Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 15/09/2022 - 18:01
(Thanh tra) - Theo đánh giá tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước…
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong. Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác năm 2022 của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao; các báo cáo Chính phủ về phòng, chống tội phạm, tham nhũng.
Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, nhưng vẫn phức tạp
Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản với quyết tâm chính trị rất cao.
“Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Đoàn Hồng Phong nói.
Theo dự báo của Chính phủ, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. “Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp”, báo cáo nêu.
Cơ bản tán thành với những đánh giá trên, Ủy ban Tư pháp lưu ý, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…
Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực. Trong khi, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
“Tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Phát biểu sau đó, Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, năm 2022, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội...
Theo ông, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây đã họp kết luận, đánh giá về việc này. “Tinh thần này phải được thể hiện trong báo cáo, nhất là báo cáo thẩm tra”, ông Tô Lâm nói, “làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực”.
Đại tướng nhấn mạnh, “chúng ta đã bước đầu ngăn chặn được tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên, tham nhũng đang ngày càng tinh vi, phức tạp khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi đối phó với tội phạm.
“Mình cứ ra được cái khiên này thì tội phạm lại có mác khác, luôn luôn có cạnh tranh như vậy nên càng phức tạp”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Hiệu quả thanh tra được nâng lên, kịp thời xử nghiêm vi phạm
Vấn đề nữa, theo cơ quan thẩm tra, kết quả thanh tra, kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng.
“Công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; kịp thời chuyển những vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện cho cơ quan điều tra”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Cơ quan thẩm tra nêu, vẫn còn trường hợp các cơ quan thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc ủy ban kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
“Đây là vấn đề cần phải khắc phục”, ông Đoàn Hồng Phong nói. Theo ông, vừa qua, thanh tra chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, Thanh tra Chính phủ thành lập 3 đoàn làm ở Bộ Y tế, Hà Nội và TP HCM, còn lại là các địa phương làm.
Kết quả là 3 đoàn của Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng chục vụ chuyển cơ quan điều tra, nhưng các địa phương hầu hết không chuyển cơ quan điều tra, trừ vụ Công ty Việt Á do Bộ Công an chỉ đạo thì báo cáo lên.
“Đây là một hạn chế, thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để có hiệu quả hơn”, ông Đoàn Hồng Phong cho hay.
Tổng Thanh tra nói thêm rằng, trong kỳ báo cáo, cơ quan thanh tra đã chuyển sang cơ quan điều tra 384 vụ, 196 đối tượng, tăng so với năm 2021. “Điều đó cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra đã từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm vi phạm pháp luật”.
Về vấn đề hoàn thiện thể chế, theo ông Đoàn Hồng Phong, trong năm 2022, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát các quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những sơ hở, bất cập, nhất là các lĩnh vực như ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu, đất đai…
“Qua đó, từng bước khép được lỗ hổng, ngăn chặn vi phạm pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực”, ông cho hay, Thủ tướng giao các bộ trưởng phải trực tiếp tham dự việc xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Tiếp thu các ý kiến của cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra khẳng định sẽ tham mưu, bổ sung nội dung đánh giá dự báo tình hình tham nhũng trong báo cáo chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới đây.
Kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng
Theo Tổng Thanh tra, năm 2022, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện và đạt kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế, tồn tại.
Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ triển khai kế hoạch đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm với các địa phương, bộ, ngành. Từ đó, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt trên từng mặt công tác phòng, chống tham nhũng để báo cáo Thủ tướng.
Riêng về kiểm soát tài sản, thu nhập, theo ông Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng kế hoạch kiểm tra ở một số bộ, ngành và chỉ đạo về mặt chuyên môn cho các thanh tra địa phương. "Tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập để góp phần phòng ngừa tham nhũng”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Không phải đình chỉ vụ án là oan, là sai
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, năm 2022, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật “tốt hơn những năm trước nhiều”. Đồng thời khẳng định công tác này không làm cản trở mà “phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội”.
“Tất nhiên, đúng là có một số vụ việc còn tồn tại, như đình chỉ vụ án, chúng tôi cho rằng đó là việc rất thông thường, luật pháp cho phép, không phải đình chỉ là oan, là sai. Chúng ta phải có quan điểm nhận định thống nhất”, ông Tô Lâm nói và đề nghị báo cáo thẩm tra điều chỉnh, đánh giá toàn diện.
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, khi làm báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Tư pháp đã rất thận trọng, mỗi một đánh giá, nhận định đều có chú thích kèm theo. Đồng thời cân đối giữa phần khen - chê.
“Trong báo cáo này, ngồi nhìn lại thì chủ yếu là khen, phần tồn tại, hạn chế, phần chê rất ít nhưng các đồng chí vẫn tiếp tục có góp ý cho báo cáo thẩm tra, chúng tôi xin ghi nhận các ý kiến này. Nhưng cũng phải thông cảm, Uỷ ban Tư pháp đứng ở giữa và phải tham mưu cho các đại biểu Quốc hội biết ưu điểm, hạn chế của hoạt động tư pháp thời gian qua là gì, căn cứ vào đâu nói có hạn chế đó”, bà Nga nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã không ngừng nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), xác định rõ mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Các hoạt động này không chỉ nhằm giữ vững ổn định chính trị, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức trong sạch, vững mạnh.
Bùi Bình
06:00 24/11/2024(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), công tác phòng ngừa tham nhũng của huyện Thạch An đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn thừa nhận còn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để việc PCTN, tiêu cực của địa phương ngày một tốt hơn.
Trung Hà
00:08 24/11/2024Bùi Bình
00:07 24/11/2024Văn Thanh
12:00 23/11/2024Trần Kiên
07:00 23/11/2024Bùi Bình
06:00 23/11/2024Cảnh Nhật
Hương Giang
Văn Thanh
Hương Trà
Lê Hữu Chính
Chu Tuấn - Quang Danh
H.Trang
Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình