Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phòng, chống tham nhũng không chịu bất cứ sức ép nào

Hương Giang

Thứ bảy, 03/02/2024 - 06:04

(Thanh tra) - Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kịp thời hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nhịp nhàng hơn nữa, kiên quyết, kiên trì, không nể nang, không chịu bất cứ sức ép nào…

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng

Tinh thần này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt trong các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.

Tới đây, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới có rất nhiều việc phải làm, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự. Điều này, đòi hỏi công tác phòng, chống, tiêu cực phải làm tốt hơn nữa.

Tổng Bí thư yêu cầu dứt khoát không để lọt những người tham nhũng, tiêu cực vào cấp ủy sắp tới; nơi nào để xảy ra thì dứt khoát phải kỷ luật cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy nơi đó.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho hay, Tổng Bí thư nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa.

“Tổng Bí thư yêu cầu xem xét xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có ví dụ, bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng…

Tổng Bí thư cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phải thực sự trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Đặng Văn Dũng thông tin với PV Báo Thanh tra.

Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng bắt đầu với hàng hoạt thách thức chưa từng có tiền lệ. Dù vậy, trong 3 năm, nhất là năm 2023, công cuộc chống “giặc nội xâm” “không ngừng”, “không nghỉ”, có bước đột phá mới cả ở Trung ương và địa phương.

Khuyến khích cán bộ tự nhận khuyết điểm, từ chức

Dấu ấn đầu tiên là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh; đảm bảo sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh Trí Dũng

Số liệu cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến cuối năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 53.000 đảng viên (tăng gấp 2 lần về số tổ chức Đảng và 1,5 lần về số đảng viên bị kỷ luật so với nhiệm kỳ Đại hội XII).

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, đã kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, từ chức, xin thôi chức vụ, nghỉ công tác như Tổng Bí thư nói là “rút lui trong danh dự”. Cùng với đó, kịp thời miễn nhiệm, thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Đến cuối năm 2023, Đảng, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 16 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác hơn 160 trường hợp sau khi bị kỷ luật.

“Đây là cách làm mới, rất nghiêm khắc, nhưng rất nhân văn, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nhấn mạnh.

“Vừa qua, dư luận băn khoăn, vì sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như thế, nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ ở cả Trung ương và địa phương?

Dư luận cũng bức xúc, lo lắng trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm? Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp ("tham nhũng vặt") vẫn còn diễn ra, chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả?

Tôi đã từng nói, có một bộ phận cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân; một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào thì như một “ông vua con” ở đấy.

Đây là những vấn đề bức xúc và cũng là yêu cầu, đòi hỏi của người dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta, tuy đã làm tốt rồi, nhưng cần phải làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 19/6/2023

“Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng có bước đột phá mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, tồn đọng lâu, xảy ra trên diện rộng, trong lĩnh vực chuyên sâu, khép kín, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước là dấu ấn tiếp theo.

Điển hình trong công tác này là các đại án: Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB; Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương.

“Các vụ án thực hiện đúng phương châm “chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”", theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang “dính chàm” đã bị khởi tố.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có 33 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Riêng vụ Việt Á, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý hình sự.

Đặc biệt, lần đầu tiên đã khởi tố, điều tra, truy tố tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.

Các cơ quan cũng lần đầu tiên điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng đang bỏ trốn ra nước ngoài (bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm trong vụ án tại Công ty AIC).

Việc này mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác; là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội và nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.

Chống tham nhũng ở địa phương đang “nóng” lên

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính cơ quan, lực lượng chống tham nhũng được đẩy mạnh; từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan này.

Tổng Bí thư và các đại biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng

Dấu ấn nữa, sau hơn 1 năm thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương không còn “lạnh” mà đang “nóng” lên. Theo Ban Nội chính Trung ương, đến ngày 25/12/2023, các địa phương đã phát hiện, khởi tố 684 vụ án, 1.953 bị can về tội tham nhũng (tăng gấp 1,8 lần số vụ so với năm 2022).

Nhiều địa phương đã khởi tố các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh, ủy viên thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh.

Song song với đó, năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã triển khai các đoàn kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Lãnh đạo Ban Nội chính cho hay, nếu các lần kiểm tra trước của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, tiêu cực tập trung vào công tác “phát hiện, xử lý” tham nhũng, tiêu cực, lần nay Ban Chỉ đạo đi vào công tác “phòng ngừa” tham nhũng, tiêu cực.

Việc kiểm tra này nhằm góp phần xây dựng cho được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực, “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”.

Thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục chuyển biến

Hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng

Riêng năm 2023, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay. Cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành án xong 574.819 việc; thu và giải quyết trên 89.000 tỷ đồng, tăng trên 14.000 tỷ đồng so với năm 2022 (trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng trên 4.415 tỷ đồng).

Với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong hơn 11 tháng năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

Với công tác này, theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm