Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các tòa soạn báo làm gì trước yêu cầu chuyển đổi số?

Chủ nhật, 20/06/2021 - 17:32

(Thanh tra)- Chuyển đổi số (CĐS) là việc ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. CĐS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có báo chí - truyền thông.

Ảnh minh họa: nguoilambao.vn

Cơ hội lớn đối với báo chí - truyền thông

Trong công cuộc CĐS quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giữ sứ mệnh và vai trò dẫn dắt. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “CĐS không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới”.

Theo các chuyên gia, CĐS sẽ giúp cung cấp các dịch vụ một cách tối ưu và giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả nhất, phục vụ phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Ở cấp độ quốc gia, CĐS dựa trên 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp độ từng chủ thể ngành, đơn vị, cơ quan, CĐS dựa trên 3 nền tảng chính: Con người, quy trình và công cụ. Tùy theo tính chất, từng lĩnh vực ngành nghề xác định những yếu tố động lực cho sự phát triển CĐS của lĩnh vực đó. Chẳng hạn, ngành bưu chính xác định 4 yếu tố động lực chính cho CĐS của ngành là: Con người, cơ chế, công nghệ và cộng đồng.

Nói cách khác, để CĐS, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người rồi mới đến cơ chế, quy trình, công nghệ và công cụ.

Ngày 3/6/2020, Thủ  tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các địa phương trong cả nước đều đã xây dựng kế hoạch CĐS của địa phương, của ngành.

Báo chí - truyền thông, cùng với công nghệ số, được coi là đôi cánh của lĩnh vực thông tin - truyền thông, lĩnh vực vừa tạo nền móng cho CĐS, vừa đóng vai trò dẫn dắt quá trình CĐS quốc gia. Để làm tròn chức năng thông tin phản ánh dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, làm cầu nối giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân, xây dựng niềm tin, tạo nên sức mạnh toàn xã hội; lĩnh vực báo chí - truyền thông không thể đứng ngoài, đi sau, mà phải tiên phong trong CĐS. Đây vừa là cơ hội, là lợi thế, vừa là thách thức đặt ra đối với báo chí - truyền thông.

Hiện trạng và thách thức

Trên thế giới, hầu hết các tòa soạn đã được tổ chức lại theo mô hình tòa soạn lai (hybrid newsrooms), kết hợp giữa mô hình kĩ thuật số và mô hình tòa soạn truyền thống. Tỉ lệ tòa soạn xuất bản trên nền tảng website chiếm gần 50% (theo ictvietnam.vn, tháng 1/2021). Ở Việt Nam, hầu hết các cơ quan báo chí đang có từ hai loại hình báo chí trở lên. Một số có đủ 4 loại hình (TTXVN, VOV, Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Đài PT-TH và Báo Bình Phước). Một khảo sát cho thấy, 80% sử dụng nền tảng mạng xã hội (MXH) Facebook để truyền tải nội dung báo chí. Hầu hết đều thiếu nhân lực công nghệ cho CĐS (chỉ có khoảng 5% nhân viên chính thức) và phần lớn phải thuê bên ngoài.

Nhiều thách thức đặt ra đối với các cơ quan báo chí khi CĐS, nhưng tựu trung lại là: MXH sản xuất tin tức tự do, tự chủ, không ai kiểm soát, trở thành đối thủ cạnh tranh tin tức lớn nhất với báo chí cả về số lượng, quy mô, tốc độ đưa tin và cách tiếp cận, chất lượng âm thanh, hình ảnh; vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí bị MXH xâm phạm nghiêm trọng và khó kiểm soát; công nghệ thông tin đã làm thay đổi sâu sắc cách thức tiếp nhận thông tin và phản hồi, tương tác của công chúng đối với báo chí đòi hỏi báo chí phải thay đổi cách tiếp cận công chúng; kinh tế báo chí ngày càng khó khăn trong bối cảnh nguồn thu truyền thống của báo chí ngày càng lao dốc (thu từ phát hành, từ quảng cáo, từ các dịch vụ của cơ quan báo chí…) do tác động của đại dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế (phần lớn các cơ quan báo chí giảm tới 50-60% nguồn thu trong năm 2020).

Ảnh minh họa: nguoilambao.vn

Các nền tảng CĐS cho các cơ quan báo chí

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ TT&TT xác định: “CĐS là xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, thu hút độc giả. Trong năm 2020, các cơ quan báo chí đã có chuyển đổi tích cực trong nhận thức về CĐS, nhưng triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan báo chí muốn ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong hoạt động của mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu, dùng sản phẩm gì, giải pháp nào…”.

Để giúp các cơ quan báo chí giải quyết các khó khăn này, Bộ TT&TT đã xây dựng chương trình hỗ trợ CĐS, công bố 3 nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS trong năm 2021.

Một là, nền tảng Quản lí tòa soạn điện tử, cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số; bao gồm các hoạt động quản lí quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong tương lai gần. Bộ TT&TT đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lí tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả các module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng, bao gồm: máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Hai là, nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên MXH, giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Đây là cách giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng độc giả. Để sử dụng, khai thác nền tảng, các cơ quan báo chí sẽ được Bộ cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.

Ba là, nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.

Đây là những sự hỗ trợ cần thiết, cơ bản, là cơ hội giúp các cơ quan báo chí trong CĐS. Tuy nhiên, nếu các cơ quan báo chí không chủ động để sẵn sàng đón nhận một cách tích cực, thì cơ hội đó sẽ lại là thách thức, là áp lực trên con đường tất yếu CĐS.

Các tòa soạn báo làm gì để chủ động thích ứng, tận dụng thời cơ CĐS?

Để tích cực, chủ động tiếp nhận sự hỗ trợ các nền tảng nói trên từ Bộ TT&TT và tự vận động, các tòa soạn có nhiều việc phải làm.

Trước hết, cần trang bị hành trang số, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo.

Thế giới đang ngày càng được số hóa mạnh mẽ. Để có thể tham gia vào hệ sinh thái Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân cần được trang bị kiến thức, kĩ năng số. Trong các cơ quan, tổ chức - trong đó các cơ quan báo chí là các tổ chức có tính đặc thù - các thành viên phải được trang bị, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số.

Theo UNESCO, năng lực số là khả năng truy cập, quản lí, hiểu biết, tích hợp, giao tiếp, đánh giá và tạo ra thông tin một cách an toàn và thích hợp, thông qua công nghệ số, sử dụng công cụ và thông tin số một cách hiệu quả để đưa ra quyết định đúng đắn trong công việc. Trong tòa soạn CĐS, từ người lãnh đạo, quản lý, đến biên tập viên, phóng viên cần được trang bị kiến thức số, năng lực số để tiếp nhận, sử dụng được sự hỗ trợ về các nền tảng: Quản lí tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận trên MXH; và hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Ảnh minh họa: nguoilambao.vn

Thứ hai, chủ động nắm bắt để thích ứng với các xu thế vận động và phát triển của báo chí truyền thông hiện đại. Công cuộc CĐS trong lĩnh vực báo chí - truyền thông không đơn thuần là “đưa hoạt động báo chí lên không gian mạng”, mà đòi hỏi sự thay đổi về chất ở tất cả các khâu của quy trình hoạt động báo chí. Các nghiên cứu về báo chí - truyền thông hiện đại đã chỉ ra các xu hướng vận động, phát triển báo chí thế giới trên nền tảng công nghệ số, là: Multi-platform (đa nền tảng), Mobile Media, Mobile Journalism (báo chí di động), Social Media, Social Journalism (báo chí xã hội), Data Journalism (báo chí dữ liệu), Innovative Journalism (báo chí sáng tạo), Content personalization (cá nhân hóa nội dung), Global collaborative journalism (hợp tác toàn cầu), Digital mega-stories (siêu tác phẩm báo chí), Podcast (file âm thanh trên mạng), Artificial Intelligence (trí tuệ nhân tạo)... Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải chủ động nắm bắt xu thế để đổi mới sáng tạo nội dung và đổi mới hình thức thông tin của báo chí, vừa bắt kịp sự phát triển của công nghệ, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu và cách thức tiếp nhận thông tin ngày càng mới, càng cao của các tầng lớp công chúng truyền thông mới.

Một dẫn chứng từ các Giải Báo chí Quốc gia gần đây cho thấy: Hơn 80% số tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo hằng năm (trung bình 150 tác phẩm/năm) là tác phẩm dài kì (từ 2 kì trở lên) với tầm vấn đề có quy mô lớn. Trong đó, ở loại hình báo điện tử, hầu hết tác phẩm vào chung khảo và đoạt giải đều là tác phẩm đa phương tiện, long-form, megastory có dữ liệu và lượng thông tin lớn, hình thức chuyển tải hiện đại, sinh động, hấp dẫn. Ở những loại tác phẩm này, vai trò và hàm lượng chất xám công nghệ số ngày càng cao, là hội tụ thành quả lao động của cả phóng viên, biên tập, thiết kế đồ họa và đội ngũ IT.

Thứ ba, khẳng định vai trò dẫn dắt của nhà báo trong tòa soạn CĐS. “Nói về quá trình CĐS của tòa soạn, Nick Rockwell - Giám đốc Công nghệ của New York Times - tờ báo luôn đi tiên phong trong đổi mới công nghệ cho rằng, sứ mệnh cốt lõi của tờ báo là phục vụ bạn đọc, dù là cung cấp thông tin thời sự theo lựa chọn của tòa soạn, hay thiết kế nội dung cá nhân hóa - đều hướng đến việc người đọc trở thành người đăng ký trả tiền đọc báo dài hạn (subscription). Các cơ quan báo chí đặt sứ mệnh phục vụ công chúng trả phí lên hàng đầu” (theo Ngô Bích Ngọc, tạp chí Người Làm báo, 7/1/2021).

Điều đáng nói là công chúng ngày nay đóng cả hai vai: “là người tiếp nhận thông tin, họ được trao quyền để lựa chọn những nội dung mình muốn đọc, muốn tiếp cận… là người sản xuất nội dung - người đọc có thể truyền đi bất cứ thông tin, thông điệp gì… Nội dung do người dùng tạo ra (user-generated content) càng ngày càng chiếm số lượng lớn với sự tham gia của nhiều cây viết có năng lực, thu hút được sự quan tâm và chinh phục được niềm tin của công chúng”.

Rõ ràng, với sự cạnh tranh trong môi trường CĐS, nếu các nhà báo không tự khẳng định tính chuyên nghiệp vượt trội, để giữ đúng vai trò dẫn dắt, định hướng thì sẽ tụt hậu và bị đào thải bất cứ lúc nào.

Thứ tư, cần đổi mới phương thức quản trị tòa soạn trên nền tảng số hóa.

Hiệp hội các nhà xuất bản FIPP phối hợp với Tập đoàn tư vấn truyền thông Innovation đã tổng kết 13 mô hình kinh doanh mới, giúp cơ quan báo chí tăng doanh thu (Báo cáo Sáng tạo trong báo chí toàn cầu 2020-2021, Thông tấn xã Việt Nam xuất bản). Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng các đăng ký dài hạn; Tổ chức sự kiện; Hoạt động câu lạc bộ, quan hệ đối tác tốt với các nhà quảng cáo và những công ty khác cho nhóm sản phẩm/dịch vụ; Dịch vụ công nghệ thông tin, tạo phần mềm truyền thông độc đáo; Môi giới dữ liệu, có phần mềm thu thập dữ liệu tinh vi và khả năng phân tích nội bộ để nhận ra khách hàng tiềm năng và cung cấp dữ liệu tùy chỉnh; Nhượng quyền thương hiệu, cấp phép thương hiệu, sở hữu các thương hiệu mạnh và có giá trị cao; Đầu tư sáng suốt vào các công ty/dự án khởi nghiệp truyền thông có giá trị; Khai thác nội dung đã xuất bản, để tái sản xuất; Xây dựng uy tín về chuyên môn giáo dục trong những lĩnh vực ngách, có độc giả trung thành.

Đây là những mô hình kinh doanh mới của báo chí số, có thể tham khảo tốt đối với các cơ quan báo chí Việt Nam đang CĐS.

Xây dựng tòa soạn hội tụ là một nội dung của quá trình CĐS ở các tòa soạn. Quá trình CĐS đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cần tổ chức lại cả đội ngũ, mô hình và phương thức quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu số của tòa soạn, từ khâu lên kế hoạch sản xuất, duyệt bài, đến việc giám sát, theo dõi quy trình xuất bản trên các nền tảng khác nhau. Đặc biệt, để CĐS, các tòa soạn nhất định phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất (tích hợp ứng dụng của các công nghệ AI, công nghệ VR, VA, công nghệ TTS, blockchain, các công cụ chatbot, công cụ speech-to-text hỗ trợ phóng viên và tiến tới xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung cho các cơ quan báo chí trong CĐS.

TS. Trần Bá Dung
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

Bình Định: Phát triển thể dục, thể thao vùng miền núi

(Thanh tra) - Nhằm nâng cao sức khỏe, tinh thần và tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp phát triển phong trào thể dục, thể thao trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu ở các huyện miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.

N. Phê - L. Bình

13:19 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm