Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cà phê bệt ở Sài thành

Thứ năm, 21/06/2012 - 06:31

(Thanh tra) - Không bàn ghế, chỉ tờ báo cũ hay tấm carton và cái ly nhựa đựng thức uống, thực khách ngồi bệt vỉa hè để vừa ngắm dòng người xuôi ngược của cái đông đúc, và thưởng thức vị đắng ngọt của cà phê. Ở Sài Gòn có một loại cà phê như thế.

Một nét thưởng thức cafe mới của người dân TP HCM. Ảnh Hoàng Tuấn

Sài Gòn… bệt

Cà phê bệt một cụm từ vừa quen vừa lạ với người dân Sài Thành, nhưng có lẽ giới trí thức trẻ yêu vị đắng ngọt nơi vỉa hè là những người đi tiên phong và tạo nên nét “văn hóa” rất đặc trưng của cà phê bệt Sài Thành.

Tại khu vực trung tâm TP. Hồ Chí Minh, cà phê bệt xuất hiện khá nhiều nơi, nhưng “khởi thủy” của cà phê bệt chính nơi góc phố Nguyễn Đình Chiểu và Pasteur, dọc Đại học Kiến Trúc và Đại học Kinh Tế.

Ban đầu, cà phê bệt là nét “văn hóa vỉa hè” riêng của sinh viên Kiến Trúc và Kinh Tế, về sau dường như đã trở thành “gu” cà phê của giới trẻ, và đã phát triển thêm nhiều nơi khác. Một trong những hình mẫu của kiểu cà phê này phải kể đến “quán bệt lộ thiên” ở khu vực đối diện nhà thờ Đức Bà, quanh Công viên 30/4.

Uống cà phê bệt 30/4, thực khách tự do ngồi đâu đó, được phục vụ những ly cà phê mát lạnh hay thưởng thức nhiều loại thức uống khác. Dưới những tán cây dầu rợp mát, mọi người cảm thấy thi vị hơn như đang gần gũi, hòa nhập vào thiên nhiên. Không gian thật êm đềm, mỗi khi cơn gió thoảng qua, những cánh hoa dầu tung mình trong gió, như những con chuồn chuồn xoay tít rơi theo dòng người xuôi ngược, vài con sóc chạy loanh quanh tìm những hạt đâu phộng luộc, chiếc bánh của khách bỏ quên, lũ sẻ trong đám cỏ nô đùa trong giai điệu ríu rít. Thi thoảng, vài con ong ruồi bay vòng vèo đậu vào ly nước như đang chia phần thức uống của thực khách. Nơi đây, cảm giác thật thanh bình và bỏ quên những ồn ào náo nhiệt ngoài kia, mặc cho dòng người đang hối hả. Thu An sinh viên năm 2 Đại học Kiến Trúc cho biết: “Mình và các bạn trong nhóm hay gặp nhau ở đây, ngoài uống cà phê và tán gẫu, nơi đây là địa điểm tốt để tổ chức những buổi học nhóm và họp mặt”.

Không chỉ thưởng thức hương vị cà phê bình dị đời thường, cà phê bệt còn là nơi để bạn bè cùng nhau hàn huyên, chia sẻ về cuộc sống thường nhật. Những “tín đồ” cà phê bệt hay nói đùa: “Cà phê bệt ở đây là quán cà phê có mặt bằng lớn nhất Sài Gòn”, nơi không giới hạn bạn bè, chỗ ngồi và hơn thế nữa cảm giác cộng đồng rất cao, khi tại đây có những chiều chủ nhật bồng bềnh của những miền cảm xúc... Thứ âm nhạc đường phố là đặc trưng bên cạnh những ly cà phê thơm ngon, hay những câu lạc bộ anh văn, đội nhóm của những bạn trẻ cũng hình thành tại đây.

Cà phê bệt không chỉ là góc riêng của người Sài Thành mà còn thu hút khá đông du khách nước ngoài đến thưởng thức. Du khách nước ngoài cũng tham gia bệt, trò chuyện với các bạn trẻ Việt và những thú vị về các nền văn hóa được trao đổi, chia sẻ rất gần gũi.

Bao giờ “bệt” thành… nếp văn hóa


Chiều chủ nhật, ngồi giữa lòng thành phố nhâm nhi cà phê, mỗi người có thể ngắm một Sài Gòn thu nhỏ dưới lăng kính cảm xúc của riêng mình. Dòng xe cộ tấp nập, gánh hàng rong hối hả, những cặp tình nhân và những câu chuyện không tên. Tất cả tạo nên một nhịp sống Sài Gòn rất dịu nhẹ trong tâm hồn mỗi người.

Ngoài những nét tích cực, gần gũi cà phê bệt cũng đang tác động không tốt đến môi trường, cảnh quan. Những người kinh doanh đang lạm dụng quá mức vỉa hè, lòng lề đường gây nên những hình ảnh không đẹp. Trí sinh viên năm 3 khoa Quay phim, trường Cao đẳng Sân khấu cùng nhóm bạn đang thực hiện phim ngắn Cà phê Bệt cho biết: “Cà phê bệt là nét độc đáo của người Sài Gòn cần được gìn giữ, nó là sân chơi cho giới trẻ và học sinh, sinh viên. Nhiều ý tưởng và hoài bão được hình thành từ đây, nhiều doanh nghiệp trẻ thành đạt và những người nổi tiếng cũng từng bệt tại đây.”. Nhưng nhóm của Trí vẫn lo ngại về vấn đề tệ nạn xã hội và ô nhiễm môi trường.   

 Hiện nay, cà phê bệt đang là hiện tượng văn hóa, khẳng định sức hút có thật của đô thị lớn. Sự tồn tại của nó đang phải đối nghịch với các quy định về hành lang quản lý đô thị. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần xem xét cẩn trọng hơn trong quản lý đô thị bởi nơi đây là sân chơi lành mạnh của giới trẻ và để xu hướng này trở thành nếp văn hóa đẹp của người Sài Thành.


Ngọc Trâm

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm