Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng

Thái Hải

Thứ hai, 18/01/2021 - 17:31

(Thanh tra) - Là đề tài nghiên cứu khoa học năm 2021 do ThS. Ngô Thu Trang, Phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CL&KHTT) làm Chủ nhiệm được Hội đồng Tuyển chọn, tư vấn đề tài phê duyệt.

ThS. Ngô Thu Trang trình bày thuyết minh đề tài. Ảnh: TH

Theo ThS. Ngô Thu Trang, vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang được đẩy mạnh là một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm lớn của xã hội đặc biệt là báo chí và người dân.

Theo báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, đa phần việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ được tiến hành sau khi công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai không trung thực hoặc sau phản ánh của dư luận và báo chí.

Nhìn chung, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức vì rất nhiều nguyên nhân trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, với một số lượng bản kê khai tài sản quá lớn như hiện nay thì việc công khai tại nơi cư trú là điều không hề đơn giản. Công khai ở đâu? Hình thức như thế nào? Ai là người thực hiện? Chi phí sẽ là bao nhiêu để công khai hơn một triệu bản kê khai?

Thứ hai là sự lo ngại về việc bảo đảm an toàn cho người có tài sản cả về tinh thần và vật chất. Việc bất kỳ một người nào đó biết được tài sản công chức sẽ có thể dẫn đến nguy cơ sử dụng thông tin đó với dụng ý xấu hay vào việc bất minh...

Do vậy, việc nghiên cứu đề tài về “Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa tham nhũng” là cần thiết để làm rõ những vấn đề chung về vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng; đánh giá những quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng nhằm chỉ ra những hạn chế, bất cập. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng.

Góp ý vào nội dung thuyết minh, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, vấn đề mà đề tài nghiên cứu có tính mới và cấp thiết. Tuy nhiên, thuyết minh cần làm rõ và trả lời câu hỏi vì sao cần đặt ra vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội, qua đó nhằm giúp xác định các mục tiêu nghiên cứu phù hợp và rõ ràng hơn.

TS. Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, tên thuyết minh dđề tài có thể thay đổi thành “Kiểm soát tài sản, thu nhập từ xã hội nhằm phòng, chống tham nhũng” sẽ hợp lý hơn.

Ngoài ra, dđề tài cần xác định (khoanh lại) đối tượng của kiểm soát tài sản, thu nhập chính là đội ngũ cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn sẽ hợp lý hơn.

Về các nội dung nghiên cứu, Chương 1 cần làm rõ kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm những nội dung gì; vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội hiện nay. Chương 2 cần đưa ra đánh giá về thực trạng quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía các cơ quan Nhà nước cũng như về thực trạng kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội để có sự so sánh, đối chiếu. Về phần giải pháp, sẽ bao gồm giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập từ xã hội; giải pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nhằm phòng, chống tham nhũng.

Theo TS. Nguyễn Thu Nga, Viện CL&KHTT, việc thay đổi tên đề tài không thực sự cần thiết. Theo đóđ ddề tài cần tiếp cận vào vai trò của từng chủ thể xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hướng vào ba trụ cột chính: Nhận biết thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; cung cấp thông tin cho cơ quan Nhà nước về các dấu hiệu vi phạm về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (thông qua việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…); kiểm soát xử lý việc vi phạm kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (cách thức công khai, chế tài xử lý, kết quả xử lý…).

Trên cơ sở đánh giá của các thành viên và đại biểu tham dự buổi phê duyệt, TS Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch Hội đồng Tuyển chọn, tư vấn đề tài đánh giá đề tài được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo yêu cầu về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, để hoàn thiện, thuyết minh đề tài cần chỉnh sửa theo hướng như sau:

Tại Chương 1, tiếp cận vào 9 trụ cột chính, đó là: Nội hàm của kiểm soát tài sản, thu nhập; vai trò của xã hội trong kiểm soát tài sản, thu nhập; chủ thể kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập; nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập; phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập; giá trị của kiểm soát tài sản, thu nhập; cơ sở pháp lý của kiểm soát tài sản, thu nhập; các yếu tố tác động của việc kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội.

Tại Chương 2 nghiên cứu về nội dung và phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội.

Tại Chương 3, các giải pháp bao gồm: Hoàn thiện phương thức, điều kiện về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm phát huy vai trò của từng chủ thể xã hội trong phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng về kiểm soát tài sản, thu nhập từ phía xã hội trong thời gian tới.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của thuyết minh, Hội đồng Tư vấn, tuyển chọn đề tài nhất trí thông qua phê duyệt nghiên cứu đề tài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm