất An Khê, có sắc trắng tinh, lông gáy và lông đuôi dài và óng như tơ, tiếng hí vang cả rừng và nghe xa chín mười dặm thẳng. Bầy ngựa rừng này hễ thấy bóng người là chạy tránh vào rừng sâu.
Quyết chí bắt cho được ngựa thần mới thu phục được người Sédang, vì dân tộc này đông đảo nhất An Khê, thu phục được người Sédang thì vùng Tây Nguyên mới thật là đất Tây Sơn. Nguyễn Nhạc để Nguyễn Lữ ở lại tuyên truyền, một mình về Kiên Mỹ cho người đi mua một số ngựa cái lớn tốt, đem về dạy cho khôn, hễ nghe tiếng hú là chạy đến.
Sau khi huấn luyện bầy ngựa đã thành thục, Nguyễn Nhạc đem lên thả trên núi Hánh Hót cho sống chung với bầy ngựa rừng. Ít hôm ngựa rừng và ngựa nhà quen nhau. Hễ nghe tiếng hú thì ngựa nhà chạy về, ngựa rừng cũng chạy theo, nhưng vừa thấy bóng người thì quay đầu trở lại, nhưng chạy một lúc xa rồi quay đầu ngó lui. Nguyễn Nhạc lấy cỏ bỏ cho ngựa ăn, rồi trở về. Ngựa rừng liền quay trở lại ăn cỏ cùng ngựa nhà. Lâu dần, ngựa rừng thấy bóng người không còn có vẻ hoảng sợ nữa, nhưng không dám lại gần. Lần này, Nguyễn Nhạc cho ngựa nhà ăn xong mà không bỏ đi, ông đứng vuốt ve bầy ngựa nhà, hết con này đến con khác.
Mấy hôm sau bầy ngựa rừng nhận thấy người không có ý làm hại giống nòi, bèn kéo đến ăn cỏ. Khi bầy ngựa rừng đã dạn, Nguyễn Nhạc đem cỏ bỏ gần cho ăn, rồi từ từ tiến đến vuốt mõm vuốt lưng hết con này đến con khác. Con ngựa bạch đầu đàn ban sơ còn tỏ ý không thuận, nhưng dần dần đứng yên cho người vuốt ve.
Chinh phục được bầy ngựa rừng rồi, Nguyễn Nhạc hẹn cùng Bok Kiơm nơi chốn và ngày giờ đến chứng kiến. Ðể cho bầy ngựa khỏi sợ vì đông người. Nguyễn Nhạc bảo Bok Kiơm cùng đám tùy tùng núp sau mõm đá rồi cất tiếng hú. Bầy ngựa rừng theo bầy ngựa nhà chạy đến. Nguyễn Nhạc lấy cỏ cho ăn và vuốt ve như thường lệ.
Sau khi chứng kiến Nguyễn Nhạc thu phục được ngựa thần, người Sédang tin Nguyễn Nhạc là người Trời thật, hết lòng thần phục và bắt chước người Gia Rai gọi là Vua Trời. Từ đó, tên gọi Vua Trời trở thành tiếng chung của người Thượng từ An Khê trở vô Phú Yên và trở ra Quảng Nghĩa, dùng gọi Nguyễn Nhạc.
Sau này, con bạch mã trở thành chiến mã theo Nguyễn Nhạc trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn và kết thúc triều Hậu Lê. Khi Nguyễn Nhạc qua đời, ngựa thần bỏ về nơi nó được sinh ra…
Hoàng San
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà