Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bảo tồn và phát triển Ca trù Hà Nội

Thái Hải

Chủ nhật, 11/02/2024 - 13:30

(Thanh tra)- Từ chỗ đứng trước nguy cơ bị mai một, sau gần 14 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (2009), nghệ thuật Ca trù của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để khẳng định sức sống mạnh mẽ của mình.

Ca trù Hà Nội đang khẳng định sức sống mạnh mẽ của mình qua các cuộc thi được các ca nương nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: PV

Sức sống của Ca trù Hà Nội

Thủ đô Hà Nội được coi là trung tâm Ca trù lớn nhất của cả nước. Từ khi Ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hà Nội đã có nhiều hoạt động tích cực bảo vệ, góp phần đưa di sản này ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Đến nay, nghệ thuật Ca trù truyền thống này đã được hồi sinh mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm, đặc biệt cả giới trẻ. Ca trù của Hà Nội không chỉ phát triển về số lượng câu lạc bộ (CLB) mà còn phát triển cả về mặt chất lượng tổ chức, đào tạo và biểu diễn.

Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết, nếu năm 2017, Hà Nội có 14 nhóm, CLB hát Ca trù thì đến năm 2019 tăng lên 16 nhóm, CLB với số lượng người thực hành, sinh hoạt khoảng 250 - 300 người.

Các CLB đã nghiên cứu, phục hồi biểu diễn được hơn 30 làn điệu hát, nghi thức diễn xướng và điệu múa cổ, ngoài ra còn sáng tác mới thêm được 18 làn điệu để biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau như hát ả đào, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát cô đầu, hát nhà tơ, hát nhà trò và hát ca công… là một loại hình nghệ thuật mang đậm tính “thính phòng”, có sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca, âm nhạc, và đôi khi có cả múa và trò diễn. 

Về cơ bản, các CLB này vẫn đang duy trì hoạt động, thực hành di sản đều đặn thường xuyên theo lịch cố định, tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy đàn hát Ca trù, các làn điệu thể cách được thực hành với số lượng nhiều hơn và khó hơn.

Đặc biệt, ngoài các điểm biểu diễn cố định vẫn duy trì của giai đoạn trước, trong cộng đồng đã xuất hiện thêm một số điểm trình diễn định kỳ hoặc theo sự kiện.

Năm 2019, Hà Nội đã tổ chức Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ 2. Việc này được GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: “Sự xuất hiện của đội ngũ ca nương, kép đàn trẻ tuổi đã cho giới chuyên môn cũng như khán giả thấy được sức sống mới của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại. Ðó chính là biểu hiện về mức độ phổ biến, sự mở rộng ảnh hưởng của Ca trù trong đời sống văn hóa cộng đồng”.

Các CLB Ca trù vẫn hoạt động và đón nhận được sự ủng hộ của công chúng. Ảnh: PV

Cùng với đó, một loạt sự kiện cho thấy Ca trù Hà Nội đang được sự đón nhận của cộng đồng như: Tháng 10/2020, trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn và Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, di sản hát Ca trù đã trình diễn tại khu vực phố đi bộ... Tháng 12/2020, Sở VHTT Hà Nội tổ chức Liên hoan Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội với 9 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trong đó có hát Ca trù.

Hay tại Liên hoan Ca trù toàn quốc do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Tĩnh năm 2018, Hà Nội đã giành giải A toàn đoàn, giải cá nhân có 3 giải A, 3 giải B (1 ca nương tài năng, 2 kép đàn tài năng) và 4 giấy khen.

Gần đây nhất, ngày 24/12/2023, Sở VHTT Hà Nội tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tác lời thơ mới cho các thể cách hát nói trong Ca trù.

Hà Nội là địa phương có số lượng nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước, trong đó có nghệ thuật trình diễn Ca trù. Số lượng nghệ nhân qua 3 lần phong tặng năm 2015, 2019, 2022 có 32 nghệ nhân Ca trù (8 Nghệ nhân Nhân dân và 24 Nghệ nhân Ưu tú). Họ là những người chủ nhiệm, những thành viên của các CLB yêu ca trù và mong mỏi gìn giữ nghệ thuật quý báu của dân tộc. 

Nuôi dưỡng, phát triển di sản Ca trù

Theo lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội, do điều kiện kinh tế không cho phép, nhu cầu xã hội giảm sút dẫn đến tình trạng một số CLB hoạt động không thực sự hiệu quả, quy mô cũng hạn chế. Nhóm ca trù của nghệ nhân, NSƯT Phó Thị Kim Đức hiện nay vẫn chỉ truyền dạy và sinh hoạt mang tính chất phạm vi nội bộ gia đình...

Mặt khác, nhiều nghệ nhân do tuổi cao sức yếu đã qua đời, các nghệ nhân còn lại đều đã cao tuổi, sức yếu, khả năng truyền nghề không còn được như trước. Lượng khán giả quan tâm, yêu thích hát Ca trù tuy có tăng lên so với giai đoạn 2014 - 2017, song hát Ca trù vẫn tiếp tục phải đối đầu với nền âm nhạc hiện đại, văn hóa du nhập từ nước ngoài và do đặc thù nghệ thuật này quá uyên thâm, bác học nên số người hiểu, người nghe và người thích là rất khiêm tốn….

Tuy vậy, vượt qua những trở ngại đó, tùy vào điều kiện và khả năng của các địa phương, các giáo phường, các CLB đều chung tay cùng Sở VHTT Hà Nội góp phần bảo tồn hát Ca trù. Có những nghệ nhân ở độ tuổi 60 - 70 hiện vẫn đang tích cực truyền dạy, cá biệt có nghệ nhân ở độ tuổi 80, 90 vẫn rất say mê đã và đang tiếp tục truyền dạy hát Ca trù cho thế hệ trẻ như Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Chu Chí Cang - 87 tuổi (CLB Ca trù Ngãi Cầu), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Ngô Văn Đảm - 94 tuổi (CLB Ca trù Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam).

Hay thế hệ nghệ nhân tài năng trước kia nay đã ở độ tuổi 40 - 50 cũng rất tích cực truyền dạy như NNƯT Nguyễn Thúy Hòa (48 tuổi - CLB Ca trù Thái Hà), NSƯT Nguyễn Văn Khuê (59 tuổi - CLB Ca trù Thái Hà), NNƯT Phạm Thị Huệ (CLB Ca trù Thăng Long)...

Việc truyền dạy của các CLB Ca trù trên địa bàn TP vẫn diễn ra định kỳ hàng tháng tại các nhà văn hóa địa phương, di tích lịch sử văn hóa hoặc tại nhà của một trong số các thành viên của CLB.

Sở VHTT Hà Nội hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn Ca trù. Trong ảnh: NNƯT Nguyễn Thúy Hòa đang truyền dạy hát Ca trù cho thế hệ trẻ. Ảnh: PV

Hàng năm, Sở VHTT Hà Nội hỗ trợ mở các lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn Ca trù cho các CLB, tạo cơ chế, hỗ trợ các CLB trong quá trình tuyên truyền, truyền dạy, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của Bộ VHTTDL cũng như của TP Hà Nội.

Trong những năm tới, TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động bảo tồn hát Ca trù, xác định bảo tồn là quá trình lâu dài và cần kiên trì theo lộ trình. Giới thiệu nghệ thuật, trình diễn hát Ca trù tại các điểm di tích, đưa vào nội dung các tour du lịch, phổ biến nguy cơ mai một hát Ca trù trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Với sự hồi sinh mạnh mẽ ấy, hi vọng Ca trù sẽ sớm được đưa ra khỏi danh mục cần bảo vệ khẩn cấp theo khuyến cáo của UNESCO để có thể phát triển vững bền, làm rạng danh thêm cho nền âm nhạc của quốc gia, dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Huyện Mường Khương nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Nam Dũng

14:20 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm