Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 04/09/2020 - 06:38
(Thanh tra)- “Người ta đắm say quyền lực hơn cả ma tuý. Quyền lực, tiền bạc đã làm mờ tối, thay đổi bản chất vốn tốt đẹp của rất nhiều cán bộ. Xử lý một cán bộ rất đau xót, nhưng không phải vì thế mà dung túng...”.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: H.G
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Thanh tra.
Mỗi người phải xây dựng thương hiệu của chính mình
+ Trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đề cập đến việc “hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Bài viết của Tổng Bí thư đề cập đến văn hóa là đề cập đến vấn đề cốt lõi, mang tính chiến lược về con người.
Ngay chủ đề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, dòng đầu tiên là “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, đó là văn hoá trong chính trị. Một tổ chức của những người tiên phong nhất, của những người đứng ra để lãnh đạo xã hội, đất nước không trong sạch, không vững mạnh thì làm sao lãnh đạo được.
Nêu gương cũng là văn hóa. Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ viên Trung ương phải nêu gương, người càng cao càng phải nêu gương cao. Muốn nêu gương thì không có vùng cấm và rõ ràng chúng ta đã thực hiện không có vùng cấm.
Làm gì có thời kỳ nào Ủy viên Bộ Chính trị cũng có thể vào tù, bị kỷ luật, ghê gớm lắm. Tất nhiên rất đau xót, mất một đồng chí là mất đi một phần tài sản của Đảng. Không phải bỗng dưng được vào Bộ Chính trị, Trung ương, thật sự họ có rất nhiều cống hiến nhưng sa ngã, có khuyết điểm. Không thể vì cống hiến ấy mà bỏ đi sự trong sạch của Đảng.
Trong đời sống, tình yêu nước nồng nàn, thương người như thể thương thân, cần cù, sáng tạo, trọng nghĩa tình… luôn là tài sản tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam. Hình ảnh cây phát gạo ATM, hay cụ già đem số tiền tích góp vài năm, rồi cháu bé sẵn sàng đập con lợn tiết kiệm để ủng hộ chống dịch COVID -19… đã minh chứng điều đó.
Tổng Bí thư nhắc phải có ý chí, khát vọng, đấy chính là văn hoá trong con người. Tâm hồn mình, trái tim mình phải nuôi dưỡng khát vọng lớn lao chứ không phải “ngủ trong giường chiếu hẹp, giấc mơ con đè bẹp cuộc đời con”. Mỗi một người dân, nhất là cán bộ phải tính toán để xây dựng thương hiệu của chính mình, giỏi giang, sáng tạo, cống hiến thật sự thì tốt biết bao nhiêu.
+ Theo đánh giá đất nước sẽ “bước vào một giai đoạn phát triển mới”. Vậy, xây dựng và phát triển giá trị văn hoá, sức mạnh con người phù hợp thời kỳ mới được hiểu như thế nào?
- Con người hiện đại phải khoẻ về thể chất, lành mạnh về tâm hồn và có khả năng thích ứng, vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình. Muốn làm được thế phải có ý chí, khát vọng, cái đó không phải nói suông.
Con người tiên phong thì văn hóa phải tiên phong, văn hoá soi đường cho quốc dân đi chứ không phải chạy theo kinh tế. Đánh đổi văn hoá để phát triển thì phát triển hôm nay nhưng tụt hậu nhiều đời sau, không bền vững.
Trong thời kỳ mới, chúng ta phải phát huy, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời phải giữ được bản sắc của mình. Hội nhập thì anh vẫn phải có gương mặt riêng trong bức ảnh chung để người ta nhận rõ anh là Việt Nam.
Sự phát triển của con người, phát triển của dân tộc, lỗi một nhịp có khi mất hàng trăm năm. Cho nên, tư duy mới phải là tư duy của những người có khát vọng, hiểu biết trên nền tảng vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.
Từ chức không có nghĩa là vĩnh viễn mất chức
+ Không chỉ phát huy ý chí, khát vọng, với cán bộ còn đặt ra yêu cầu phải “dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động”, nhưng cũng có tư tưởng không làm mới không sai, thưa ông?
- Trước hết, những nhà hoạch định chính sách, luật pháp phải xây dựng một hành lang minh bạch, rõ ràng để mọi người có thể đổi mới sáng tạo là đúng luật. Còn phải “phá rào” mới làm tốt, mới sáng tạo thì rất nguy hiểm. Cho nên, Tổng Bí thư có đặt vấn đề là phải có ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên trong xây dựng đường lối, chính sách pháp luật.
Nói đi phải nói lại, những người không chịu làm thì đứng ra chỗ khác. Có làm, có sai, con người chứ đâu phải thần thánh. Những người say sưa sáng tạo thì những khuyết điểm không mong muốn có thể xảy ra. Tất nhiên khuyết điểm không mong muốn có thể có khuyết điểm lớn nhưng rất ít xảy ra.
Gần đây chúng ta phát hiện nhiều vụ đều là cố tình chứ không phải vô ý, thậm chí nhiều lần vi phạm và vi phạm ở mức nghiêm trọng phải xử lý chứ không phải là khuyết điểm.
Xu hướng nằm in chờ thời cũng là cơ hội, xu hướng “ngậm miệng ăn tiền” càng phải đào thải. Trong xã hội hiện đại mà tồn tại những xu hướng đó thì quá nguy hiểm. Đảng tiên phong, đảng viên không đi trước thì ai đi?
Văn hoá là cái gì đó rất khó đong đếm nhưng lại không mù mờ, văn hoá chẳng qua sự thật. Những người không chịu làm, làm sợ sai thì nên nhường cho người khác, đấy chính là văn hoá từ chức.
Cán bộ nếu là người có ý thức, danh dự, văn hóa thì phải biết “ngồi trông hướng”. Vị trí chức vụ thì ít mà không làm cứ “ngồi” đấy thì cũng là vi phạm chuẩn mực đạo đức văn hóa.
+ Văn hóa từ chức không phải bây giờ mới nói, song ở Việt Nam dường như khó thực hiện được. Phải chăng do “ghế quan chức” quá nhiều lợi lộc?
- Văn hóa từ chức phải hình thành dần dần. Vì danh dự, thấy không thể đảm đương được nhiệm vụ với rất nhiều lý do nên tôi từ chức chứ không phải bị cách chức. Từ chức mà trở thành thân bại danh liệt thì người ta sợ. Thứ hai, cái “ghế” ấy có quá nhiều danh, lợi thì cũng níu kéo người ta không thực hiện.
Theo tôi, phải có luật rõ ràng, từ chức không có nghĩa là vĩnh viễn mất chức. Từ chức hôm nay, tiếp tục tu dưỡng, học hỏi để hôm sau vẫn có thể ứng cử vào chính chức ấy, thậm chí cao hơn. Còn từ chức thì đừng nghĩ được làm gì nữa thì ai dám từ chức.
Chúng ta cần xây dựng thế nào để mọi người phải tự tôn dân tộc, thấy mình là người Việt Nam mà tụt hậu thì xấu hổ, chứ không phải là vơ vén cho cá nhân mình, bán rẻ cả linh hồn.
“Người ta đắm say quyền lực hơn cả ma tuý”
+ Tổng Bí thư cũng đề cập đến việc “thực hiện những giải pháp đột phá, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội”, ông bình luận gì về điều này?
- Đảng ta đã ra nhiều quy định như chống chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư cũng từng nói rằng, phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, lập pháp”. Rất nhiều vụ việc, cán bộ cấp cao bị xử lý nghiêm minh, điều đó thể hiện không ai, không tổ chức nào được đứng trên pháp luật.
Tổng Bí thư còn nhắc ai “đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa", có nghĩa đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Những ai đương chức, đang có quyền lực nếu không thể thắng được mình, không dám làm thì nên tự nguyện đứng sang một bên để đỡ mất công sức của Đảng, của nhân dân.
Đấu tranh chống tệ nạn xã hội, chống tham nhũng, đẩy lùi tiêu cực không đơn giản, vô cùng gian khổ, nhưng chúng ta đã làm, đang làm và phải tiếp tục làm để tạo niềm tin trong nhân dân. Đây là bước đi phù hợp với phát triển của đất nước, của dân tộc và của Đảng.
+ Như ông nói, phải tiếp tục chống tham nhũng, loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi bộ máy Nhà nước, nhưng đây là vấn đề không dễ. Vậy phải làm thế nào để cuộc chiến này không “trùng xuống”?
- Cái câu hỏi làm thế nào để loại bỏ cán bộ tham nhũng cực kỳ khó, khó cho tất cả chúng ta, cho cả Tổng Bí thư chứ không phải đơn giản. Hiện chúng ta chưa nhốt được quyền lực vào lồng vì hệ thống pháp luật chưa đủ kín để không ai có thể lạm dụng được.
Người ta đắm say quyền lực hơn cả ma tuý. Quyền lực, tiền bạc đã làm mờ tối, thay đổi bản chất vốn tốt đẹp của rất nhiều cán bộ. Xử lý một cán bộ rất đau xót, nhưng không phải vì thế mà dung túng. Cho nên, mới phải nhốt quyền lực vào cái lồng, không để lạm quyền, không để chạy chức, chạy quyền, phải sàng lọc, nêu gương.
Tôi biết, toàn dân đều sốt ruột vì căn bệnh tham nhũng ủ bệnh lâu rồi và đã lan rộng. Nhưng đánh chuột không để vỡ bình, vỡ trận được, chúng ta phải có chiến lược, nhiều biện pháp và làm kiên quyết, đồng bộ, không thể dừng lại.
+ Xin cảm ơn ông!
Hương Giang
(Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ năm 2019 đến nay, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã thực hiện 5 cuộc thanh tra trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng. Qua thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị.
Nhật Minh
13:57 22/11/2024(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.
Phương Anh
06:00 22/11/2024Hoàng Nam
20:19 21/11/2024Trần Kiên
20:01 21/11/2024Thu Huyền
16:26 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương