Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều cán bộ thuế, hải quan “dính chàm” trong đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới

Q. Đông

Thứ tư, 29/03/2023 - 22:04

(Thanh tra) - Bằng các thủ đoạn gian dối, đối tượng Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo lập nhiều công ty trong nước và ngoài nước để thực hiện hành vi mua bán hàng hóa với nhau nhằm hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa bán hàng rồi chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới là vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa: Internet

Ngày 29/3, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 67 bị can về các nhóm tội danh: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "buôn lậu", "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới", "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức", "nhận hối lộ", "vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "thiếu trách nhiêm gây hậu quả nghiêm trọng" và "sản xuất hàng giả".

Vụ án này do Trịnh Tiến Dũng (hiện đang bỏ trốn) chủ mưu thực hiện hàng loạt hành vi buôn lậu, vận chuyển tiền qua biên giới... Cơ quan công an đã ra quyết định truy nã quốc tế Interpol.

Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn 2016 - 2020, Trịnh Tiến Dũng thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm. Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Dũng sử dụng các pháp nhân: Công ty Lams, Avi, Fomula, Rothady…

Còn ở Việt Nam, Dũng thuê người dùng chứng minh nhân dân để lập nhiều công ty và đứng sau phía sau điều hành.

Để tạo nguồn hàng xuất khẩu, Dũng chỉ đạo làm giả linh kiện điện tử (RAM, chip) rồi vận chuyển đến Campuchia hoặc Hong Kong (Trung Quốc), sau đó quay vòng về Việt Nam. Trong vụ án này, các đối tượng vận chuyển trái phép hàng nghìn tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam.

Cơ quan tố tụng xác định, Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép 1.205 tỷ đồng (hơn 51,6 triệu USD) từ Việt Nam ra nước ngoài.

Với số tiền này, Dũng chuyển 10,2 triệu USD là tiền dịch vụ cho các khách hàng cá nhân để thu phí chuyển tiền; chuyển 12,8 triệu USD về Việt Nam thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu chip, RAM; chi tiêu cá nhân.

Liên quan đến Công ty Thu Duc House, Dũng đã chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thu Duc House để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài. Thu Duc House sau đó lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng hơn 365 tỷ đồng. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế cho Thu Duc House với tổng số tiền hơn 365 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định để xảy ra hành vi gian dối, lập hồ sơ khống hoàn thuế giá trị gia tăng còn có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế của cán bộ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh trong việc kiểm tra, thanh tra, xét duyệt, quyết định hoàn thuế.

Quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho Thu Duc House, nhóm lãnh đạo, cán bộ tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, gồm: Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và 14 thuộc cấp đã không đối chiếu số liệu, không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ, không tổ chức thanh tra để phát hiện sai phạm, ngăn chặn…dẫn đến việc hoàn thuế không đúng, gây thất thoát của Nhà nước hơn 365 tỷ đồng.

Bị can Hạnh và 14 đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, 3 bị can từng là cấp dưới của Nguyễn Thị Bích Hạnh bị cáo buộc về hành vi Nhận hối lộ gồm: Đào Thị Nga, cán bộ Chi cục thuế quận 1; Nguyễn Phương Nam, cán bộ Chi cục thuế quận 3 và Ngô Huỳnh Lũy, cán bộ Chi cục thuế quận 5.

Liên quan tới vụ án này, còn có 7 bị can là cán bộ công chức hải quan được phân công kiểm tra thực tế hàng hóa tại hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Phạm Duy Bình; Hoàng Trung Kiên; Hồ Hoàng Hải; Nguyễn Duy Linh; Trần Văn Thành; Nguyễn Hữu Trên và Nguyễn Lê Hùng.

Theo cáo trạng, 7 bị can này là công chức hải quan được phân công kiểm tra hàng hóa đối với 4 lô hàng được phân luồng đỏ của Công ty Indo Vina và Công ty Hà Giang. Vì thiếu trách nhiệm không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa nên không phát hiện hành buôn lậu của Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ số tiền 66.278 USD và hơn 370 tỷ đồng khi khám xét khẩn cấp và do các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp để khắc phục hậu quả. Đồng thời đã kê biên, tạm dừng giao dịch 33 bất động sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, 1 ô tô Mercedes. Tạm dừng giao dịch 3 tài khoản chứng khoán; phong tỏa số tiền hơn 3,6 tỷ đồng trong 9 tài khoản ngân hàng. Tạm giữ 42 đồ vật kim loại thành phần là vàng, trong đó có 2 đồ vật có gắn đá quý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện đối tượng liên quan đến hành vi tham nhũng vặt

(Thanh tra)- Bộ Nội vụ cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rộng khắp các vấn đề dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và làm cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai, thực hiện.

Phương Anh

06:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm