Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cao nguyên Vân Hoà, nơi lưu giữ văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hòa

Chủ nhật, 19/09/2021 - 10:31

(Thanh tra) - Vùng Cao nguyên Vân Hòa của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có 13 dân tộc thiểu số (DTTS): Êđê, Chăm Hroi, Bana, Tày, Nùng, Dao, Khơme, Bacô, Rắclay, Giarai, Xtiêng, Chơru, Thái sinh sống. Trong đó, có 3 DTTS có dân số khá đông là Ê đê, Chăm Hroi và Bana. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương tỉnh Phú Yên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội đồng bào DTTS nơi đây được nâng lên rõ rệt.

Biểu diễn trống đôi ở Sơn Hòa, Phú Yên để thu hút du khách. Ảnh: Thanh Hòa

Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025, Cao nguyên Vân Hòa và vùng phụ cận (huyện Sơn Hòa và huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) được ưu tiên để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa, con người các đồng bào DTTS.

Việc phát triển tuyến du lịch Cao nguyên Vân Hòa không chỉ khai thác các thế mạnh về du lịch mà còn giới thiệu cho du khách những “đặc sản” văn hóa của đồng bào các DTTS đặc sắc nơi đây.

Mới đây, tại Di tích Lịch sử cấp quốc gia Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), Sở Văn hoá Thể thao Du lịch (VHTTDL)  phối hợp UBND huyện Sơn Hòa và UBND huyện Tuy An khai trương tuyến du lịch Cao nguyên Vân Hòa.

Theo chân đoàn khảo sát du lịch của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên đến Cao nguyên Vân Hòa thuộc các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của huyện Sơn Hòa, chúng tôi được “mục sở thị” nhiều địa danh nổi tiếng và các nét văn hóa độc đáo nơi đây.

Theo đó, Cao nguyên Vân Hòa là vùng đất đỏ bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa, có độ cao trung bình 400m so với mực nước biển, có núi đồi trùng điệp, nhiều hồ, suối, thác nước, các thảm thực vật... tạo nên hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm.

Nơi đây có Khu căn cứ địa của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ và Khu di tích Địa đạo Gò Thì Thùng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008; có Hội đua ngựa Gò Thì Thùng - An Xuân rất đặc trưng được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng hàng năm.

Bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS đặc sắc, phong phú với nhiều hoạt động lễ hội như: Trình diễn Cồng Chiêng, múa xoang và nhạc cụ dân tộc; nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Đến với Cao nguyên Vân Hoà, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của người dân bản địa như gà kho mắm thơm hay canh chua lá dít của người Êđê. Thịt bò một nắng chấm muối kiến vàng, nấm mối của người Chăm Hroi... xem nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Nguyễn Đình An cho biết, phát huy những kết quả đạt được, năm 2021 huyện phấn đấu giá trị sản xuất đạt 4.550 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 800 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương quản lý 155 tỷ 650 triệu đồng; thu ngân sách 80 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 1.810 lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo 3%/năm...

Huyện cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt, chỉ đạo 2 xã đăng ký hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra. Đồng thời, quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng; tạo điều kiện mở rộng thu hút đầu tư và Cụm công nghiệp Ba Bản. Tập trung khôi phục các ngành nghề truyền thống và du nhập thêm ngành nghề mới. Tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch…

Bên cạnh việc phát triển kinh tế địa phương, hầu hết người dân là đồng bào 13 dân tộc trên địa bàn đều được huyện quan tâm. Nhiều hộ đồng bào đã có mô hình chăn nuôi, sản xuất giỏi, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều và đời sống bà con được nâng lên rõ rệt.

Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử văn hóa tại địa phương; nâng cao chất lượng các lễ hội, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp các doanh nghiệp đã khảo sát một số dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí tư phát triển vùng Cao nguyên Vân Hòa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, ăn uống với các món ăn đặc sản nơi đây và tham quan các điểm du lịch như: Khu Long Vân Garden, Trang trại Nông nghiệp công nghệ cao - BB Farrm; các điểm tham quan vườn cây Đỏ tại xã Sơn Xuân và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.

Cũng theo ông Phạm Văn Bảy, thời gian tới Sở VHTTDL tiếp tục tổ chức xây dựng và phát triển tuyến du lịch Cao nguyên Vân Hòa theo định hướng “phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa cộng đồng 13 dân tộc DTTS nơi đây”.

Phát triển tuyến du lịch Cao nguyên Vân Hòa có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên nói chung và cho các địa phương, cộng đồng dân cư có các điểm du lịch trên tuyến du lịch nói riêng; nhằm phát huy tối đa lợi thế và khai thác hiệu quả các giá trị về du lịch cộng đồng và du lịch nhân văn của khu vực này; bảo tồn và phát huy các giá trị di tích; bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa gắn với vùng đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động, tạo ra sản phẩm, tăng thu nhập và làm giàu trên chính quê hương mình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm