Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cái đùi gà của mẹ tôi

Thứ tư, 19/01/2011 - 19:41

(Thanh tra)-Khi còn nhỏ tôi là con trong một gia đình khá giả của vùng quê biển. Khỏi nói ai cũng biết, sáu muơi năm trước một gia đình khá giả vùng quê thì cuộc sống sung sướng thế nào. Nhưng đấy không phải là điều ghi dấu ấn trong tôi suốt cho đến nay.

Làng tôi thuần nhã, tất nhiên là có tên hành chính do triều đình đặt cho, nhưng sau đó tên làng, những khu xóm còn lại người dân tự gọi lâu thành chết luôn cái tên từ bao đời chẳng biết. Rời làng năm mười tuổi lên thành phố sống cho đến nay, những nơi tôi cư ngụ là những con đường có tên không mộc mạc như làng tôi, căn nhà tôi như mọi nhà khác đều được đánh số, người xa đến khỏi hỏi thăm, chỉ việc lần theo con số là ra. Ở bên này và bên kia bức tường bê tông khác với hai bên một hàng giậu, nó là vách ngăn hai thế giới - không màu xanh, tất nhiên - gần như cách biệt, ngoại trừ trường hợp, nói đổ xuống sông xuống biển, khi một đám cháy xảy ra thì người ta mới có dịp chung tay để… cứu mình!

Từ làng xóm tôi thành cư dân của một con đường và đương nhiên tôi cũng có nhiều hàng xóm mà số lượng đếm theo thời gian chuyển dịch trong bấy nhiêu năm không phải là ít, nhưng đó là những giọt nước mưa nhỏ xuống lá môn và tuột đi mất. Nhưng câu “tình làng nghĩa xóm” vậy mà khó thay thế bằng một câu nào khác cho ổn. Và câu “tối lửa tắt đèn” mềm ấm hơn là câu “cả chung cư cúp điện” nghe cứng như bê tông cốt thép chẳng thấy gợi cảm chút gì. Sáu mươi năm chung vách với biết bao người, chẳng biết gì hơn về họ ngoài cái tên gọi và họ lần lượt đến rồi lần lượt đi không để lại trong tôi những thứ gọi là đáng để.

Chuyện xảy ra lúc nhỏ mà nay vẫn nhớ là chuyện cái đùi gà béo ngậy vàng rụm.

Thuở ấy nhà tôi nuôi vô số gà, chúng tự bươi mà sống, thỉnh thoảng mới được vãi cho nhúm thóc, không có cảnh “cơm bưng nước rót” như với lũ gà là những cái máy sản xuất thịt, trứng ngày nay. Chúng tự tìm ra bạn tình mà giao lưu và sinh sôi nảy nở, những con gà con ra đời hoàn toàn toàn bằng hơi ấm cơ thể của mẹ. Nhà tôi chỉ cần có dịp là thịt một con trong chúng. Và vào những ngày cuối năm lạnh se thắt, con gà trống to đùng bỗng nhiên ủ rũ, bỏ ăn không thiết cả chuyện la cà khoe mẽ với đám gà mái, mẹ tôi làm thịt nó. Bà sai tôi lấy cái đĩa cổ có hoa xanh thẫm bưng cái đùi gà ngon nhất sang biếu bác Giáp, một ông đồ nho bạn từ thời để chỏm của cha tôi, nhà chỉ cách nhà tôi có một hàng bông bụp. Biết tôi là thằng “trâu lấm” - tên thường gọi trong nhà - mẹ dặn đi dặn lại rằng phải nói với bác Giáp cho thật lễ phép. Học thuộc lời mẹ dặn và nói cho trơn tru là chuyện không dễ dàng đối với tôi, nhưng rồi mọi chuyện cũng như ý mẹ tôi. Trở về nhà chưa lâu tôi thấy thằng bạn con bác Sáu ở vườn phía sau cũng lệ khệ bưng sang biếu mẹ tôi một cái đùi gà thật bắt mắt, ngày thường nó cũng ba toác đầu bò đầu bướu chẳng kém gì tôi nhưng hôm ấy sao nó “văn hoa” đến thế.

Đứa con hàng xóm ra về, gia đình tôi quây quần quanh chiếc chiếu hoa ăn cơm. Cả cha lẫn mẹ tôi hôm ấy đều có vẻ khác lạ, họ thỉnh thoảng lại nhìn nhau nhưng ai cũng trầm ngâm ăn mà không nói gì, phần tôi thì thịt gà là trên hết, thấy cha mẹ như vậy nhưng còn bụng dạ nào để quan tâm. Cơm nước xong, anh cả tôi - tuy còn nhỏ nhưng tính tình thùy mỵ, nói năng từ tốn rất có uy tín trong nhà - được mẹ tôi sai mang trả nhà bác Sáu cái đĩa kiểu. Anh về được một lát thì người con gái út nhà bác Giáp sang và cũng trả mẹ tôi một cái đĩa y như vậy. Cô ta còn không quên cám ơn và khen thịt gà béo rất ngon. Con gái quê tuổi chưa bao nhiêu mà đã khéo như thế. Lúc này sự thông minh đột xuất chợt đến, và tôi mới hiểu vòng quay của cái đùi gà, và vì sao cha mẹ tôi không nói năng gì trong bữa cơm khi nãy.

Từng ấy năm dâu bể, tôi thay đổi nhiều nơi ở, dĩ nhiên là tôi không nhớ những người chung vách, họ như những người khách qua đường đến rồi đi, không thiếu người tử tế nhưng tôi vẫn bâng khuâng thấy giữa chúng tôi như còn thiếu một thứ gì. Cũng bây giờ, mỗi khi nhìn thấy thịt gà, tôi vẫn thấy nó rất ngon (không ngon sao được) nhưng có lúc vẫn mất một vài giây trầm ngâm như cha mẹ tôi ngày trước. Trầm ngâm là vì, cha mẹ tôi và các bạn hàng xóm của họ giờ không còn. Nhưng có là may cho các cụ không, khi mà bây giờ chỉ có cảnh cúp điện cả khu phố mà không còn cảnh “tối lửa tắt đèn” như thời xa xưa ấy?

                                                                                                Mãn Châu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm