Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm PCTN

Thái Hải

Thứ ba, 11/10/2022 - 22:03

(Thanh tra) - Là tên đề tài khoa học cấp bộ do ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đăng ký làm chủ nhiệm vừa được Hội đồng Phê duyệt thuyết minh đề tài khoa học phê duyệt nghiên cứu năm 2023 vào ngày 11/10.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra trình bày nội dung đề tài. Ảnh: TH

Trình bày thuyết minh đề tài, ThS. Phạm Thị Thu Hiền cho rằng, vấn đề trách nhiệm giải trình được đề cập đến trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có quy định về nguyên tắc, nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nhưng chủ yếu là việc giải trình trước xã hội khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc khi báo chí đăng tải thông tin, yêu cầu trả lời…

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình mặc dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Việc giải trình thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, họp báo nhiều khi còn hình thức.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền cho biết, thực tiễn tổng kết việc thực hiện Luật PCTN cho thấy, việc yêu cầu và giải trình không nhiều; các hình thức để cán bộ, công chức chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn chưa thực sự mạnh mẽ…

“Đây là vấn đề đặt ra và cần đánh giá tổng thể các hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân để tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình ở Việt Nam trong thời gian tới”.

Đề tài hướng tới mục tiêu làm sáng tỏ cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý và thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm PCTN.

Theo dự kiến, đề tài nghiên cứu một số nội dung chính như sau: Cơ sở lý luận về thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm PCTN; Thực trạng trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm PCTN; Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm PCTN ở Việt Nam thời gian tới.

Tại hội nghị, đa số các thành viên Hội đồng cho rằng, vấn đề trách nhiệm giải trình đã được nghiên cứu ở một số công trình khoa học khác, do đó, việc nghiên cứu đề tài này cần làm rõ tính mới của vấn đề được nghiên cứu để tránh trùng lặp với các nội dung đã được nghiên cứu.

Các thành viên Hội đồng đề nghị, đề tài cần bổ sung một số nội dung sau: Về tính cấp thiết, đề tài cần đề cập đến những bất cập về mặt pháp lý trong quy định về trách nhiệm giải trình; bất cập về thực tiễn thực hiện trách nhiệm giải trình cần được thể hiện tường minh hơn theo hướng trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước và thói quen của người dân trong việc sử dụng công cụ pháp lý này…

Về nội dung nghiên cứu, đề tài cần có cách tiếp cận trách nhiệm giải trình theo hướng mở rộng ngoài quy định của Luật PCTN; theo đó, các nội dung ở phần thực trạng cũng được nghiên cứu theo hướng mở rộng này. Bên cạnh đó, đề tài cần xác định tiêu chí đánh giá hiệu quả trách nhiệm giải trình và nêu kinh nghiệm về thực hiện trách nhiệm giải trình của một số nước trên thế giới.

Phần giải pháp, việc nâng cao hiệu quả thể hiện ở giá trị của trách nhiệm giải trình mang lại cho công tác PCTN, đề tài cần đưa ra giải pháp cụ thể để đảm bảo hiệu quả trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước và đảm bảo tính mới trong nghiên cứu.

Phát biểu kết luận tại buổi phê duyệt thuyết minh, TS. Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh, việc nghiên cứu đề tài cần bảo đảm làm rõ thêm tính mới để thấy sự khác biệt với các đề tài khác đã nghiên cứu về nội dung này; tên đề tài được đổi thành “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước và các công cụ bảo đảm thực hiện nhằm PCTN, tiêu cực”.

Về nghiên cứu thực trạng, đề tài cần làm rõ việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực tế trong những năm qua ít được thực hiện, qua đó, đi đến nhận định rằng, trách nhiệm giải trình thường được thực hiện khi có báo chí đề cập đến; đồng thời, nghiên cứu trong khuôn khổ công tác PCTN, tiêu cực hiện nay… Việc nghiên cứu cần làm rõ trách nhiệm giải trình trong mối quan hệ giữa người dân và xã hội; với thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên; trong mối quan hệ với cấp dưới và đề cập đến trách nhiệm hình sự khi vấn đề giải trình không đúng.

Kết thúc buổi phê duyệt, Hội đồng thống nhất phê duyệt thuyết minh đề tài để triển khai nghiên cứu trong năm 2023.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm